Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có thể khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời và có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm khác. Vậy bệnh quai bị sẽ để lại những biến chứng gì?
Bệnh quai bị có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở lứa tuổi trẻ em, thanh thiếu niên. Quai bị có thể lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc nhổ… bệnh dễ lây nhất vào 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hoặc 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất.
1. Triệu chứng của bệnh quai bị
Một số những triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh quai bị như:
- Thân nhiệt cơ thể tăng cao đột ngột.
- Người bệnh chán ăn, bỏ bữa.
- Đau đầu.
- Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên thì tuyến nước bọt bắt đầu đau nhức, sưng to. Có thể sưng 1 bên hoặc cả 2 bên gây ra tình trạng khó nhai, khó nuốt. Đau góc hàm, dấu hiệu mà bất cứ ai khi mắc bệnh quai bị đều gặp phải.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Kèm theo đó là có thể sưng bìu và đau tinh hoàn.
- Các triệu chứng trên người bệnh có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác, do đó không điều trị sớm và kiêng cữ làm cho bệnh tình nặng hơn rất nhiều.
Để xác định chắc chắn bạn có bị quai bị hay không thì có thể đi làm xét nghiệm virus hoặc xét nghiệm các kháng thể.
2. Biến chứng của bệnh quai bị
Hiện nay bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc hay các phương pháp cải thiện triệu chứng khó chịu của bệnh gây ra. Tuy nhiên nếu không kiêng khem hoặc điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Một số những biến chứng của bệnh quai bị như:
Viêm tinh hoàn
- Đây là biến chứng quai bị ở nam giới thường gặp ở trong độ tuổi trưởng thành. Tình trạng này có diễn biến phức tạp khi tỷ lệ viêm mào tinh hoàn và tinh hoàn chiếm đến 20 – 35% số người bệnh sau tuổi dậy thì. Viêm tinh hoàn và đáng lo lắng nhất là teo tinh hoàn, có thể dẫn đến vô sinh. Tỉ lệ này chiếm khá ít chỉ khoảng 0,5%.
- Biểu hiện nhận biết của biến chứng này là tinh hoàn sưng to, bị đau trong vòng 3 – 7 ngày mào tinh căng, sau đó tình hoàn bị teo dần, dẫn đến chất lượng tinh trùng giảm và gây ra vô sinh.
- Trên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng gặp phải biến chứng viêm tinh hoàn. Hoặc nếu không may mắc phải mà được điều trị kịp thời thì cũng sẽ không xảy ra vô sinh. Do đó ngay khi thấy có các biểu hiện như đã nêu ở trên cần đi khám và điều trị ngay để phòng vô sinh.
Viêm buồng trứng
- Đây là một biến chứng quai bị ở phụ nữ nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức vô sinh mà chỉ gây nên một số bệnh về viêm buồng trứng. Trường hợp phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì có thể gây ra nguy cơ con bị dị dạng hoặc sẩy thai. Còn đối với phụ nữ đang mang thai ở ba tháng cuối của thai kỳ thì thai nhi có thể bị chêt lưu hoặc sinh non.
- Người bệnh sẽ thấy có các dấu hiệu như đau bụng, rong kinh. Cho nên khi mắc bệnh quai bị nữ giới cần tuân thủ theo những chỉ định điều trị bệnh của các bác sĩ để hạn chế tối đa các nguy cơ biến chứng cho cơ thể.
Viêm tụy
- Một trong những biến chứng nặng của bệnh quai bị.
- Dấu hiệu nhận biết của biến chứng này là bệnh nhân sẽ thấy đau bụng dữ dội với tần suất liên tục và kèm theo nôn mửa, các triệu chứng tụt huyết áp.
Các tổn thương thần kinh
- Tổn thương thần kinh nếu như bị ở sọ não có thể dẫn đến điếc, thị lực suy giảm hoặc mắc các bệnh lý khác như viêm đa rễ thần kinh, viêm tủy sống cắt ngang.
- Một số những dấu hiệu để nhận biết người bệnh đang bị tổn thương thần kinh như: tính tình thường xuyên thay đổi, đau đầu hoặc các triệu chứng co giật, rối loạn tri giác, đầu biến dạng và thường to hơn bình thường do não úng thủy.
- Một số biến chứng khác có thể gặp phải như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.
Biến chứng quai bị ở trẻ em
Khi mắc bệnh quai bị người lớn thường có mức độ bệnh nặng hơn và các biến chứng nguy hiểm hơn so với trẻ em. Nhưng không vì đó mà các bậc cha mẹ chủ quan khi con trẻ của mình bị mắc bệnh quai bị. Một số biến chứng quai bị ở trẻ em như:
- Trong trường hợp bị mắc bệnh khi trẻ còn nhỏ thì có thể sẽ bị điếc.
- Các virus gây bệnh quai bị tấn công hệ thống thần kinh trung ương làm tổn thương thần kinh sọ não và có thể gây ra các bệnh như viêm màng não, viêm não hoặc dị tật tiểu não. Biến chứng này sẽ thường gặp hơn ở người lớn. tuy nhiên trẻ em cũng có thể bị mắc phải.
- Bệnh quai bị cũng có thể gây ra viêm màng tinh hoàn ở các bé trai. Viêm màng tinh hoàn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này nhưng sẽ gây ra triệu chứng sưng, đau, buồn nôn và sốt trong vài tuần ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của trẻ.
Xem thêm các bài viết liên quan
- Cách trị ho ở trẻ dứt điểm bằng các mẹo dân gian
- Trẻ bị viêm tai giữa kiêng ăn gì để phòng tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm?
- Sốt thương hàn: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh
3. Phải làm gì khi mắc bệnh quai bị?
Theo các chuyên gia đang trực tiếp giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch thì ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ đã mắc bệnh quai bị thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám để có cách điều trị thích hợp.
Ngoài ra trong suốt quá trình điều trị bệnh để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra đồng thời nhanh chóng cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra thì bệnh nhân cần lưu ý:
- Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và cách ly với những người khỏe mạnh/
- Bổ sung nhiều nước cho cơ thể. Tuy nhiên nên tránh các loại nước ép trái cây có vị chua, vì trong đó chứa nhiều axit sẽ gây kích thích các tuyến mang tai, tạo nhiều nước bọt và gây đau hơn nữa.
- Để vùng hàm không bị sưng to hơn cần tránh ăn các đồ ăn có chứa thành phần nếp như xôi, bánh chưng.
- Không dùng nước lạnh hoặc ra gió vì điều này có thể làm cho vùng quai bị sưng to hơn rất nhiều.
- Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thường xuyên.
- Bổ sung Vitamin C hoặc các chế phẩm khác có chứa Vitamin C để nâng cao khả năng miễn dịch cho người bệnh.
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi thân nhiệt tăng cao hoặc khi bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc nào với tần suất ra sao cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ.
- Dùng một vài bài thuốc dân gian có tác dụng giảm các triệu chứng sưng đau nếu bạn thực sự hiểu rõ về bài thuốc đó. Ví dụ như dùng rượu hạt gấc bôi vào vùng bị sưng sẽ thấy bớt sưng và đau.
- Ăn những món ăn dễ nuốt như súp, cháo… để tránh chạm vào những vết sưng gây đau hơn.
- Nếu bệnh nhân nam có dấu hiệu viêm tinh hoàn hoặc bệnh nhân nữ bị viêm buồng trứng, nên vào bệnh viện ngay để được theo dõi chặt chẽ, tránh để lại những di chứng đáng tiếc.
Cách phòng bệnh quai bị
Dùng các dung dịch kháng khuẩn hoặc nước muối để súc họng sạch sẽ, hạn chế các virus gây bệnh. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người hoặc môi trường có khả năng lây bệnh cao.
Tiêm đủ hai liều vắc-xin MMR. Vắc-xin MMR là loại vắc-xin tiêm chủng hỗn hợp sởi-quai bị-rubella. Mỗi liều tiêm chứa loại vắc-xin an toàn và hiệu quả nhất cho từng bệnh.
Trên đây là một số thông tin về biến chứng quai bị cho cả nam, phụ nữ và trẻ em và cách phòng tránh. Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn trang bị kiến thức bổ ích về căn bệnh này. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế những lời khuyên của các bác sĩ.