Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Im lìm nơi tưởng nhớ 6 y bác sĩ mãi mãi ra đi tại BV Việt - Pháp


Ngôi miếu nhỏ ở Bệnh Viện Việt - Pháp - nơi tưởng nhớ của 6 y bác sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống đại dịch Sars 16 năm về trước nằm lặng lẽ, im lìm trong bóng cây um tùm, ngay ở cổng với hàng trăm người ra vào mỗi ngày nhưng ít ai để ý.  Cũng dễ hiểu vì nơi đó, khó thấy bóng dáng tên tuổi của bất kỳ nhân vật nào.

Hơn 16 năm qua, ngôi miếu nhỏ ngụ ở bệnh viện Việt - Pháp là nơi tưởng nhớ những “chiến sĩ áo trắng” đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống lại đại dịch Sars (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, xảy ra cách đây 16 năm). Tương tự như những đất nước khác, SARS vào Việt Nam, hung dữ như một cơn bão lớn, để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội, những khoảnh khắc bi tráng.

ngôi miếu nhỏ ở BV Việt Pháp

Ngôi miếu nhỏ ở BV Việt Pháp - nơi thờ 6 y bác sĩ nằm im lìm trong bóng cây um tùm

Những điều chưa tiết lộ về ngôi miếu nhỏ ở BV Việt - Pháp

Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) là một trong những bệnh viện có số lượng bệnh nhân lớn đến khám, chữa bệnh hằng ngày nhưng ít người để ý đến ngôi miếu nhỏ nằm lim dìm ở một góc ngay ở gần cổng ra vào của viện. Đó cũng là điều dễ hiểu vì khó thấy tên tuổi của người được thờ cúng ở trên miếu.

Thế nhưng, đối với những bác sĩ hay những người từng làm việc tại đây đều ghi nhớ và nghẹn ngào vì biết đây là nơi họ phải vĩnh biệt tiễn đưa những bậc tiền bối/ đồng môn của mình về với chín suối. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình, ngã xuống vì bệnh dịch của nhân loại -  SARS  khiến cả thế giới sợ hãi.

Vào tháng 3/ 2003, ngay tại thủ đô Hà Nội bắt đầu xuất hiện những triệu chứng của bệnh quen mà lạ, giống cúm nhưng không phải cúm. Bệnh nhân ho nhiều, sốt và khó thở khiến bị hôn mê sâu, dẫn đến tử vong nhanh chóng mà không tìm ra cách nào để chữa trị.

Trong tháng đó, có một người bệnh gốc Hoa, có quốc tịch Mỹ tên là Johnie Chong Cheng vào điều trị các triệu chứng giống cúm kể trên tại Bệnh viện Việt Pháp. Các bác sĩ, Y tá vẫn khám và kê đơn thuốc điều trị cho người này như bao trường hợp bị cúm thông thường khác.

Các bác sĩ tham gia chống dịch SARS tại Bệnh viện Việt Pháp cách đây hơn 15 năm

Các bác sĩ tham gia chống dịch SARS tại Bệnh viện Việt Pháp cách đây 16 năm

Chỉ sau vài ngày, tình trạng của người bệnh trở nên tồi tệ hơn nhiều, buộc người thân phải thuê chuyên cơ riêng để đưa anh trở về nước, để lại sau lưng Bệnh viện Việt Pháp nhiều bệnh nhân khác đang điều trị cùng  triệu chứng tương tự là sốt, ho, khó thở như ông Chong Cheng…Chưa kể, bệnh tiếp tục bùng phát sang các tỉnh khác là Ninh Bình và một số tỉnh lân cận Hà Nội.

Chưa nghĩ được phương thuốc tốt để điều trị căn bệnh lạ trên thì cả bệnh viện thêm rối ren vì gần một nửa nhân viên đang công tác bị lây nhiễm. Vậy là bác sĩ phải làm thay công việc của hộ lý, hộ lý đi đo huyết áp, giám đốc đi đổ rác.

Trong hành trình “kháng chiến” gian nan với đại  dịch Sars năm nào có 6 y bác sĩ  mãi mãi ra đi: bác sĩ Nguyễn Thị Lượng (ngày 15/3); Bác sĩ Jean - Paul Dirosier (19/3); Y tá Phạm Thị Uyên (24/3); Bác sĩ Nguyễn Thế Phương (24/3); Bác sĩ Nguyễn Hữu Bội (12/4). Ngoài ra, còn Bác sĩ Jacque (7/2003 -mất sau khi về Pháp). Trong đó có người trước lúc ra đi còn đăng ký hiến tặng phổi cho Y học.

Để tưởng nhớ công lao trời biển của những y bác sĩ đã hy sinh, miếu thờ được lập lên và đặt ngay tại khuôn viên của bệnh viện. Đầu tiên được xây ở một vị trí khác to lớn hơn nhưng khi cách đây 2 năm, khi có dự án mở rộng bệnh viện nên đã đời dời đến một góc nhỏ khác là gần cổng ra vào Viện. Khi di chuyển, tấm bia ghi danh bị vỡ nhưng hiện giờ chưa được làm lại.

Có lẽ vì lý do đó mà ngày nay, ít người hiểu được nguyên nhân vì sao trong khuôn viên của bệnh viện lại có một ngôi miếu nhỏ nằm im lìm trong bóng cây um tùm như vậy. Nó như một chứng tích về thời gian để nhắc nhở những người còn sống về sự hy sinh cao cả của các y bác sĩ trong đại dịch SARS 2003.

Nạn đại dịch qua lời kể của nhân chứng

Lo sợ người thân bị lây nhiễm và chia sẻ sự vất vả, nhiều y bác sĩ và nhân viên lái xe và cả bảo vệ đã ở lại chứ không về nhà. Trực tiếp chứng kiến nạn đại dịch năm nào, ông Nguyễn Sỹ Hùng, Nhân viên bảo vệ Bệnh viện Việt Pháp  chia sẻ “Tôi cũng là một trong những người ở lại bệnh viện năm đó. Thực sự lúc đó bản thân cũng là người sợ lây bệnh, nhưng vì nhiệm vụ nên anh em trong tổ vẫn cố gắng ở lại, hoàn thành nhiệm vụ. Suốt một tháng bệnh viện đóng cửa, anh em tổ bảo vệ chúng tôi ăn ngủ tại đây mà ruột gan cũng nóng như lửa đốt”.

Cũng là một người đang công tác tại thời điểm đó, ông Đỗ Đức Hùng, Lái xe cấp cứu tại Bệnh viện Việt Pháp kể lại: “Lúc đó chúng tôi không về nhà vì muốn giữ cho người thân không lây bệnh cũng như muốn chia sẻ nỗi vất vả nhọc nhằn của y bác sĩ nên mới quyết định ở lại viện. Chúng tôi chẳng sợ dịch"

Bệnh viện Việt - Pháp bị cô lập hoàn toàn

Bệnh viện Việt Pháp ngày ấy hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài, không có đơn vị nào tiếp tế tận nơi nguồn lương thực. “Hồi ấy, nhân viên của khách sạn mang cơm đến cho bệnh viện chỉ dám đỗ xe ở trước cổng, tránh không vào bệnh viện; chỉ gọi chúng tôi ra nhận cơm và đi ngay.

Con đường bao quanh bệnh viện ngày ấy cũng đông đúc như bây giờ nhưng trở nên vắng tanh: “Con phố Phương Mai hồi đó đông đúc chả khác bây giờ là mấy nhưng khi xảy ra dịch vắng tanh không bóng người qua lại, mà nếu có thì họ cũng đi sát mép đường bên kia một cách vội vã và dùng tay hay khẩu trang bịt kín vì sợ".

“Đỉnh điểm hồi ấy, chúng tôi lái xe đi đâu đó có việc mà trên xe có logo của Bệnh viện Việt Pháp là bị đuổi không cho đỗ xe vì sợ lây bệnh.

Hồi ấy nhân viên bệnh viện ở lại đông lắm, gần như toàn bộ nhân viên. Rồi thì ăn, ngủ tại bệnh viện, thiếu chỗ nằm nên bệnh viện tận dụng hội trường, nhà kho làm nơi ngủ nghỉ của nhân viên. Bệnh viện phát cho mỗi người một tấm xốp mỏng trải dưới sàn làm giường ngủ cho mọi người.

Tôi cũng là một trong những người chứng kiến những y bác sĩ ở đây mất và cũng là người trực tiếp lái xe chở họ xuống Đài hóa thân Hoàn Vũ. Vì mất do nhiễm bệnh nên gần như người nhà cũng không được đến mà chỉ có Giám đốc điều hành bệnh viện, Trưởng phòng nhân sự và tôi đưa những y bác sĩ đã khuất vào Đài hóa thân Hoàn Vũ.

Ngày ấy bệnh viện gần như bị “xa lánh, kỳ thị” đến mức đưa người đã khuất xuống hỏa táng mà còn không dám dùng xe của bệnh viện, chúng tôi phải gọi xe từ nhà tang lễ đưa xuống. Nghĩ lại ngày ấy cứ như chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua thôi!”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại.

Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công đại dịch Sars

Cũng năm ấy, đại dịch SARS hoành hành khắp nơi trên thế giới, không chỉ có ở Việt Nam mà còn có các nước như:  Hong Kong, Canada, Singapore, … Hơn một tháng sau, thế giới xác định được chủng virus cấp tính corona gây bệnh SARS. Từ đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kết hợp với Viện Y học nhiệt đới dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế cùng chống dịch ngay ở các cửa khẩu biên giới, sân bay,...Chính phủ đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua thêm trang thiết bị, máy thở, máy đo nhiệt độ...Việt Nam trở thành nước đầu tiên khống chế được đại dịch trong 25 quốc gia có dịch ( theo WHO đánh giá).

Bệnh viện Việt Pháp sau đó phải đóng của gần nửa năm để khử trùng rồi mãi đến tháng 11 mới mở cửa tiếp bệnh nhân trở lại. Để đến ngày hôm nay, sau 16 năm đại dịch nguy hiểm xảy ra, ngôi miếu nhỏ đã được lập nên như một lời nhắc nhở không thể nào quên về 6 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng tại nơi làm việc.

Về phía cán bộ sống dưới thời đó, ai nấy đều khắc cốt ghi tâm. Ông Trương Kiều Nghị, một cán bộ tại Bệnh viện Việt Pháp tâm sự: “Cây nhang đó bệnh viện mới chuyển tạm về chỗ đấy được gần 2 năm, vì chỗ cũ phải nhường chỗ cho tòa nhà mới. Sau khi hoàn thành khu nhà mới bệnh viện sẽ chuyển về một vị trí mới uy nghi hơn.

Cây nhang được xây dựng sau khi bệnh viện mở lại, lúc đó thành viên trong viện bảo nhau làm nên chưa được “hoàn hảo” vì nhiều tâm trạng. Qua thời gian có chút “thô kệch” nên trong thời gian tới, bệnh viện sẽ chỉnh sửa lại.

Nhớ về những ngày đó, quả thực chẳng có một lời nào có thể diễn tả được. Mình hiện tại vẫn được ngắm hoàng hôn mỗi ngày là may mắn hơn họ. Những đồng nghiệp cũ của mình đã ra đi khi đó mà chả biết lý do, họ ra đi khi mà y học chưa thể nhân diện ra thể virus gì mang độc lực đến vậy …

Những "chiến sĩ áo trắng" đã mãi mãi ra đi

Họ vô tư quên mình lao vào công cuộc cứu bệnh nhân mà không hay chính mình lại nhiễm bệnh. Đấy là lý do mà những người ở lại như mình luôn canh cánh trong lòng. Luôn mong muốn họ được ấm áp trong vòng tay của mọi người” - ông Kiều Nghị bùi ngùi khi nhắc đến đồng nghiệp xưa.

Ông Trương Kiều Nghị chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in từng ngày diễn ra trong mấy tháng chả biết sống chết thế nào. Tôi chứng kiến từng thứ từng thứ một mà thời điểm đó bế tắc bao trùm. Đồng nghiệp của tôi ra đi từng ngày mà ai ai cũng trong tâm trạng chả biết ngày nào là đến lượt mình.

Họ chọn nghề y để theo đuổi và họ là người luôn phải đối diện với nguy cơ mất mạng sống. Thấy họ hy sinh là họ hết chứ người đời có dành cho họ mấy lời ca tụng cũng để làm gì đâu. Họ thiệt thòi vô cùng!”...

ngôi miếu nhỏ ở BV Việt Pháp

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân SARS lúc đó. Ảnh tư liệu do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cung cấp.

Hằng năm, cứ đến ngày 27/2 - ngày thiêng liêng với những người làm ngành YNgày hôm nay (27/2) một trong những ngày thiêng liêng, ý nghĩa với những người làm ngành y, lật giở từng trang ký ức, không ít bác sĩ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, sự việc đã được chứng kiến trong ngành y suốt những năm qua.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh cũng là người từng “chứng kiến” sự kiện dịch SARS tại Việt Nam chia sẻ cảm xúc về ngày 27/2: “Trong khuôn viên cây cối um tùm, ngôi miếu thờ lặng lẽ yên tĩnh, trái ngược với sự ồn ào của khu vực khám chữa bệnh. Trên tấm bia tưởng niệm ghi tên 6 người đã mất trong cuộc chiến chống dịch SARS - Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, theo thứ tự thời gian họ ra đi trong năm 2003:

1/ Y tá Nguyễn Thị Lượng (15/3).

2/ Bác sĩ Jean - Paul Dirosier (19/3).

3/ Y tá Phạm Thị Uyên (24/3).

4/ Bác sĩ Nguyễn Thế Phương (24/3).

5/ Bác sĩ Nguyễn Hữu Bội (12/4).

6/ Bác sĩ Jacque 7/2003 (chết sau khi về Pháp).

Trong danh sách này còn thiếu 1 cái tên: Carlo Urbani, bác sĩ người Ý làm việc cho tổ chức y tế thế giới, là người đầu tiên phát hiện ra căn bệnh quái ác này, ông mất tại 1 bệnh viện ở Thái Lan một thời gian ngắn sau đó và vài năm sau, Tổ chức Y tế Thế giới cùng với Bộ Y tế đã có 1 buổi lễ tưởng niệm và ghi ơn ông.

Báo Gia đình Mới đã mượn lời của bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển để kết lại bài: “Trong những ngày này, tưởng nhớ những đồng nghiệp đã hy sinh thân mình là 1 hành động thiết thực nhất, hơn những lời sáo rỗng và các lẵng hoa đắt tiền rất nhiều.

Chúng tôi không cần các lời chúc tụng “có cánh”, chúng tôi cũng không muốn được gọi là từ mẫu, chúng tôi chỉ cần một sự cảm thông để chúng tôi hoàn thành công việc mà xã hội đã giao phó cho chúng tôi”.

Ngày nay, cuộc sống nơi đây đã thay đổi nhiều, nền Y tế của nước nhà cũng ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn nhưng nhắc lại chuyện cũ để thấy một lịch sử bi tráng, hào hùng, ca ngợi những tấm gương quạ cảm, không màng danh lợi, tất cả vì niềm hy vọng cứu chữa bệnh tật cho nhân dân.

Nguồn: Báo điện tử Gia đình mới

>>> Nữ bác sĩ 43 tuổi: "Nếu có kiếp sau, tôi sẽ không chọn nghề y"

>>> Liệu ngày mai công lý có đến với Công Lương

>>> Bác sĩ lao xuống vực cứu nạn nhân đến ngất xỉu