Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Nguyên nhân khó thở là gì? Biện pháp khắc phục khi bị khó thở như thế nào?


Khó thở là hiện tượng đau thắt ngực, ngộp thở hoặc có cảm giác đè nặng trên ngực.  Đây sẽ là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Việc xác định nguyên nhân gây khó thở sẽ giúp người bệnh chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, hạn chế tới mức tối đa các biến chứng có thể xảy ra. 

Đừng quá chủ quan nếu tình trạng khó thở diễn ra thường xuyên và ngay cả khi bạn không vận động thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý nào đó.

1. Các nguyên nhân gây khó thở

Hãy cùng theo dõi để lý giải nguyên nhân gây khó thở và phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị kịp thời.

Viêm phổi

Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở trẻ nhỏ và người cao  tuổi.

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi là khó thở, sốt, ho và đau ngực…do các virus làm tổn thương niêm mạc đường dẫn khí hô hấp làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công vào phổi.

Viêm phổi khá nguy hiểm và có thể dẫn đến biến chứng nhiều bệnh khác do đó người bệnh nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa ngay khi có các triệu chứng như đã đề cập ở trên và đặc biệt là vừa trải qua trận cảm cúm.

nguyen-nhan-gay-kho-tho
Nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở là gì?

Hen suyễn

Hen suyễn là căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen suyễn, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm các đường dẫn khí thu hẹp lại, từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi.

Trong trường hợp bị phù nề nghiêm trọng hơn thì cũng là lúc đường dẫn khí bị thu hẹp và gây ra triệu chứng khó thở cho người bệnh.

Bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi và tái phát thường xuyên, do đó hãy luôn giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh các nhân gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp và chủ động tầm soát là những việc cần thiết để phòng tránh bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp hơn so với bình thường. Nguyên nhân gây  ra các tổn thương này là do trong suốt một thời gian dài bạn hít phải các chất kích thích có hại như khói hóa chất, hút thuốc, ô nhiễm môi trường… và bất cứ ai cũng đều có nguy cơ mắc bệnh này.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm như các bệnh lý về tim, bệnh cao huyết áp, nhiễm trùng đường  hô hấp.

Người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa ngay khi phát hiện những dấu hiệu khác thường để có những chỉ định và định hướng điều trị phù hợp và kịp thời.

Bệnh ung thư phổi

Dấu hiệu  nhận biết nổi bật của bệnh ung thư phổi là khó thở, thở khó khăn, đau tức ngực, các cơn đau  thường xuất hiện khi người bệnh hoạt động mạnh hoặc lao động gắng sức… các triệu chứng nhận biết ung thư phổi rất đa dạng và khó phát hiện nhất là ở những giai đoạn đầu của bệnh.

Ung thư phổi có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, tùy thuộc vào mức độ bệnh và thể trạng của từng người.

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi. Do đó mỗi người nên đi khám tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện bệnh sớm và có liệu trình điều trị  phù  hợp.

Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc động mạch phổi thường do huyết khối từ hệ tĩnh mạch sâu chi dưới. Những người cao tuổi và người béo phì thường có nguy cơ cao mắc bệnh  thuyên tắc phổi.

Triệu chứng phổ biến của căn bệnh này là đau ngực và khó thở, tim  đập nhanh và ho ra máu…

>> Xem thêm các bài viết khác

nguyen-nhan-gay-kho-tho
Nếu khi bị khó thở trong suốt thời gian dài bạn nên nhờ đến sự can thiệp các các y bác sĩ

Thiếu máu

Thiếu máu xảy ra khi các hồng cầu không đủ chứa hemoglobin và số lượng hồng cầu ít hơn bình thường.

Bệnh nhân bị  thiếu máu thường có dấu hiệu da và niêm mạc  xanh xao, nhợt nhạt, chán ăn, nhịp tim đập nhanh, các triệu chứng khó thở hoặc ở phụ nữ sẽ gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt, vô kinh…

Viêm  màng phổi

Viêm màng phổi là tình trạng xuất hiện tổn thương ở màng phổigây ra các cơn đau nhói ở ngực, khó thở… mức độ của các triệu chứng đó tăng lên khi bạn hít thở sâu hoặc ho.

Hiệu quả điều trị viêm màng phổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu bệnh gây ra viêm màng phổi được chẩn đoán và điều trị sớm, bạn có thể hồi phục hoàn toàn.

Bệnh lao

Bệnh lao do vi trùng lao thâm nhập vào cơ quan bất kì trong cơ thể và sinh sôi đồng thời  khiến  cơ thể không thể chống lại nó. Lao rất thường gặp và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.

Những triệu chứng lao phổi dễ nhận biết như: đau ngực, khó thở, đổ mồ hôi trộm về đêm, ho dai  dẳng trong suốt một thời gian dài mà không có dấu hiệu thuyên giảm…

Bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp từ người sang người. Nếu không được phát hiện và điều trị, người bệnh sẽ liên tục phát tán vi khuẩn lao trong suốt thời gian họ sống.

Ở trên là một số những nguyên nhân dẫn đến khó thở, ngoài ra sẽ còn những bệnh lý khác gây ra triệu chứng khó thở. Bạn hãy hỏi trực tiếp các bác sĩ chuyên khoa để có thêm nhiều thông tin hơn. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho chính bản thân mình thì ngay khi xuất hiện tình trạng khó thở thì nên đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

2. Cách xử lý tại nhà khi gặp tình trạng khó thở

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng khó thở. Tuy nhiên việc quan trọng cần làm khi xuất hiện tình trạng này là khắc phục khó thở tại nhà.

Những biện pháp dưới đây có thể giúp bạn thở dễ dàng hơn tại nhà và ngay cả trong trường hợp cần cấp cứu vì khó thở:

Thở sâu

- Thở sâu theo đường bụng có thể giúp bạn cải thiện tình trạng khó thở. Nên duy trì thực hiện vài lần trong ngày hoặc mỗi khi  bạn thấy khó thở.

- Cách thực hiện

  • Người bệnh nằm xuống trên một mặt phẳng như giường, sàn nhà… và  đặt 2 tay lên bụng.
  • Hít sâu qua đường mũi, đồng thời phình bụng nhằm mục đích để phổi chứa đầy không khí.
  • Tiếp đó người bệnh nín thở trong khoảng vài giây.
  • Thở dần dần bằng miệng cho đến  khi hết không khí vừa chứa ở trong phổi.
  • Thực hiện lặp lại phương  pháp này trong khoảng 5- 10  phút.

Thở mím môi

- Đây là một phương pháp rất dễ thực hiện và kiểm soát tình trạng thở hiệu quả. Bên cạnh đó thở mím môi còn ngăn ngừa và loại bỏ được các tác nhân hoặc không khí bị mắc kẹt trong phổi.

- Bất cứ ai cũng có thể thực hiện cách này, ặc biệt khi bạn làm những công việc khó nhọc như nâng, vác vật nặng, leo cầu thang.

- Cách thực hiện

  • Đầu tiên người bệnh nên thả lỏng cơ thể nhất là phần cơ vai và cổ.
  • Đặt một tay lên thành bụng.
  • Dùng đường mũi hít sâu vào hai nhịp nhưng miệng vẫn phải đóng chặt.
  • Thực hiện thở mím môi để không khí thoát ra từ từ theo kẽ và thành bụng xẹp dần xuống.

Ngồi thả lỏng và nhô người về phía trước

- Cách thả lỏng người này khi ngồi trên ghế sẽ giúp cơ thể người bệnh cảm thấy được thư giãn và giúp cho việc hít thở trở nên dễ dàng hơn.

- Cách  thực hiện

  • Ngồi một cách thoải mái trên ghế, lòng bàn chân tiếp xúc với sàn nhà, ngực nên chếch về phía trước một chút.
  • Tiếp đến đặt cùi chỏ lên đầu gối hoặc dùng 2 tay để giữ lấy cằm.
  • Người bệnh nên nhớ rằng luôn đặt phần vai và cổ thả lỏng.
nguyen-nhan-gay-kho-tho
Thực hiện một số biện pháp tại nhà để giúp cải thiện tình trạng khó thở

Hít hơi nước

- Việc hít hơi nước qua đường mũi, hơi nóng và độ ẩm từ hơi nước sẽ giúp làm thông mũi, giúp việc thở trở nên dễ dàng.

- Cách thực hiện

  • Chuẩn bị nước nóng và đựng trong một cái bát
  • Có thể cho thêm vào bát một vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu khuynh diệp.
  • Dùng một chiếc khăn sạch trùm qua đầu và cúi mặt gần vào với bát nước. Động tác này gần giống với việc xông hơi.
  • Người bệnh hít hơi nước và thở sâu, lặp đi lặp lại nhiều lần.

Cần lưu ý không cúi mặt sát bát nước nóng quá vì có thể làm bỏng da.

Uống trà gừng

- Trà gừng sẽ nhanh chóng làm cho bạn thở trở về trạng thái thở dễ dàng hơn.

- Cách thực hiện

  • Gọt vỏ gừng tươi và thái lát cho vào nước sôi và đậy nắp trong khoảng 10 phút.
  • Nên dùng trà gừng thường xuyên vào buổi sáng nếu bạn cảm thấy khó uống thì cho thêm vào đó một chút mật ong.

Với những thông tin chi tiết và đầy đủ ở trên đã cho bạn đọc biết rõ hơn về các nguyên nhân gây khó thở.  Hi vọng sẽ giúp các bạn có biện pháp phát hiện và xử lý kịp thời. Nếu tình trạng khó thở kéo dài kèm nhiều biến chứng nghiêm trọng, bạn cần đi khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân chính xác.