Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Bệnh tổ đỉa có lây không? Có cách nào để điều trị bệnh nhanh chóng?


Bệnh tổ đỉa là một trong những bệnh viêm da gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có khả năng khởi phát đột ngột, diễn biến dai dẳng, khó điều trị. Người mắc bệnh nên nắm rõ các thông tin về bệnh như bệnh có lây không? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh ra sao?... Bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm nhiều kiến thức y khoa hữu ích!

1. Bệnh tổ đỉa là gì? Bệnh có thể lây không?

Bệnh tổ đỉa là căn bệnh viêm da gây ra nhiều triệu chứng rất khó chịu, đặc trưng bởi tình trạng mụn nước nổi nhiều ở các vị trí tay, chân làm cho bệnh nhân ngứa ngáy. Bệnh sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và làm mất thẩm mỹ cho người bệnh.

Những nốt mụn tổ đỉa thường có kích thước từ 1 – 3 mm nằm rải rác hoặc thành đám cụm gây ngứa ngáy rất nhiều. Mụn nước sẽ có thể bị vỡ nếu điều trị không đúng cách hoặc để lâu trong suốt một thời gian dài làm cho nước màu vàng, da khô, nứt nẻ, bong tróc… Bệnh có thể tái phát nhiều lần.

Bệnh tổ đỉa có thể phân chia theo độ tuổi như:

  • Bệnh tổ đỉa ở trẻ em:  bệnh thường xảy ra ở các vị trí như bàn tay, bàn chân, nách, bẹn… Biểu hiện dễ nhận thấy là bề mặt da ửng đỏ, nổi nhiều mụn nước làm cho trẻ thường xuyên quấy khóc và khó chịu.
  • Bệnh tổ đỉa ở người lớn: Thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân đặc biệt là các đầu ngón tay gây ngứa ngáy, dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm.

Bên cạnh đó bệnh cũng có thể phân loại thành các thể theo đặc điểm bệnh học như:

  • Thể đơn giản: mụn nước sẽ nằm sâu trong da, tuy nhiên không gây ngứa nghiêm trọng.
  • Thể bọng nước: Giai đoạn phát triển hơn của thể giản đơn. Lúc này các mụn nước nhỏ sẽ gộp lại thành bọng nước lớn hơn và gây ngứa ngáy dữ dội.
  • Thể nhiễm khuẩn: thể này là tình trạng tổ đỉa bị tổn thương do các nguyên nhân nhiễm khuẩn, bội nhiễm làm cho các mụn nước chứa mủ trở nên đục và có thể gây vỡ ra.

Tuy rằng các triệu chứng của bệnh xảy ra trên bề mặt da khiến nhiều người lầm tưởng bệnh sẽ lây lan sang người khác. Nhưng đây lại không phải là căn bệnh lây nhiễm từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp. Mà bệnh chỉ có thể lây lan nhanh trên cơ thể người bệnh nếu không được điều trị sớm và kịp thời.

benh-to-dia
Bệnh tổ đỉa xảy ra ở vị trí bàn tay

2. Nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh, tuy nhiên thường gặp nhất vẫn bao gồm các yếu tố:

  • Yếu tố di truyền: Theo thống kê, có trên 50% bệnh nhân là do di truyền. Do đó gia đình có tiền sử cơ địa dị ứng, dễ nhiễm khuẩn sẽ tăng nguy cơ bị tổ đỉa. 
  • Dị ứng hóa chất sinh hoạt: Phấn hoa, xà phòng, mỹ phẩm, xi măng, bụi phấn,… đều có thể là tác nhân gây kích ứng da và dẫn đến dị ứng.
  • Bị bệnh tổ đỉa do nhiễm khuẩn: Người hay tiếp xúc với đất, nước bẩn làm cho da bị tổn thương, gây viêm hoặc gây ra bệnh tổ đỉa.
  • Nguyên nhân bệnh tổ đỉa do Nấm: Khi bị nhiễm nấm tay chân, khả năng kháng khuẩn của da sẽ kém đi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Do cơ địa: Những người có tiền sử mắc các bệnh lý như hen suyễn, viêm thận, viêm gan... cũng có thể gây ra bệnh tổ đỉa. Hoặc người có sức đề kháng kém, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng chính là điều kiện để cho bệnh tổ đỉa phát triển. 
  • Rối loạn thần kinh giao cảm: đây là nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa khá phổ biến do quá trình tăng tiết mồ hôi tay chân do rối loạn thần kinh giao cảm, 
  • Tác dụng phụ của thuốc: Khi sử dụng không đúng cách hoặc quá lạm dụng các loại thuốc điều trị bệnh làm ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da và tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh dễ xâm nhập hơn.

Ngoài những nguyên nhân ở trên còn có các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa khác, nếu người bệnh có thắc mắc hãy tham khảo ý kiến các bác sĩ  chuyên khoa để được giải đáp chính xác hơn.

Xem thêm các bài viết liên quan

benh-to-dia
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh tổ đỉa

3. Triệu chứng của bệnh tổ đỉa

Các dấu hiệu của bệnh tổ đỉa sẽ xuất hiện theo từng đợt và nếu sau khi chữa khỏi gặp điều kiện thích hợp thì vẫn có thể tái phát và để lại những vết thâm, sẹo hoặc dấu vết nhất định.

Một số các triệu chứng điển hình của bệnh tổ đỉa gây ra cho người bệnh như:

  •  Xuất hiện mụn nước: Mụn nước trắng, nhỏ li ti, ăn sâu biểu bì da, sờ thấy cứng chắc thường xuất hiện ở kẽ ngón tay, chân, lòng và mu bàn tay, bàn chân. Những mụn nước này sẽ liên kết với nhau thành từng đám bọng nước. 
  • Nhiễm khuẩn mụn nước: đây là hiện tượng mụn nước/bọng nước sưng đỏ hoặc chuyển màu đục, đi kèm sưng hạch bạch huyết và gây sốt kéo dài.
  • Có cảm giác ngứa và nóng rát.  Nếu càng gãi nhiều thì vết thương càng sưng tấy, đau và nóng rát.
  • Khi mụn nước xẹp xuống sẽ khô lại, đóng thành vảy, bong tróc rồi lành, nhìn thiếu thẩm mỹ khi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục trên da của người bệnh tổ đỉa, lâu dần sẽ trở thành sẹo.
  • Móng tay, móng chân thay đổi hình dáng: Móng tay, chân bị ảnh hưởng bởi mụn nước, hạch bạch huyết sẽ sưng lên, biến dạng theo thời gian.

Để tránh để lại các sẹo mất thẩm mỹ thì khi nhận thấy một số dấu hiệu nghi ngờ là bệnh tổ đỉa, bạn hãy đến ngay các p.khám chuyên khoa để được kiểm tra. Qua kết quả khám – thăm khám, chuyên gia sẽ dẫn ra kỹ thuật chữa trị phù hợp, hiệu quả.

4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh

Kỹ thuật chẩn đoán bệnh tổ đỉa

Để chẩn đoán bệnh tổ đỉa, các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên các yếu tố lâm sàng như:

  • Vị trí phát bệnh: Có mụn nước khu trú tại lòng bàn tay hoặc hoàng bàn chân hay không?
  • Có xuất hiện các đám mụn nước sâu, mọc chìm dưới da hay không? Mụn nước có thể mọc rải rác hoặc mọc thành cụm.

Ngoài ra, cần có kỹ thuật phân biệt bệnh tổ đỉa với các bệnh da liễu có triệu chứng tương đối giống nhau như bệnh eczema (chàm), bệnh nấm kẽ hoặc bệnh nấm da gây ra do Trichophyton rubrum.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tổ đỉa cụ thể như chữa bệnh theo các phương pháp dân gian và theo phương pháp Tây Y, bao gồm như:

Cách chữa bệnh tại nhà theo dân gian

Các phương pháp dân gian để chữa bệnh tổ đỉa được rất nhiều người lựa chọn. Do đây là những phương pháp dân gian này là ít tốn kém chi phí, cách làm đơn giản và khá lành tính nhờ sử dụng hoàn toàn những nguyên liệu tự nhiên. Một số cách chữa bệnh tổ đỉa theo dân gian phổ biến như:

  • Cách tiến hành chữa bệnh tổ đỉa bằng lá lốt: Sử dụng lá lốt tươi, rửa sạch và đun lấy nước để rửa vùng da bị tổ đỉa. Có thể dùng phần lá khác nữ để vò nát và chà xát lên vùng da đang bị tổn thương.
  • Cách tiến hành chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không: Sử dụng lá trầu không tươi rửa sạch, đem vò qua rồi cho vào nồi và đun sôi. Thêm vào đó một chút muối biển. Dùng nước này để ngâm rửa vùng da bị tổ đỉa mỗi ngày 2 lần.
  • Cách tiến hành chữa bệnh tổ đỉa bằng rau rămRau răm rửa sạch, để ráo nước rồi giã nhuyễn. Đắp lá rau răm lên vùng da bị tổ đỉa, dùng khăn băng gạc quấn lại để giữ cố định trong 30 phút và rửa lại với nước sạch.
  • Cách tiến hành chữa bệnh tổ đỉa bằng tỏi: Tỏi đem bóc vỏ, giã nát rồi chắt lấy nước cốt. Dùng bông gòn thấm nước tỏi chấm lên các nốt mụn nước.

Theo các chuyên gia đang trực tiếp giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch Hà Nội thì các mẹo dân gian này sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên khá lành tính, có tác dụng làm giảm bớt phần nào triệu chứng bệnh tổ đỉa. Mặc dù vậy những phương pháp này sẽ không có hiệu quả điều trị cao, bên cạnh đó khâu sơ chế nguyên liệu có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng da do không đảm bảo vệ sinh. Do đó, bệnh nhân vẫn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và điều trị bằng những phương pháp chính thống.

benh-to-dia
Lá lốt cũng là một bài thuốc dân gian để điều trị bệnh tổ đỉa

Cách chữa bệnh tổ đỉa bằng Tây y

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh tổ đỉa, việc sử dụng thuốc chỉ nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng do bệnh gây ra. Liệu trình điều trị sẽ nhiều giai đoạn khác nhau bao gồm thuốc bôi tùy thuộc vào mức độ của bệnh kết hợp thuốc kháng Histamin để giảm ngứa và kháng sinh trong trường hợp có nhiễm trùng.

Trong trường hợp người mắc bệnh tổ đỉa ở giai đoạn cấp:

  • Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng dung dịch Jarish bôi lên vùng tổn thương giúp mụn nước se lại.
  • Bôi dung dịch xanh metylen lên các vết mụn nước bị vỡ để hạn chế trường hợp bị bội nhiễm. 
  • Dùng các loại thuốc kháng Histamin như citirizin, loratadin, telfast… hoặc kháng sinh nếu xuất hiện nhiễm trùng.

Trong trường hợp người mắc bệnh tổ đỉa ở giai đoạn bán cấp:

  • Hồ nước bôi lên vùng tổn thương để giảm sưng, giảm phù nề.
  • Kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc kháng Histamin giảm ngứa.
  • Kem bôi chống viêm chứa corticoid.

Trong trường hợp người mắc bệnh tổ đỉa ở giai đoạn chàm mạn:

  • Thuốc mỡ bôi chứa corticoid
  • Một số loại thuốc bôi làm ẩm da như cetaphyl, physiogel cleanser…
  • Thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus

Người bệnh khi sử dụng bất cứ phác đồ điều trị theo thuốc Tây Y hay phương pháp dân gian thì cũng đều cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng theo  chỉ định. Không tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc nào bởi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tác dụng phụ, đặc biệt là các loại thuốc chứa corticoid. Một số tác dụng không mong muốn mà bệnh nhân có thể gặp phải như: da bị bào mòn, kích ứng dạ dày, viêm tuyến thượng thận…

5. Một số điều cần lưu ý trong quá trình điều trị bệnh tổ đỉa:

Khi điều trị bệnh để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng, người bệnh cần lưu ý các điều sau:

  • Xác định chính xác các nguyên nhân dị ứng để tránh xa và không tiếp xúc lại nữa.
  • Không bóc vảy, chọc lễ mụn hoặc gãi ngứa tránh trường hợp bội nhiễm. Tốt nhất, bệnh nhân cắt ngắn móng tay, vệ sinh tay chân thường xuyên. Đặc biệt, luôn giữ lòng bàn tay khô ráo.
  • Giữ vệ sinh vùng da tổn thương một cách nhẹ nhàng, không cào gãi, chà xát mạnh để tránh bội nhiễm vi khuẩn thứ phát.
  • Người bị bệnh tổ đỉa không ngâm tay, chân hoặc tiếp xúc với nước quá nhiều lần để tránh tạo môi trường thích hợp cho nấm mốc hoặc vi khuẩn phát triển.
  • Tránh xa thức ăn gây dị ứng: Người có tiền sử bị bệnh tổ đỉa ở tay chân, người bệnh nên hạn chế sử dụng đồ tanh, thủy hải sản vì chúng đều chứa lượng lớn histamin có thể gây ngứa và nổi mụn nước trên tay. Bên cạnh đó nên loại bỏ những đồ ăn, thức uống chứa chất kích thích ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày bổ sung thường xuyên các loại thực phẩm có nguồn vitamin C, PP và B6.
  • Tránh tiếp xúc với các hóa chất, chất tẩy rửa. Nếu bắt buộc phải làm thì cần đeo găng tay bảo vệ.
  • Cắt sạch móng tay, chân, giữ tay và chân sạch sẽ, khô ráo.

Hi vọng rằng sau bài viết, bạn đã có thêm những hiểu biết cần thiết về bệnh tổ đỉa. Đây là một căn bệnh dễ mắc phải nên hãy vệ sinh sạch sẽ và chăm sóc thật tốt sức khỏe cho gia đình bạn. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tinh chất tham khảo và không có tác dụng thay thế các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa!