Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Bệnh máu trắng là gì? Tìm hiểu các phương pháp điều trị bệnh


Máu trắng là một dạng ung thư máu khi các tế bào bạch cầu phát triển không bình thường. Ở Việt Nam bệnh cũng xảy ra khá phổ biến nhưng ít ai nắm rõ được các kiến thức về bệnh. Vậy bệnh có nguyên nhân, triệu chứng và các cách điều trị ra sao? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây!

1. Nguyên nhân gây ra bệnh máu trắng

Bệnh bạch cầu xảy ra khi ADN của các tế bào máu chưa trưởng thành, chủ yếu là các tế bào bạch cầu, bị hư theo một cách nào đó. Điều này làm cho các tế bào máu phát triển và phân chia liên tục, khiến cho số lượng bạch cầu bất thường trong máu rất nhiều.

Các tế bào máu khỏe mạnh sẽ chết sau một thời gian và các tế bào mới được sản xuất trong tủy xương sẽ thay thế các tế bào chết. Tuy nhiên, tế bào máu bất thường sẽ không chết, do chúng sẽ tập trung trong máu ngày càng nhiều và lấn át, ngăn chặn các tế bào khỏe mạnh hoạt động.

Ngoài ra còn có các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh máu trắng như:

  • Bức xạ ion hóa nhân tạo
  • Đặc trưng công việc phải tiếp xúc với benzen và một số hóa dầu
  • Có tiền sử điều trị bệnh ung thư khác.
  • Thường xuyên sử dụng thuốc nhuộm tóc
  • Hội chứng Down. Những trẻ mắc hội chứng Down dường như có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, có thể là do những thay đổi nhiễm sắc thể nhất định.
  • Khuynh hướng di truyền. Một số người dường như có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao hơn do lỗi ở một hoặc một số gene.
  • Nhiễm virus, chẳng hạn như virus T-lymphotropic ở người (HTLV-1) và HIV
  • Hút thuốc
benh-mau-trang
Bệnh máu trắng có khả năng cao xảy ra ở nhóm đối tượng nào?

Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh máu trắng

- Đa dạng về giới tính và độ tuổi: Tất cả các nhóm tuổi bao gồm cả trẻ em, người lớn, người già đều có nguy cơ cao mắc bệnh máu trắng, vì tỉ lệ mắc bệnh rất đa dạng.

- Yếu tố di truyền: Trong gia đình đã có cha hoặc mẹ là những người mắc máu trắng thì khả năng cao đứa con của họ sinh ra thường là người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh bạch cầu.

- Bức xạ: Các bức xạ ion hóa khác nhau cũng có thể gây ra bệnh bạch cầu, nhóm người thường xuyên tiếp xúc hoặc trị liệu với bức xạ dài hạn có nguy cơ cao bị bệnh bạch cầu.

- Môi trường độc hại: Những người làm việc trong môi trường bức xạ có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao. Ngoài ra, những người tiếp xúc với benzen và các dẫn xuất của nó đều có nguy cơ cao bị bệnh bạch cầu.

- Đột biến nhiễm sắc thể:Những người bị đột biến nhiễm sắc thể cũng có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao và nên thận trọng.

- Người đang điều trị bệnh phải dùng thuốc đặc biệt: Trong quá trình điều trị bệnh rất có thể người bệnh cần dùng đến một số loại thuốc đặc biệt độc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Chính điều này đã vô tình tạo ra nguy cơ mắc bệnh máu trắng. 

benh-mau-trang
Cần sớm nhận biết bệnh máu trắng để có phương pháp điều trị kịp thời

2. Các triệu chứng cảnh báo sớm bệnh ung thư máu

Sốt, thiếu máu, đau chân tay, chảy máu... là những triệu chứng tiền thân của bệnh bạch cầu. Cụ thể các biểu hiện của bệnh máu trắng mà bạn cần biết như:

- Sốt: tuy rằng nguyên nhân chính là từ các lý do nhiễm trùng nhưng không vì thể mà tất cả các trường hợp sốt đều là dấu hiệu nhận biết bệnh máu trắng. 

Lượng bạch cầu của những người mắc bệnh máu trắng sẽ cao hơn người khỏe mạnh bình thường. Khi các tế bào máu trắng dư thừa thì chính là các tế bào khối u ác tính nên không có khả năng ngăn chăn các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể người bệnh.

Đặc biệt lúc này thì người bệnh ít có khả năng phòng thủ và đề kháng nên sẽ dễ bị nhiễm trùng dẫn đến sốt. Các triệu chứng sốt sẽ được cải thiện nhanh chóng khi kiểm soát tốt nhiễm trùng và cùng với đó số lượng bạch cầu giảm. 

- Thiếu máu là triệu chứng tiếp theo xuất hiện do khi mắc bệnh thì số lượng tiểu cầu sẽ giảm xuống rất thấp. 

Khi bạn có các triệu chứng thiếu máu đơn thuần sẽ không gây sốt và các triệu chứng chảy máu, nhưng nếu khi bị thiếu máu kèm theo sốt và các triệu chứng chảy máu thì rất có thể đó là cảnh báo của bệnh máu  trắng. Do lúc này bệnh máu trắng gây ra bởi sự ức chế sự phát triển của các tế bào máu đỏ do các tế bào máu trắng ác tính lấn át.

- Đau chân tay: là do sự xâm nhập của bạch cầu ác tính, thường kèm theo triệu chứng phổ biến nhất là cơ quan gan, lách có dấu hiệu to hơn (sưng phù). Bệnh nhân có gan to rõ ràng sẽ có các triệu chứng đi kèm như đầy hơi, chán ăn và giảm cân.

Trên đây là các triệu chứng cơ bản nhất của bệnh ung thư máu. Để đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất thì người bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa thăm khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

3. Kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh máu trắng

Kỹ thuật chẩn đoán bệnh máu trắng

Đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh máu trắng thì không thể dùng xét nghiệm máu thông thường. Khi này các bác sĩ cần chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm để có kết quả chẩn đoán chính xác như: 

  • Khám sức khỏe: thăm khám lâm sàng nhằm mục đích tìm ra các dấu hiệu như da nhợt nhạt xanh xao do thiếu máu, phì đại gan hoặc lá lách, sưng hạch bạch huyết...
  • Xét nghiệm máu: Căn cứ vào mẫu máu lấy được để xác định mức độ bất thường của hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu... Để từ đó chẩn đoán bệnh máu trắng. 
  • Xét nghiệm tủy xương: Sử dụng kim dài và mỏng để  thực hiện thủ thuật lấy mẫu tủy xương. Tiếp đến gửi tới các phòng thí nghiệm để xác định các tế bào ung thư máu. Những xét nghiệm chuyên biệt về các tế bào ung thư bạch cầu của bạn có thể giúp bác sĩ xác định các lựa chọn điều trị phù hợp cho bạn.

Xem thêm các bài viết liên quan

benh-mau-trang
Có phương pháp nào để điều trị bệnh máu trắng?

Phương pháp điều trị bệnh

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe, mức độ máu trắng mà bạn mắc phải để đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp với từng người.

Các phương pháp điều trị phổ biến được sử dụng để chống lại bệnh bạch cầu bao gồm:

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp dùng các thuốc để điều trị ung thư. Các thuốc này (còn gọi là thuốc hóa chất) có tác dụng gây độc tế bào, và khi được đưa vào cơ thể sẽ có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc làm ngừng sự phát triển của chúng. Những loại thuốc này có thể ở dạng thuốc viên, thuốc tiêm truyền hoặc tiêm tĩnh mạch.

Liệu pháp sinh học

Đây là một phương pháp điều trị giúp bảo vệ cơ thể chống lại tế bào ung thư. Nó sử dụng các tế bào từ cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm để cải thiện hoặc khôi phục chức năng hệ thống miễn dịch. 

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc tấn công các khu vực dễ tổn thương trong tế bào ung thư. Ví dụ như thuốc imatinib (Gleevec) ngăn chặn hoạt động của một loại protein trong các tế bào ung thư bạch cầu của những người mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính, từ đó bác sĩ có thể kiểm soát bệnh.

Xạ trị

Phương pháp tiêu diệt các tế bào ung thư thông qua các bức xạ ion hóa (như tia X, tia gamma, chùm proton, chùm tia điện tử,…). Đây là các tia bức xạ có năng lượng cao, khi chiếu vào tế bào ung thư nó sẽ gây ra sự tổn thương không hồi phục AND của tế bào (như gãy, đảo đoạn, đứt đoạn,…) từ đó hình thành nên các tế bào đột biến và dễ chết.

Ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc là một thủ thuật để thay thế tủy xương bệnh bằng tủy xương khỏe mạnh. Trước khi tiến hành ghép tế bào gốc, bạn sẽ cần làm các phương pháp nhằm tiêu diệt tủy xương bị bệnh bằng các hóa trị hoặc xạ trị liều cao. Sau đó, bác sĩ sẽ truyền tế bào gốc tạo máu vào cơ thể để giúp xây dựng lại tủy xương.

Bạn có thể nhận được tế bào gốc từ người hiến hoặc của chính mình. Ghép tế bào gốc rất giống với ghép tủy xương.

Hy vọng với những thông tin do Cao Đẳng Điều Dưỡng Hà Nội  chia sẻ ở trên đã  giúp bạn đọc có hiểu biết nhất định về bệnh máu trắng (ung thư máu). Để từ đó có cách theo dõi và chăm sóc tốt sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên những thông tin ở trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế các chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.