Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Trẻ bị bại não do nguyên nhân nào? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị ra sao?


Trẻ bị bại não sẽ gây cản trở đến vận động, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tê liệt tay chân. Đây cũng là một căn bệnh mà được nhiều các bậc cha mẹ quan tâm. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ hơn những thông tin về nguyên nhân trẻ bị bại não, dấu hiệu nhận biết và các phương pháp chẩn đoán, điều trị.

Trẻ bị bại não là tình trạng bệnh lý gây nên do một hoặc nhiều phần  của não bộ tổn  thương, người bệnh không thể vận động các phần cơ một cách bình thường.

Bệnh  này ngoài việc ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày thì rất có thể sẽ khiến trẻ bị tàn tật, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn khả năng học tập, động  kinh, thay đổi hành vi, thính giác và ngôn ngữ... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp  thời.

1. Nguyên nhân trẻ bị bại não

Việc xác định nguyên nhân chính xác gây ra bệnh sẽ giúp trẻ có được liệu trình điều trị chính xác và đạt hiệu quả cao hơn.

Nguyên nhân gây ra bệnh  bại não ở trẻ như nguyên nhân trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh. Cụ thể:

Nguyên nhân trước khi sinh

  • Do bị nhiễm trùng bởi các bệnh lý khác trong suốt thời kỳ mẹ mang thai: trong khoảng thời gian 3 tháng đầu thai kỳ mẹ bầu sẽ rất dễ bị mắc các nhiễm trùng như rubella, tiểu đường, nhiễm độc thai nghén, nhiễm trùng hệ tiết niệu, nhiễm trùng ối… đây có thể là nguyên nhân làm tổn thương não của bào thai và dẫn đến bại não ở trẻ hoặc gây nên sinh non.
  • Thiếu oxy não bào thai: trong trường hợp nhau thai bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh hoặc chức năng của nhau thai bị giảm sút hay do chảy máu… vô tình làm suy giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, điều này cũng khiến não bào thai thiếu oxy.
  • Các bất thường bẩm sinh khác: Do bản thân trẻ trong khi còn là bào thai trong bụng  mẹ thì đã có các bất thường về cấu trúc hệ thần kinh hoặc mắc nhiều bệnh di truyền khác.
  • Di truyền: tình trạng rối loạn trong hệ gen là một trong những yếu  tố tác động gây bại não ở trẻ. Mặc dù vậy di truyền cũng không hoàn toàn gây ra bại não mà còn do các yếu tố bên ngoài tác động vào thì mới có khả năng phát bệnh.

Xem thêm các bài viết liên quan

tre-bi-bai-nao
Trẻ sơ sinh bị ngạt thở là nguyên nhân dẫn đến bại não 

Nguyên nhân trong khi sinh

  • Sinh non: trẻ được sinh ra trước ngày trước 37 tuần thai. Đặc biệt trường hợp những trẻ sinh non trước 32 tuần và nhất là trước 28 tuần thì nguy cơ mắc bệnh  bại não là rất cao.
  • Trong quá trình chuyển dạ và sinh trẻ bị ngạt: Ở trẻ đủ tháng, ngạt có thể xảy ra giai đoạn trước hoặc trong chuyển dạ do suy yếu trao đổi khí máu qua bánh nhau. Hậu quả trẻ có thể bị bệnh lý não thiếu oxy, có thể kèm theo tổn thương các cơ quan khác.
  • Sang chấn sản khoa: đây là tình trạng do thủ thuật hỗ trợ sinh sản kéo thai nhi ra khỏi cửa mình người mẹ đối với những ca sinh khó của bác sĩ đã trở thành mối nguy hại phổ biến.

Nguyên nhân sau sinh

  • Xuất huyết não: đây là triệu chứng do trẻ thiếu  Vitamin K và thường gặp nhiều ở những nước đang phát triển.
  • Vàng da nhân: Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có lượng tế bào hồng cầu cao, các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết Bilirubin khỏi máu vì vậy gây nên vàng da. Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thấp vào não làm cho trẻ tử vong hoặc bị hại não suốt đời.
  • Bại  não  mắc phải: ở ngay những năm đầu tiên sau khi sinh ra trẻ đã mắc các chứng bệnh  gây tổn thương thần kinh như viêm màng não mủ, viêm não, chấn thương sọ não.
  • Bại não mà không xác định được nguyên nhân: Theo thống kê thì có khoảng 30% trẻ bị  bại não mà không xác định được chính xác nguyên nhân là do đâu.

Ngoài ra sẽ có những nguyên nhân khác nữa gây ra bệnh bại não ở trẻ, tuy nhiên chưa được liệt kê ở trên. Nếu người bệnh có thắc mắc hãy hỏi trực tiếp các bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp cụ thể hơn.

tre-bi-bai-nao
Bại não được phân loại thành  những thể nào?

Căn cứ vào những đặc điểm lâm sàng của bệnh bại não mà chia ra các loại bại não như:

  • Thể co cứng.
  • Thể múa vờn.
  • Thể thất điều (mất điều phối)
  • Thể nhẽo (giảm trương lực)
  • Thể phối hợp: là tình trạng phối hợp của từ 2 thể trở lên, thông thường trẻ hay bị bại não phối hợp của thể co cứng và múa vờn

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bại não

Nhờ vào các triệu chứng dưới đây để phát hiện sớm trẻ bị bại não:

  • Ngay sau khi sinh ra trẻ không khóc ngay hoặc tiếng khóc bé, yếu, cơ thể tím tái.
  • Cơ thể trẻ mềm nhũn sau sinh và không cử động chân tay hoặc ít vận động. Đặc biệt là khi trẻ có những hành động khua chân, tay bất thường hoặc có những hành động thiếu tự nhiên thì đó chính là dấu hiệu của bệnh bại não.
  • Phần đầu của trẻ bị rủ xuống và không hoặc gặp khó khăn khi ngẩng lên.
  • Xuất hiện triệu chứng co giật, bất tỉnh, sùi bọt mép.
  • Mọi hành động đều chậm hơn so với những trẻ khác, chậm biết lẫy, ngồi, bò. Bên cạnh đó những trẻ bị bại não thường biết đi và biết nói chậm hơn các bạn cùng trang lứa.
  • Giao tiếp với người xung quanh kém và không nhận biết được mẹ, những người thân xung quanh.
  • Gặp  khó khăn trong việc bú sữa và rất hay bị sặc sữa.
  • Dịch mũi họng thường xuyên tiết ra, hay chảy dãi và khò khè.
  • Ngoài ra có những biểu hiện  khác như: lác mắt, sụp mí, giảm, mất khả năng nhìn, nghe kém, méo miệng...

Ngay khi thấy dấu hiệu trẻ bị bại não  các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

tre-bi-bai-nao
Có phương pháp nào được sử dụng trong điều trị bệnh bại não?

3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả

Kỹ thuật chẩn đoán

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền y học hiện đại thì để chẩn đoán bệnh bại não cho kết quả chính xác hơn bác sĩ thường chỉ định con thực hiện một số xét nghiệm để xác định bệnh như chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ MRI não, siêu âm  và xét nghiệm đo dẫn truyền thần kinh.

Phương pháp  điều  trị

Bại não có chữa được không? Đây là thắc mắc của hầu hết những bậc phụ huynh có con bị mắc bệnh. Nhưng theo các chuyên gia đang trực tiếp giảng dạy tại CĐ thì phần não tổn thương không có khả năng phục hồi tuy nhiên cũng không thể phát triển xấu hơn. Mặc dù vậy các vấn đề về cử động, tư thế hoặc các triệu chứng khác có được cải thiện hay không sẽ tùy thuộc vào việc điều trị.

Một số phương pháp được sử dụng trong điều trị bại não như:

  • Thủy trị liệu

Đây là phương pháp giúp trẻ phục hồi các khớp và các dây thần kinh. Tuy nhiên không sử dụng điều trị với những trường hợp trẻ có dấu hiệu động kinh lâm sàng.

Thủy trị liệu sẽ giúp trẻ được thư giãn nhiều hơn và giảm trương cơ lực, tăng khả năng vận động có ý thức.

Cách này sẽ được thực hiện bằng cách: cho trẻ vận động trong bồn nước xoáy Hubbard hay bể bơi với nhiệt độ nước khoảng 36 – 38 độ C trong khoảng 30 phút.

  • Thuốc giãn cơ

Chỉ định dùng điều trị với trường hợp trẻ bại não thể co cứng và co rút, ngoài ra không được cho các trẻ dạng bại não khác sử dụng.

Tác dụng của thuốc giãn cơ là giúp cho trẻ có thể kiểm soát tốt hơn các tư thế và giúp trẻ giảm căng cơ lức, tăng cường khả năng vận động.

Thuốc sẽ được sử dụng theo đường tiêm vào cơ thể trẻ: tiêm trực tiếp nội cơ hoặc tiêm qua đầu định vị của máy điện cơ.

Ngoài thuốc giãn cơ thì rất có thể bác sĩ sẽ kê thêm một vài loại thuốc bổ cho não nhằm thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của trẻ nhỏ.

  • Điện trị liệu

Tác dụng của phương pháp này là tác động trực tiếp lên các dây thần kinh đã bị ức chế và từ đó làm giảm trường lực để giúp trẻ hành động tự nhiên.

Điện trị liệu có hai loại: điện thấp tần và tử ngoại, tuy nhiên sẽ tùy từng mức độ và thể trạng sức khỏe của trẻ mà bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định phù hợp.

Thường những trường hợp trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, bại não thể nhẽo là sẽ dùng liệu pháp tử ngoại. Và liệu pháp điện thấp tần  dùng cho bé không có dấu hiệu động kinh lâm sàng hoặc bé không bị bại não thể co cứng nặng.

Ngoài ra còn có nhiều các phương pháp điều trị bại não khác như: Diện chẩn, châm cứu bấm huyệt, ghép tế bào gốc, oxy cao áp…

Tóm lại Trẻ bị bại não là một bệnh lý khá nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng. Nắm rõ các thông tin về bệnh qua bài viết trên, hy vọng sẽ giúp bạn đọc có các biện pháp chủ động phòng ngừa đồng thời phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Mọi vấn đề chưa rõ hoặc còn thắc mắc bạn nên hỏi trực tiếp các bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp!