Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Những tác dụng phụ nguy hiểm của kháng sinh Ciprofloxacin


Ciprofloxacin là thuốc kháng sinh, được chỉ định trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh khác không đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng đối với các virus như cảm lạnh, cảm cúm.

Tác dụng của thuốc Ciprofloxacin là gì?

Ciprofloxacin là kháng sinh thuộc nhóm Quinolone thế hệ thứ 2 (còn gọi là các chất ức chế DNA gyrase). Ciprofloxacin có phổ kháng khuẩn rất rộng, có tác dụng tốt với các vi khuẩn kháng lại kháng sinh thuộc các nhóm khác như aminoglycosid, cephalosporin, tetracyclin, penicillin…

Ciprofloxacin cũng được xem là một trong những thuốc kháng sinh có tác dụng mạnh nhất trong nhóm fluoroquinolon.

Ciprofloxacin-1

Ciprofloxacin là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Quinolone thế hệ thứ 2.

Chính vì vậy, thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường không có tác dụng, bao gồm:

  • Các bệnh nhiễm trùng được hô hấp như viêm tai giữa, viêm xoang, nguyên nhân nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm, kể cả Pseudomonas hay Staphylococcus.
  • Mắt bao gồm viêm kết mạc, viêm và loét giác mạc, viêm bờ mi, viêm kết mạc bờ mi, viêm tuyến mi (Meibomius) cấp và viêm túi lệ gây bởi những chủng vi khuẩn nhạy cảm với ciprofloxacin.
  • Da và mô mềm
  • Nhiễm trùng huyết
  • Xương khớp
  • Nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc đường mật, viêm phúc mạc.
  • Nhiễm trùng cơ quan sinh dục, kể cả bệnh lậu, viêm phần phụ, viêm tiền liệt tuyến.
  • Khử nhiễm trùng ruột có chọn lọc trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Mặc dù, có tác dụng trong điều trị các trường hợp nhiễm trùng, nhưng thuốc Ciprofloxacin không có hiệu quả với các virus như cảm lạnh, cảm cúm.

>> Có thể bạn đọc quan tâm:

Liều lượng và cách dùng Ciprofloxacin

* Liều dùng 

- Điều trị nhiễm trùng huyết: có liên quan tới nhiễm trùng đường tiết niệu do khuẩn  Escherichia coli gây ra, liều thường dùng là tiêm tĩnh mạch 400mg, thời gian cách nhau 12 giờ.

- Điều trị viêm phế quản: liều dùng tùy thuộc vào đợt kịch phát của viêm phế quản mãn tính, cụ thể:

  • Mức độ nhẹ và trung bình: tiêm tĩnh mạch với liều 400mg cách nhau 12 giờ/lần. Hoặc dùng đường uống 500mg cách nhau 12 giờ.
  • Mức độ nặng và phức tạp: tiêm tĩnh mạch với liều 400mg cách nhau 8 giờ hoặc uống với liều 750mg cách nhau 12 giờ.

Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 7 - 14 ngày.

- Đối với bệnh nhân rối loạn chức năng thận: độ thanh thải creatinine < 20ml/phút hoặc nồng độ huyết thanh > 3mg/100ml dùng 2 x nửa đơn vị của liều bình thường  mỗi ngày.

- Giảm chức năng thận + CAPD (thẩm phân phúc mạc liên tục ở những bệnh nhân ngoại trú):

  • Bổ sung Ciprofloxacin dạng dịch truyền vào dịch lọc (nội phúc mạc) dùng 50mg Ciprofloxacin/l dịch lọc và dùng 4 lần/ngày mỗi lần cách nhau 6 giờ.
  • Dung viên Ciprofloxacin bao phim uống 1 x 500mg hoặc 2 x 250mg và dùng 4 lần/ngày cách nhau 6 giờ.

- Giảm chức năng gan và thận: liều dùng tương tự như trường hợp giảm chức năng thận.

* Cách dùng Ciprofloxacin

- Cách dùng Ciprofloxacin dạng uống: Nên uống nguyên viên với một ít nước, tuyệt đối không bẻ nhỏ thuốc. Ciprofloxacin không phụ thuộc vào giờ ăn, tuy nhiên nên uống thuốc lúc đói vì hoạt chất sẽ được hấp thu nhanh hơn.

- Ciprofloxacin dạng tiêm, tiêm truyền tĩnh mạch: Dùng đường tĩnh mạch cách khoảng 30 phút đối với liều là 100 - 200mg và 60 phút đối với liều 400mg. Dung dịch truyền có thể dùng trực tiếp hay sau khi pha với các loại dung dịch truyền tĩnh mạch khác.

Dung dịch truyền có thể tương thích với các dung dịch muối sinh lý, dung dịch Ringer và Ringer’s lactate, dung dịch glucose 5% và 10%, dung dịch fructose 10%, dung dịch glucose 5% với Nacl 0,45%.

Tác dụng phụ của thuốc Ciprofloxacin

Thuốc Ciprofloxacin có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, cần kịp thời gặp bác sĩ điều trị sau khi xuất hiện các triệu chứng bất thường sau đây:

- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa với các biểu hiện buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, hoặc có cảm giác ăn không ngon miệng. Trường hợp tiêu chảy trầm trọng và kéo dài cần phải ngưng thuốc Ciprofloxacin và thay thế bằng một trị liệu thích hợp.

- Ảnh hưởng tới hệ thần kinh với các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu, kích động hay run rẩy. Phản ứng phụ hiếm gặp như liệt ngoại biên, vã mồ hôi, dáng đi không vững vàng, trầm cảm, ảo giác, một số người bệnh có phản ứng tâm thần. Các phản ứng này đối khi xảy ra sau liều điều trị đầu tiên, cần ngưng thuốc và kịp thời gặp bác sĩ.

- Phản ứng quá mẫn cảm như ngứa ngáy, phát ban và sốt. Các phản ứng phụ hiếm khi xảy ra như xuất huyết dạng chấm, bóng xuất huyết, nốt nhỏ hay hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng Lyell, phản ứng phản vệ như phù mặt, phù mạch hay phù thanh quản, khó thở tiến triển đến tình trạng choáng đe dọa đến tính mạng. Khi có những triệu chứng này, cần phải ngừng Ciprofloxacin.

- Phản ứng trên các giác quan, thường rất hiếm gặp. Người bệnh sẽ có triệu chứng mất cảm giác về mùi, rối loạn thị lực, ù tai, rối loạn thính lực tạm thời, đặc biệt ở tần số cao.

»»» Xem thông tin tuyển sinh Cao đẳng Dược TPHCM ««<

Ciprofloxacin-2

Thận trọng khi dùng Ciprofloxacin với người có tiền sử bị động kinh.

- Ảnh hưởng tới tim mạch như nhịp tim nhanh, một số trường hợp có thể bị ngất. Tuy nhiên, các phản ứng phụ này thường hiếm gặp.

- Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm tế bào bạch cầu, chứng giảm bạch cầu hạt, thiếu máu, thiếu máu tán huyết, biến đổi giá trị của prothrombin.

- Một số trường hợp có thể có phản ứng tại chỗ như viêm tĩnh mạch.

Những lưu ý khi dùng thuốc Ciprofloxacin

- Cần thận trọng khi dùng thuốc Ciprofloxacin đối với những người có tiền sử bị động kinh hay rối loạn hệ thần kinh trung ương, những người bị suy nhược chức năng gan hay thận, người bị bệnh nhược cơ.

- Bên cạnh đó, dùng Ciprofloxacin dài ngày có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc phát triển quá mức.

- Ciprofloxacin cũng có thể làm cho các xét nghiệm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis bị âm tính.

- Một số trường hợp, thuốc có thể gây hoa mắt chóng mặt, đầu óc quay cuồng, ảnh hưởng đến việc điều khiển xe cộ hay vận hành máy móc.

- Ngoài ra, cần hạn chế dùng Ciprofloxacin đối với trẻ nhỏ vì trên thực nghiệm, thuốc có gây thoái hóa sụn ở các khớp chịu trọng lực.

- Đối với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú cũng cần thận trọng khi dùng thuốc vì hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào xác minh tính an toàn của thuốc trên nhóm bệnh nhân này.

Những thông tin về thuốc Ciprofloxacin mới dừng ở mức khái quát, để biết thêm thông tin chi tiết xin liên hệ với theo địa chỉ:

Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo Cao đẳng Y Dược tại Tp. Hồ Chí Minh

- 4A, 6A, 8A Nguyễn Thái Sơn - Phường 3 - Quận Gò Vấp - TP. HCM.

- Số 127/3-5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0899 955 990 - 0969 955 990

Email: [email protected]

Fanpage: https://www.facebook.com/caodangykhoaphamngocthach/