Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em và cách chăm sóc


Sức đề kháng của trẻ còn yếu đồng thời dấu hiệu ban đầu để nhận biết bệnh rất khó nên việc phát hiện bị chậm trễ, điều này sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm. Chính vì vậy bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây để nhận biết sớm các biểu hiện bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhé!

Sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Do đó các bậc phụ huynh cần nắm rõ những kiến thức về cách nhận biết biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ để phát hiện kịp thời và có những phương án xử lý kịp thời tránh các biến chứng xảy ra.

Sốt xuất huyết - bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra và muỗi vằn aedes aegypti là vật chủ lây truyền virus dengue. Virus dengue xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết muỗi đốt từ những muỗi cái mang mầm bệnh. Sau thời gian ủ bệnh, muỗi mang virus có thể lây lan virus cho người trong suốt quãng đời còn lại của nó.

Việt Nam thuộc nền khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều nên rất dễ khiến cho dịch sốt xuất huyết phát triển và lây lan, đặc biệt là đối tượng trẻ em cần hết sức lưu ý.

1. Những biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em

Theo các chuyên gia đang giảng dạy tại CĐ thì biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ phát triển theo từng giai đoạn của bệnh, cụ thể như:

Giai đoạn khởi phát

Sau từ 7 – 10 ngày từ khi bị muỗi đốt trẻ sẽ bắt đầu có các biểu hiện sốt xuất huyết. Bắt đầu với triệu chứng sốt. Lúc này thân nhiệt của trẻ có thể tăng lên đến 39 – 40 độ. Đi kèm với đó là các triệu chứng như đau khớp, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau đầu…

Triệu chứng sốt có thể kéo dài trong vài ngày (từ 3 – 8 ngày). Tùy từng trẻ mà sẽ có mức độ sốt và thời gian  sốt khác nhau, có trường hợp trẻ sẽ bị sốt kèm theo co giật.

Sau khi sốt hoặc cũng có thể xảy ra cùng lúc đang bị sốt thì thấy các nốt xuất huyết dưới da (ban đỏ dạng chấm), niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng), nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, chảy máu trong nhiều cơ quan và bộ phận khác nhau như phổi, cơ bắp).

Hướng dẫn cách phân biệt sốt xuất huyết và các loại bệnh khác: Mẹ dùng 2 ngón tay căng vùng da phát ban đó. Trường hợp thấy nốt đỏ mất đi và khi buông tay ra thấy chấm đỏ xuất hiện lại ngay thì rất có thể là do sốt phát ban. Còn nếu chấm đỏ li ti vẫn xuất hiện hoặc nổi lại sau 2 giây thì đó là sốt xuất huyết.

sot-xuat-huyet-o-tre
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ do muỗi vằn nhiễm virus gây ra

Giai đoạn nguy cấp

Trong khoảng thời gian từ 3 – 6 ngày là giai đoạn nguy cấp khi mắc sốt xuất huyết. Đây là lúc virus đang làm yếu dần đi hệ miễn dịch, số lượng bạch cầu, tiểu cầu suy giảm. Ở giai đoạn nguy hiểm này, xét nghiệm máu thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3, trường hợp nặng bé có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.

Bên cạnh đó khi trong giai đoạn này các bậc phụ huynh có thể nhận thấy trẻ có triệu chứng như: dịch tràn phổi khiến bé sưng phù ở bụng, xuất huyết nghiêm trong, vùng ổ mắt có hiện tượng phù nề, tiểu ra máu, chảy máu mũi, triệu chứng tụt huyết áp, đau đầu dữ dội…

Khi trong gian đoạn này nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây ra tình trạng xuất huyết nghiêm trọng làm trụy tim mạch và rất dễ bị tử vong.

Giai đoạn phục hồi

Nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời thì tình trạng bệnh của trẻ sẽ dần được ổn định và hồi phục. Qua giai đoạn nguy cấp khoảng 2 – 3 ngày trẻ sẽ có các dấu hiệu phục hồi như hạ sốt, thèm ăn, số lượng tiểu cầu và bạch cầu tăng…

Có thể mỗi trẻ sẽ có những dấu hiệu nhận biết bệnh khác nhau. Tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và không gây ra bất cứ những biến chứng nào thì ngay khi thấy trẻ có biểu hiện khác lạ nghi ngờ là sốt xuất huyết thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách sớm nhất.

2. Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Việc chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà sẽ phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng và đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để cấp cứu kịp thời.

  • Nếu trẻ có các biểu hiện sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu thì cha mẹ nên để điều trị tại nhà và theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên điều trị tại nhà nhưng vẫn cần tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa và không thực hiện theo kinh nghiệm được mách bảo mà chưa nắm rõ cách thực hiện. Các bậc phụ huynh lưu ý thực hiện một số điều dưới đây để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhanh nhất:
  • Việc chăm sóc trẻ ở nhà vẫn cần theo dõi thường xuyên nhiệt độ cơ thể trẻ. Nếu trẻ có triệu chứng sốt trên 39  độ cần được uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo đúng liều dùng của bác sĩ dành cho trẻ. Chú ý không nên dùng aspirin hay ibuprofen vì có thể dẫn dến xuất huyết toan máu. Đồng thời nên nới lỏng quần áo và lau cơ thể cho trẻ bằng nước ấm để hạ sốt nhanh chóng.
  • Cho trẻ uống thật nhiều nước (nước sôi, nước ép trai cây), oresol hoặc các loại nước điện giải… để bổ sung nước nhằm hạ sốt nhanh chóng một cách an toàn và hiệu quả.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ như chia nhỏ bữa ăn hàng ngày, sử dụng thức ăn loãng, dễ tiêu, cân bằng dinh dưỡng  hoặc có thể cho trẻ sử dụng thêm các loại vitamin A, vitamin B. vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch và hoạt động chuyển hóa trong cơ thể.Tránh sử dụng các loại thực phẩm đã chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, hoặc nước uống pha sẵn có màu sẫm vì để dễ phân biệt với xuất huyết tiêu hóa.
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi cho trẻ, không nên vận động quá nhiều ít nhất là trong thời gian đang bị sốt xuất huyết.
  • Khi điều trị ở nhà trẻ bị nôn ói quá nhiều, không tỉnh táo và không thể ăn uống được thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Xem thêm các bài viết liên quan

sot-xuat-huyet-o-tre
Việc điều trị sốt xuất huyết ở trẻ cần tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

3. Những việc không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

Tình trạng bệnh sốt xuất huyết sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu mẹ thực hiện các cách chăm sóc không đúng. Một số việc không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết như:

  • Không nên cạo gió cho trẻ vì sẽ làm đau hoặc nghiêm trọng hơn gây chảy máu dẫn đến nhiễm trùng cho trẻ.
  • Tránh cho trẻ sử dụng những loại nước ngọt có ga, hoặc màu sẫm để hạn chế trường hợp bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
  • Không sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh sốt xuất huyết vì nguyên nhân gây bệnh là do virus nên việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng. Chỉ nên dùng kháng sinh khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
  • Không nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế không đủ điều kiện, trang thiết bị y tế để truyền dịch và điều trị. Vì đã có nhiều trường hợp diễn biến bệnh trở nên tồi tệ hơn hoặc bị phù nề, suy tim nặng do truyền dịch không đúng.

Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm không chừa một ai  và có khả năng truyền nhiễm rất nhanh. Khi bị bệnh, không chỉ chi phí điều trị tốn kém mà còn mất rất nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe. Mỗi người hãy nâng cao ý thức cảnh giác và đề phòng, giữ gìn vệ sinh nơi mình đang sống, tập thói quen buông màn khi đi ngủ và phải đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, nếu có thể thì nên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người thân và toàn thể cộng đồng về việc thực hiện các biện pháp đề phòng bệnh để mình không phải là nạn nhân của những con muỗi mang virus sốt xuất huyết.

Hi vọng với những thông tin hữu ích và chi tiết ở trên đã cung cấp cho bạn đọc những biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ, từ đó các bậc cha mẹ nên hết sức lưu ý để tránh gây ra những sai lầm đáng tiếc. Các bạn hãy tiếp tục theo dõi các bài chia sẻ khác về lĩnh vực sức khỏe cùng chuyên mục này nhé!