Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Lưu ý khi dùng thuốc hạ áp Guanethidin


Thuốc Guanethidin là thuốc gì? Có công dụng ra sao? Sử dụng thuốc như thế nào cho đúng cách và hiệu quả? Thông tin đầy đủ sẽ được chúng tôi cung cấp ở dưới. Hãy cùng tìm hiểu thêm các kiến thức y khoa hữu ích nhé các bạn!!!

Thuốc Guanethidin thuộc nhóm thuốc hạ huyết áp.

Dạng bào chế: Viên nén, ống tiêm, dung dịch nhỏ mắt.

Thành phần: Guanethidin

1. Tác dụng của thuốc Guanethidin

Thuốc Guanethidin thường được sử dụng chủ yếu trong điều trị  cho người bệnh tăng huyết áp. Guanethidin có thể được điều trị đơn lẻ hoặc sử dụng đồng thời cùng những loại thuốc có tác dụng hạ huyết áp khác. Hỏi những người có năng lực chuyên môn để biết những loại thuốc có thể kết hợp được với nhau và hạn chế quá trình tương tác thuốc xảy ra.

Bên cạnh đó Guanethidin dùng để điều trị glocom góc mở mạn tính và các bệnh mắt nội tiết như lồi mắt, liệt mắt, mi mắt chậm, co mi.

Cụ thể chỉ định sử dụng trong các trường hợp

  • Bệnh nhân tăng huyết áp với tình trạng vừa và nặng.
  • Trường hợp bị tăng huyết áp thận như viêm bể thận.
  • Bị suy thoái hóa tinh bột ở thận và hẹp động mạch thận.
  • Mắc một số bệnh lý về mắt như tăng nhãn áp góc mở, lồi nội tiết, mắt bị tê liệt, mí mắt khó mở.

Thuốc sẽ được những bác sĩ chỉ định sử dụng trong một vài trường hợp khác không được liệt kê ở trên, nếu bạn thắc mắc hãy hỏi trực tiếp để được giải đáp.

thuoc-guanethidine
Nhờ đến các nhân viên y tế khi tiêm thuốc Guanethidine

2. Liều dùng và cách sử dụng của thuốc Guanethidin

Liều lượng dành cho người lớn

Dùng trong điều trị cho bệnh nhân ngoại trú.

* Dạng uống

  • Liều khởi đầu: sử dụng 10 mg/ ngày.
  • Nếu khả năng đáp ứng của bệnh nhân tốt có thể tăng liều dùng, tuy nhiên vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ không được tự ý tăng liều.
  • Liều trung bình hàng ngày khoảng 25 – 50 mg/ ngày.

* Dạng tiêm bắp

  • Tiêm 10 – 20mg/ lần, thuốc sẽ có thể hạ huyết áp trong vòng 30 phút và có hiệu quả trong khoảng 1 – 2 giờ.
  • Tình trạng tăng huyết áp vẫn tái diễn thì có thể  tiêm thêm liều 10 – 20 mg, tuy nhiên khoảng cách giữa các liều tiêm là 3 giờ.

Dùng cho bệnh nhân điều trị nội trú

  • Liều khởi đầu: sử dụng 10 mg/ ngày.
  • Nếu khả năng đáp ứng của bệnh nhân tốt có thể tăng liều dùng, tuy nhiên vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ không được tự ý tăng liều. Có thể sử dụng tới 400mg/ ngày.
  • Đối với người cao tuổi nên dùng 5mg/ ngày.

Dùng trong điều trị các bệnh về mắt

  • Sử dụng dung dịch nhỏ mắt, nhỏ 1 – 2 giọt/ mắt.
  • Mỗi ngày nhỏ từ 2 – 4 lần.

Liều lượng dành cho trẻ em

  • Sử dụng liều điều trị ban đầu với 0,2 mg/ kg/ lần/ ngày.Duy trì trong khoảng 1 – 2 tuần.
  • Sử dụng liều duy trì: Tăng thêm liều lượng tương  đương với liều ban đầu. Trường hợp bệnh cần tăng liều có thể tăng đến 3mg/ kg/ ngày.
  • Để đảm bảo an toàn và không xảy ra vấn đề gì về sức khỏe của trẻ, phụ huynh nên hỏi ý kiến những người có năng lực chuyên môn khi muốn sử dụng thuốc cho trẻ. Không được tự ý mua về và sử dụng.

Hướng dẫn sử dụng

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì sản phẩm, nếu có gì không hiểu hỏi luôn các bác sĩ chỉ định liều dùng cho bạn.

Uống thuốc đúng liều lượng và tần suất, nếu cần tiêm thì nên nhờ các nhân viên y tế họ sẽ giúp bạn.

Nếu quên liều dùng thuốc, chỉ dùng liều tiếp không được uống bù gấp đôi liều.

>> Xem thêm các bài viết liên quan

3. Tác dụng phụ của thuốc Guanethidin

Thuốc Guanethidin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn cho người sử dụng trong quá trình dùng thuốc như:

  • Ở ngay vị trí tiêm thuốc có xảy ra kích ứng da hoặc nghiêm trong hơn bị sưng đỏ hoặc tấy mủ lên.
  • Kích thích nhu động ruột quá mức gây ra tiêu chảy nặng.
  • Thường xuyên đi tiểu đêm.
  • Có thể bị hạ huyết áp thế đứng kèm theo cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu….
  • Mất vị giác, ăn không ngon miệng và có thể bị buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Nhịp tim chậm hơn mức bình thường.
  • Xuất hiện các triệu chứng trầm cảm.
  • Có các triệu chứng của viêm da, tăng ure máu.

Trong trường hợp cơ thể người bệnh xuất hiện một trong những dấu  hiệu trên dù nghiêm trọng hay không nghiêm trọng cũng nên theo dõi và báo cáo cho thầy thuốc biết để có những phương án xử lý kịp thời, tránh biến chứng.

thuoc-guanethidine
Những loại thuốc nào có thể tương tác với Guanethidine? 

4. Tương tác thuốc

Một số loại thuốc nếu sử dụng đồng thời với Guanethidin sẽ làm gia tăng xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn hoặc cũng có thể làm suy giảm chức năng của thuốc. Để hạn chế quá trình tương tác thuốc có thể xảy ra bạn hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng bất cứ loại thuốc nào.

- Những loại thuốc có thể xảy ra tương tác với thuốc Guanethidin như:

  • Thuốc ức chế monoamin oxydase;  có thể sẽ gây ra hiện tượng giải phóng một lượng lớn catecholamin khi sử dụng kết hợp với Guanethidin gây cơn tăng huyết áp nguy hiểm.
  • Các thuốc chống loạn nhịp và digitalis: Sẽ gây ra các triệu chứng loạn nhịp tim nghiêm trọng.
  • Nếu sử dụng Guanethidin đồng thời với các thuốc hạ huyết áp khác như reserpin, methyldopa, các thuốc giãn mạch (đặc biệt minoxidil), các thuốc chẹn kênh calci, các thuốc chẹn beta hoặc các thuốc ức chế men chuyển đổi angiotensin và rượu sẽ làm giảm đi tác dụng hay hoạt động của những loại thuốc.
  • Tác dụng hạ huyết áp của thuốc bị giảm bởi clorpromazin, dẫn chất phenothiazin, các thuốc chống trầm cảm ba vòng, các thuốc ngừa thai đường uống.

- Tình trạng sức khỏe cũng có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc, đặc biệt:

  • Người bệnh có tiền sử bị viêm loét dạ dày.
  • Trường hợp vừa trải qua những cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ/
  • Có tiền sử bệnh tim hoặc các bệnh liên quan đến mạch máu.
  • Đang bị tiêu chảy.
  • Trong quá trình điều trị bệnh hen suyễn, bệnh tiểu đường type 2.
  • Mắc các bệnh lý về thận, gan hau bị u tủy thượng thận.
thuoc-guanethidine
Người bệnh cần  biết những lưu ý những gì khi sử dụng thuốc Guanethidine?

5. Thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc Guanethidin

Người dùng cần lưu ý một vài điều sau:

  • Nếu trong thời gian gần bạn có những ca phẫu thuật thì nên ngưng sử dụng thuốc trước 2 – 3 tuần để tránh các tác dụng phụ của thuốc như gây suy tim hoặc ngừng tim khi tiến hành phẫu thuật.
  • Trường hợp cần phải phẫu thuật gấp mà chưa có thời gian để ngừng sử dụng thuốc thì phải dùng oxy và liều atropin thích hợp trước khi gây mê.
  • Theo dõi những dấu hiệu của mắt khi sử dụng Guanethidin nhỏ mắt để tránh bị tổn thương kết mạc.
  • Thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày do đó những người thường xuyên phải lái xe hay vận hành máy móc cần thận trọng để tránh những nguy hiểm không đáng có.
  • Cần giảm liều lượng sử dụng thuốc khi người bệnh vận động hoặc sốt cao.

Thuốc chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp

  • Người dị ứng hoặc quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Bệnh nhân suy thận hoặc bị suy tim sung huyết.
  • Người bị u tế bào ưa crom hoặc trước đây đã từng điều trị bằng các thuốc ức chế monoamine oxidase.

Những thông tin về thuốc Guanethidine do Cao Đẳng Điều Dưỡng Chính Quy cung cấp ở trên chỉ mang tính chất tham khảo thêm. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo những  chỉ định của bác sĩ, dược sĩ để quá trình sử dụng đạt kết quả cao và không bị các biến chứng hay tác dụng phụ khó lường.