Trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, môn Ngữ văn là môn duy nhất áp dụng hình thức thi tự luận. Vì vậy, để đạt điểm cao với môn thi này, các sĩ tử cần phải trang bị cho mình những kỹ năng làm bài thi môn Văn thật chắc nhé!
- Kỹ năng khai thác Atlat hiệu quả khi làm bài thi môn Địa lý
- Phương pháp ôn tập và làm bài thi môn Toán hiệu quả
- Kỹ năng làm bài thi môn Hóa đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia
Phân bố phù hợp thời gian làm bài cho từng phần
Thời gian làm bài môn thi Ngữ văn là 120 phút. Với cấu trúc đề quen thuộc 2 phần: Đọc - hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm), thí sinh cần có sự đầu tư đúng mức cho tất cả các phần, tránh mất thời gian quá nhiều cho riêng một nội dung nào.
Phần đọc - hiểu chỉ nên chiếm tối đa là 30 phút và để dành thời gian còn lại tập trung tập trung vào phần làm văn. Bên cạnh đó, thí sinh để dành 5 phút cuối giờ rà soát, sửa lỗi sai cho bài làm nhằm tránh những thiếu sót không đáng có.
Đọc kỹ và phân tích đề thi
Các bạn nên dành khoảng 5 phút để đọc và kiểm tra nội dung đề, phát hiện sai sót (nếu có) của đề. Sĩ tử nên sử dụng một cách có hiệu quả thời gian này để đọc thật kỹ đề, xác định yêu cầu trọng tâm và phạm vi đề, đồng thời định hướng cách làm bài.
Đặc biệt, nếu không đọc kĩ đề, phân tích kĩ những từ khóa bạn sẽ dễ rơi vào những trường hợp nhầm lẫn đáng tiếc. Ví dụ như phân tích sai hình tượng yêu cầu đề đưa ra, triển khai bài theo phương thức khác hoàn toàn đề nói đến, nhầm phân tính thành bình luận, chứng minh thành cảm nhận chẳng hạn…
Xác định đúng yêu cầu câu hỏi
Bạn cũng cần nắm vững các yêu cầu cụ thể của từng câu hỏi để làm bài hiệu quả, mối quan hệ giữa câu hỏi và câu trả lời. Với phần đọc hiểu: có nhiều cách đặt câu hỏi khác nhau, thí sinh cần đọc thật kỹ đề để tránh trả lời sai yêu cầu. Nếu đề hỏi “theo tác giả”, “theo văn bản” thì câu trả lời phải bám sát văn bản. Nếu đề hỏi “theo anh/chị” nghĩa là cần trình bày cách hiểu và quan điểm cá nhân mình về vấn đề. Độ dài từng câu trả lời vừa đủ, không nên viết dài, tránh cách trả lời dài dòng, lan man không trúng ý.
»»» Xem thông tin tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch «««
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hoàn thành nhanh các câu hỏi cơ bản
Trong đề thi môn Ngữ văn những năm gần đây thường có mức độ phân hóa cao hơn so với năm trước. Cụ thể, theo đề minh họa phần làm văn có thêm một ý nâng cao chiếm từ 1 đến 2 điểm để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh vào các trường đại học. Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Vì vậy, các bạn cần phải phân bố thời gian làm bài hợp lý, tránh mất nhiều thời gian ở câu hỏi dễ và ngược lại, câu hỏi vận dụng sẽ cần nhiều thời gian làm bài hơn. Các câu hỏi cơ bản thường chỉ cần đúng ý, rõ ý là có thể đạt điểm tối đa.
Lập dàn ý để tránh bài làm thiếu ý, sót ý, lặp ý
Việc lập dàn ý sẽ không làm mất quá nhiều thời gian làm bài mà hiệu quả nó đem đến lại vô cùng lớn. Phần nghị luận văn học theo hướng ra đề minh họa của Bộ GD&ĐT sẽ không chỉ yêu cầu phân tích, cảm nhận một đoạn trích, một nhân vật mà còn có thêm yêu cầu đánh giá, bình luận, so sánh, liên hệ với một đối tượng liên quan. Để có thể sắp xếp tốt nhất các ý sao cho sáng tỏ yêu cầu của đề thì ngoài việc rèn luyện nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bạn còn cần đặc biệt chú ý đến cách sắp xếp luận điểm và sử dụng dẫn chứng liên hệ.
Không bỏ bất cứ câu nào
Với đặc thù của môn thi tự luận và cách thức đổi mới đề thi hiện tại, đề luôn khuyến khích thí sinh nêu ý kiến cá nhân, rèn luyện cho bạn cách nêu ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình. Do đó, bạn không nên bỏ bất cứ một câu hỏi hoặc một phần nào, bởi chỉ cần nêu rõ cách hiểu, cách nghĩ về vấn đề (hoặc nhận định, đánh giá về tác phẩm văn học) thì chắc chắn sẽ chạm được đến yêu cầu của đề, có thể giúp bạn lấy được điểm của phần đó.
Có luận điểm rõ ràng khi viết bài
Với một bài văn rõ ràng luận điểm, ý tứ được hiện rõ trong các đoạn, giáo viên sẽ dễ dàng hài lòng và cho điểm cao hơn so với những câu văn lan man, không rõ ý.
Bạn không cần quá trau chuốt về từ ngữ, nhưng nhất thiết cần rõ ràng về mạch ý, ý phải bật lên được ở từng đoạn. Bài viết phải có hệ thống ý - luận điểm và triển khai thành đoạn văn, bài có thể thiếu ý, nhưng tuyệt đối không được viết toàn bộ thân bài chỉ trong một đoạn dài.
Một số điểm cần lưu ý để đạt điểm cao đối với môn Ngữ văn
- Về chữ viết, trình bày: Chữ viết cần đẹp, nếu không đẹp thì cần viết cẩn thận, rõ ràng. Chọn màu mực xanh sáng, không nên dùng màu mực đen vì chữ viết sẽ khó sáng sủa trên nền tờ giấy thi. Trình bày cẩn thận, hạn chế tối đa tẩy xóa. Các ý phải được trình bày tách biệt rõ ràng theo quy định viết đoạn.
- Ngoài việc tổ chức luận điểm sáng rõ mạch lạc, còn cần có kết cấu sáng tạo, từ mở bài đến kết bài. Khi bàn luận hoặc phân tích có đưa ra được những ý kiến mới, đòi hỏi người viết có cảm thụ tinh tế và khả năng tư duy độc lập, chọn được dẫn chứng tiêu biểu, trúng vấn đề, có lời bình hay, phát hiện độc đáo.
- Khi nhận đề thi cần dành ít phút đọc kỹ xem đề yêu cầu gì, có mấy câu và mỗi câu mấy ý? Nhiều học sinh hay chủ quan chỉ đọc lướt đề, dẫn đến một câu có 2 - 3 ý nhưng chỉ làm một ý thì rõ ràng bài viết sẽ không được điểm cao.
- Lời văn cần tính hình tượng thì lời văn tha thiết, biểu cảm biết khai thác những điểm nhấn để lời văn được ngọt ngào, sắc bén và lập luận chặt chẽ, đưa vào những dẫn chứng cụ thể. Đồng thời, biết mở rộng vấn đề để liên lệ những câu văn, câu thơ cùng một chủ đề, một hình tượng văn học.
Ban tư vấn Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp