Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Cây dứa dại và những công dụng tuyệt vời mà chúng ta không ngờ tới


Dứa dại là một loại cây rất phổ biến ở vùng nông thôn hoặc các vùng ven biển ở nước ta. Loại cây này có rất nhiều công dụng rất tuyệt vời nhưng phần lớn người dân Việt Nam chưa biết tới công dụng của cây dứa dại cũng như cách sử dụng loại cây này như thế nào. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu thêm về công dụng tuyệt vời mà cây dứa dại mang lại cùng với cách sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.


Quả của cây dứa dại thường có màu xanh và chuyển sang màu vàng cam khi chín

Tìm hiểu thông tin về cây dứa dại

Cây dứa dại có tên khoa học là Pandamus tectorius Sol, thường được gọi với nhiều cái tên khác như: dứa núi, dứa gai, dã ba la, sơn ba la, lộ đầu từ,... Đây là một loại cây thuộc họ Pandamus (Dứa dại).

1, Đặc điểm của cây dứa dại

Dứa dại là một cây thuốc rất quý. Chiều cao trung bình của cây dứa dại khoảng 3m đến 4m, phân nhánh ở ngọn, thân cây có rất nhiều rễ phụ rủ xuống đất. Lá cây dài khoảng 1m-2m, mọc thành chùm ở đầu nhánh, mép lá có nhiều gai sắc nhọn, chính giữa là có một đường gân.

Cụm hoa mang quả sẽ phát triển thành khối có hình dạng giống với quả trứng, có cuống, dài 15-25cm, quả dứa dại có màu xanh và sẽ chuyển sang màu vàng cam khi chính. Quả hạch phẳng, có góc cạnh và ở đỉnh tạo thành hình bướu, có nhiều hốc, nhiều cạnh.

2, Phân bố và cách thu hoạch cây dứa dại

Ở Việt Nam, cây dứa dại được trồng và mọc dại ở rất nhiều nơi, đặc biệt là những nơi như: dọc bờ ngoài nước mặn, ven biển, rừng ngập mặn, các bãi ẩm có cát hoặc dọc bờ sông, bờ ao ở trong đất liền. Những địa phương có nhiều cây dứa dại là: Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Kiên Giang, Đồng Nai,...

Cây dứa dại cũng xuất hiện tại rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước: Srilanka, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Lào, Mianma, Trung Quốc,...

Người ta thường thu hoạch rễ của cây dứa dại khi nó còn non, rủ xuống nhưng chưa bám vào đất sau đó rửa sạch, thái lát vào bảo quản bằng cách sấy hoặc phơi khô để dùng dần. Phần màu trắng của cuống lá khi còn non có thể dùng để ăn. Quả của cây dứa dại sau khi thu hoạch sẽ được thái mỏng và phơi khô.

3, Cây dứa dại có những thành phần hóa học nào?

Chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào chỉ ra được những thành phần hóa học có chứa trong cây dứa dại. Tuy nhiên, hoa của cây dứa dại có chứa rất nhiều tinh dầu benzyl và người ta thường lấy hạt chưng cất hạt của phấn hoa và lá bắc để lấy hương liệu và nước thơm.

Trong Đông Y, phần đọt non của lá cây dứa dại có vị ngọt và tính lạnh có tác dụng rất tốt đối với việc giải độc, thanh nhiệt cơ thể. Quả của cây dứa dại có tính bình, vị ngọt thường được sử dụng để cường tâm, ích huyết, giải rượu, ;tiêu đờm… Rễ cây có tính mát, vị ngọt nhạt và hoa có tính lạnh, vị ngọt có công dụng điều trị tiêu chảy do nhiệt độc, trừ thấp nhiệt.


Hoa của cây dứa dại có chứa rất nhiều tinh dầu benzyl

Cách phương pháp điều trị bệnh bằng cây dứa dại

1, Chữa bệnh kiết lỵ

Theo ghi chép trong cuốn “Thường Dụng Trung Thảo Dược Thủ Sách”, chúng ta có thể chữa được bệnh kiết lỵ bằng cách dùng 30-60g quả của cây dứa dại sắc lấy nước uống hàng ngày.

2, Thị lực giảm, nhìn không rõ

Trong cuốn “Cương Mục Thập Di” cũng có một phương pháp chữa được triệu chứng thị lực giảm, nhìn không rõ bằng quả dứa dại. Cách làm là thái lát mỏng quả dứa dại sau đó cho vào mật ong để ngâm ăn trong ngày. Mỗi ngày nên ăn hết 1 quả. Thực hiện phương pháp này trong khoảng thời gian 1 tháng sẽ thấy hiệu quả rất rõ rệt.

3, Trị say nắng, cảm nắng

Lĩnh Nam Thái Dược Lục” có ghi chép lại rất nhiều tác dụng của cây dứa dại, trong đó có tác dụng trị say nắng, cảm nắng bằng cách uống nước sắc của 10-15g quả của cây dứa dại.

4, Điều trị viêm gan cấp, viêm gan siêu vi

Phương pháp điều trị viêm gan cấp, viêm gan siêu vi được ghi chép lại trong cuốn “Hiện Đại Thực Dụng Phương Tễ” là sử dụng 12g quả dứa dại, 8g cây diệp hạ châu, 12g cốt khí củ, 12g nhân trần, 4g cam thảo, 6g ngũ vị tử, 8g trần bì sắc cùng với 1 lít nước tới khi thu được 450ml. Chia để phần nước thu được là làm 3 phần để uống. Để mang lại hiệu quả tốt nhất thì nên uống khi đói.

5, Chữa các vết loét sâu gây thối xương

Theo cuốn “Lĩnh Nam Thái Dược Lục” chúng ta có thể hát đọt non của cây dứa dại sau đó rửa sạch và giã nát để đắp vào vùng có vết thương. Tác dụng của đọt non cây dứa dại trong trường hợp này chính là hút mủ ra khỏi vết thương và làm cho chỗ bị viêm loét lành nhanh chóng hơn

6, Chân bị lở loét lâu ngày

Trong cuốn “Lĩnh Nam Thái Dược Lục” cũng đã ghi chép lại phương pháp điều trị bệnh chân bị lở loét lâu ngày bằng cách giã nát đọt non của cây dứa dại và đậu tương để đắp vào chỗ bị lở loét. Phương pháp này vừa có thể làm cho vết thường lành nhanh chóng vừa có tác dụng sát trùng vết thương.

7, Trị chứng bồn chồn, chân tay khó chịu

Đun sôi tất cả các nguyên liệu sau đây để lấy nước uống hàng ngày: 30g đọt non, 6g đăng tâm thảo, 15 cái búp tre, 30g xích tiểu đậu.

8, Chữa ho do cảm mạo

Theo ghi chép của “Quảng Tây Trung Thảo Dược”, chúng ta có thể dùng 10-15g quả dứa dại hoặc 4-12g hoa dứa dại để sắc lấy nước để uống trong ngày.

Những bài thuốc điều trị bệnh bằng cây dứa dại được tham khảo từ kinh nghiệm dân gian và nguồn báo mạng:

9, Chữa xơ gan cổ trướng

Sắc tất cả các nguyên liệu 20g quả dứa dại, 12g lá cây ô rô, 20g lá quao nước sắc lấy nước uống. Mỗi ngày nên uống 2 lần, mỗi lần uống 150ml. Uống trước bữa ăn để mang lại hiệu quả tốt nhất.

10, Chữa viêm thận phù thũng

Sử dụng 30g rễ cây dứa dại cùng với 150g thịt nạc nấu canh để ăn, mỗi tuần ăn khoảng 3-4 lần. Để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất thì trong quá trình sử dụng thì hàng ngày, trước mỗi bữa ăn chúng ta nên uống nước sắc của các loại nguyên liệu sau đây: 30g rau dừa nước khô, 10g bông mã đề, 12g rau má, 12g bồ công anh.

11, Điều trị viêm tiết niệu, sỏi thận

Chuẩn bị tất cả các nguyên liệu: 12-20g rễ dứa dại, 10-12g rễ cỏ tranh, 10-12g hạt quả chuối hột, 10- 12g rễ cây lau, 15-20g kim tiền thảo, 10-12g củ cỏ ống, 8-10g bông mã đề. Sắc tất cả những nguyên liệu này cùng với nhau để lấy nước uống. Mỗi ngày uống khoảng 2-3 lần, mỗi lần uống khoảng 150ml, tốt nhất nên uống trước bữa ăn.

12, Trị đái buốt, đái rắt

Sử dụng khoảng 15-20g đọt non tươi để sắc lấy nước uống hàng ngày.

13, Chữa đau đầu, mất ngủ

Chúng ta có thể cải thiện chứng mất ngủ và điều trị bệnh đau đầu bằng cách dùng 30g rễ dứa dại khô sao thơm sau đó đem sắc để lấy nước uống 2 lần mỗi ngày.

14, Bồi bổ cơ thể

Thái lát mỏng quả dứa dại sau đó mang đi ngâm rượu, nên uống 1 chén nhỏ vào mỗi bữa ăn.

15, Chữa chứng viêm tinh hoàn

Lấy khoảng 30-60g hạt của quả cây dứa dại, 30g lá tía tô, 30g lá quất hồng bì rửa sạch và đun lấy nước. Nên dùng để rửa tinh hoàn khi nước còn ấm.


Cây dứa dại mang lại rất nhiều hiệu quả điều trị bệnh

Những lưu ý khi sử dụng cây dứa dại

Cây dứa dại mang lại rất nhiều hiệu quả điều trị bệnh. Tuy nhiên, loại cây này cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với cơ thể. Để tránh những ảnh hưởng không đáng có, khi sử dụng cây dứa dại các bạn phải lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Quả của cây dứa dại chỉ có tác dụng điều trị bệnh viêm gan cấp, viêm gan siêu vi chứ không có tác dụng điều trị tất cả các loại bệnh về gan vì vậy nếu không mắc phải 2 căn bệnh về gan kể trên thì không nên lạm dụng.
  • Nếu không có sự hướng dẫn của thầy thuốc thì không nên sử dụng cây dứa dại vì lớp phấn trắng ở có chứa độc tố, nếu không được bào chế đúng cách mà vẫn sử dụng trong một thời gian dài có thể không đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn mà còn gây ra ngộ độc, viêm thận thậm chí là phản tác dụng.

Trên đây là tất cả những thông tin về cây dứa dại cũng như các phương pháp điều trị bệnh bằng cây dứa dại mà các thầy cô Trường Cao Y tế Hà Nội đã tổng hợp lại. Mong rằng nó sẽ hữu ích trong quá trình tìm kiếm thông tin của các bạn.