Xuất huyết võng mạc là biến chứng điển hình của bệnh lý võng mạc. Nếu khi mắc bệnh mà không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến tổn thương võng mạc và ảnh hưởng xấu đến thị giác. Hãy tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này dưới bài viết!
Võng mạc chính là lớp màng thần kinh lót trong của nhãn cầu. Lớp màng này có lớp bám dính vào cùng với phần phía trước của hắc mạc đến tận phía sau quanh bờ dây thần kinh thị giác. Võng mạc được biết đến với chức năng chính là chuyển năng lượng ánh sáng thành thị lực sau đó thông tin sẽ được chuyển ngược về não thông qua những dây thần kinh thị giác khác.
Xuất huyết võng mạc là một triệu chứng của một số bệnh lý võng mạc. Hiện tượng này sẽ gây ra các ảnh hưởng không tốt đến chức năng thị giác. Thực chất đây là tình trạng máu không ở đúng vị trí mà thoát ra ngoài võng mạc gây nhìn mờ đột ngột, đau và đỏ. Tuy nhiên tùy theo số lượng và vị trí xuất huyết mà bệnh nhân mờ mắt nhiều hay ít. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh xuất huyết võng mạc.
Thông thường bệnh xuất huyết võng mạc sẽ thường xảy ra với những người bệnh bị tắc tĩnh võng mạc, đái tháo đường, tăng huyết áp… Khi có hiện tượng này xuất hiện đồng nghĩa với việc tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng và gây ra nhiều ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác.
1. Nguyên nhân gây ra xuất huyết võng mạc
- Theo các giảng viên đang trực tiếp giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch Hà Nội chia sẻ thì bệnh xuất huyết võng mạc do nhiều nguyên nhân như cận thị nặng, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm, chấn thương mắt… Tuy nhiên cũng có những trường hợp gặp khó khăn khi tìm ra nguyên nhân nên việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do võng mạc là một tổ chức thần kinh nên khi có biểu hiện xuất huyết thì khả năng phục hồi chức năng tiếp nhận ánh sáng rất thấp.
- Người có nguy cơ mắc bệnh xuất huyết võng mạc bao gồm:
- Những người bị cận thị nặng: đối tượng bị cận thị nhiều thường là lứa tuổi học sinh và nhân viên văn phòng. Trong thời gian dài không có phương pháp điều trị thì sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết võng mạc.
- Người mắc bệnh tiểu đường: Khi bị tiểu đường sẽ xuất hiện tình trạng tắc nghẽn vi mạch máu và rò rỉ mạch máu, điều này làm giảm khả năng vận chuyển oxy trong hồng cầu và dẫn đến tình trạng thiếu máu võng mạc, tổn thương hàng rào máu võng mạc gây tổn thương võng mạc.
- Người bệnh thường xuyên có các triệu chứng tăng huyết áp: Cao huyết áp là nguyên nhân làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc, gây chảy máu trong mắt, phù gai thị nghiêm trọng hơn sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
- Người bị tắc tĩnh mạch võng mạc: Bệnh sẽ làm các mạch máu bị vỡ, dẫn đến nguyên nhân võng mạc bị xuất huyết.
- Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ: những trẻ sinh non có xuất hiện các mạch máu bất thường phát triển và lan rộng trong võng mạc. Bệnh gây xuất huyết võng mạc ở trẻ sơ sinh nếu khi các mạch máu bất thường này vỡ hoặc bị rò rỉ.
2. Triệu chứng nhận biết bệnh xuất huyết võng mạc
Một số biểu hiện cho thấy người bệnh đang mắc xuất huyết võng mạc, cụ thể như:
- Tầm nhìn thông thường của mắt bị bóp méo, thu nhỏ lại.
- Mắt nhìn mờ, thị lực suy giảm rõ rệt, thấy mạng nhện hoặc xuất hiện đốm đỏ trong tầm nhìn. Trong tầm nhìn ngoại vi có ánh sáng lóe lên nhanh chón rồi vụt tắt.
- Nghiêm trọng hơn là triệu chứng đột ngột gây mù.
- Có những người bệnh xuất hiện cảm giác đau đầu rõ rệt.
- Tùy vào mức độ bị xuất huyết võng mạc mà người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Nếu người bệnh có thắc mắc thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chính xác và rõ ràng hơn.
Đây là một bệnh lý phức tạp nên tốt nhất người bệnh khi có các dấu hiệu nghi ngờ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám kỹ càng hơn.
Xuất huyết võng mạc có nguy hiểm không? Đây là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc. Trên thực tế thì bệnh xuất huyết võng mạc thì có khả năng tiếp nhận ánh sáng rất thấp do võng mac là một tổ chức thần kinh và điều trị hiện nay cho kết quả hạn chế. Bệnh sẽ càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn nếu không xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh.
3. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh xuất huyết võng mạc
Kỹ thuật dùng trong chẩn đoán bệnh xuất huyết võng mạc
Hiện nay, khi bạn đến các cơ sở chuyên khoa để khám bệnh xuất hiện võng mạc sẽ được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định dùng các kỹ thuật nhằm có được kết quả chẩn đoán chính xác như:
- Soi đáy mắt: đây là kỹ thuật giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong mắt bằng cách dùng dụng cụ phóng đại gọi là kính soi đáy mắt và nguồn sáng để nhìn vào bên trong mắt. Soi đáy mắt sẽ giúp tìm các vấn đề về võng mạc hoặc những bệnh về mắt khác.
- Chụp mạch huỳnh quang: việc sử dụng thuốc nhuộm trong phương pháp chẩn đoán này sẽ giúp nhận thấy các tổn thương bất thường, phát hiện các bệnh lý khác nhau của mắt do ảnh hưởng trên võng mạc.
- Kiểm tra mắt: đánh giá chính xác chức năng thị lực của người bệnh như kiểm tra nhìn xem có rõ không? Tầm nhìn có bị ảnh hưởng hay xuất hiện dấu hiệu nào bất thường hay không?
Các phương pháp điều trị bệnh xuất huyết võng mạc
Tốt nhất để đảm bảo các biến chứng của bệnh xuất huyết võng mạc không xảy ra thì khi thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường về thị lực và nghi ngờ là mắc xuất huyết võng mạc thì cần đến các cơ sở y tế như bệnh viên, phòng khám chuyên khoa về mắt để được thăm khám, từ đó bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ tổn thương hoặc vị trí xảy ra xuất huyết võng mạc mà đưa ra hướng điều trị cho phù hợp và hiệu quả hơn.
Thông thường bác sĩ sẽ điều trị xuất huyết võng mạc bằng các cách sau:
- Đầu tiên sẽ xác định chính xác nguyên nhân gây ra xuất huyết võng mạc. Đây là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để giúp tìm phương án điều trị đúng và có thể phòng ngừa tốt cho bên mắt còn lại.
- Với nền y học hiện đại, cơ sở vật chất được trang bị hiện đại thì việc điều trị xuất huyết võng mạc sẽ thường dùng kỹ thuật mới như: Laser, vi phẫu mạch máu, thuốc tiêm nội nhãn… Tuy nhiên tùy thuộc vào mức độ và thể trạng sức khỏe của người bệnh thì sẽ sử dụng một trong ba trường hợp hoặc kết hợp cả ba trường hợp trên.
- Bên cạnh đó cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh. Bổ sung các thực phẩm giàu Vitamin A, B, C, E để giúp thành mạch bền vững hơn và chữa lành nhanh chóng các mạch máu bị tổn thương. Thêm vào bữa ăn hàng ngày các axit béo bao gồm như omega-3 từ dầu cá và hạt đậu lanh.
- Tiếp tục điều trị song song các bệnh lý là nguyên nhân dẫn đến xuất huyết võng mạc bao gồm: đái tháo thường, cao huyết áp… nhằm hạn chế tối đa các biến chứng do những bệnh lý trên gây ra.
>> Xem thêm các bài viết liên quan
- Sử dụng Thuốc Bristopen như thế nào để đạt hiệu quả cao?
- Bệnh Cúm gia cầm (H5N1) và các biện pháp phòng ngừa
- Dịch tả lợn Châu Phi có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không?
4. Cách phòng ngừa xuất huyết võng mạc
Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa xuất huyết võng mạc sẽ giúp thị lực người bệnh không bị ảnh hưởng, cụ thể như sau:
- Cần nhanh chóng đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị sớm ngay khi có các dấu hiệu về thị lực như mắt đỏ, nhìn mờ, thường xuyên cảm thấy đau nhức mắt…
- Trong quá trình làm việc hoặc ngồi học cần ngồi đúng tư thế, cần có đủ ánh sáng và hạn chế sử dụng các loại thiết bị điện tử để tránh bị rơi vào tình trạng cận thị hoặc tình trạng cận thị trở nặng hơn.
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng cách thường xuyên kiểm tra lượng đường máu để không gây ra biến chứng và làm ảnh hưởng đến thị lực
- Đo huyết áp thường xuyên để tầm soát tốt khả năng tăng huyết áp. Bên cạnh đó người bệnh nên có chế độ ăn nhạt, tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày với những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng người bệnh như đi bộ, yoga.
- Đối với phụ nữ mang thai thì cần theo dõi sức khỏe thai nhi suốt thai kỳ nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh về mắt để hạn chế tối đa biến chứng về võng mạc xảy ra.
Trên đây là một số thông tin về bệnh xuất huyết võng mạc mà nhà trường đã tổng hợp lại. Hy vọng rằng những thông tin trên đây sẽ giúp cho các bạn có thêm hiểu biết về căn bệnh này. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế các chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa!