Theo bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng, nếu không được tiêm chủng đầy đủ, trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác ngoài Covid-19.
Để phòng chống dịch Covid-19, chúng ta cần có cơ thể khỏe mạnh và hệ miễn dịch hoạt động tốt. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, rất dễ bị các tác nhân gây hại trong môi trường xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, cha mẹ cần xây dựng cho con chế độ dinh dưỡng cân đối, tiêm chủng đúng lịch để tăng sức đề kháng và thực hiện 5K trong mùa dịch khi chưa được tiêm vaccine Covid-19.
Tiêm chủng đúng lịch
Trong đợt cao điểm dịch Covid-19 vừa qua, hoạt động tiêm chủng cho trẻ có thể bị gián đoạn do cha mẹ sợ lây nhiễm bệnh ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc gián đoạn lịch tiêm chủng khiến trẻ sẽ mất cơ hội phòng ngừa một số bệnh vì quá tuổi, không còn tác dụng như lao, viêm gan B sơ sinh, Rota virus, phế cầu…
Bên cạnh đó, nếu không được tiêm chủng, trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác ngoài Covid-19. Do đó, đối với trẻ nhỏ, nhất là dưới 18 tháng, việc duy trì đúng lịch tiêm chủng là cần thiết để giúp phòng ngừa những bệnh nguy hiểm cho con.
Đầu tháng 10, HCDC ra văn bản nhắc nhở y tế địa phương sớm nối lại hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ. HCDC cũng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm 5K khi đưa trẻ đi tiêm chủng, tích cực nắm bắt thông tin từ địa phương và nhanh chóng đưa con đi tiêm đúng lịch để tạo miễn dịch tốt nhất cho trẻ nhỏ.
Khi phát hiện bé đã trễ lịch tiêm chủng mở rộng, phụ huynh cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng để được tư vấn. Tùy theo độ tuổi của bé và loại bệnh truyền nhiễm, nhân viên y tế có thể sẽ có hướng khắc phục để tiêm bù mũi bị nhỡ cho trẻ.
Cho trẻ bú mẹ
Các mẹ nên cho con bú ngay sau khi sinh để trẻ được tận hưởng nguồn sữa non quý giá. Đây là loại sữa được hình thành từ tuần 14-16 của thai kỳ và tiết ra 2 -3 ngày sau sinh. Sữa non có chứa lượng đạm gấp 10 lần, ít đường và muối hơn sữa thông thường nên tuyệt đối an toàn cho trẻ từ khi chào đời cho đến biết đi. Đặc biệt, sữa mẹ dồi dào các kháng thể tự nhiên như IgA, IgG, IgF, IgM…
Trong đó, IgG là loại kháng thể có số lượng nhiều nhất. Chúng có khả năng hoạt động miễn dịch mạnh trong cơ thể. IgG có khả năng gắn kết với các yếu tố gây bệnh và giúp cơ thể tiêu diệt chúng dễ dàng hơn. Chính vì vậy, sữa non có thể còn được xem là nguồn sữa "vàng", tự nhiên, an toàn cho trẻ.
Trẻ được bú mẹ sẽ tăng sức đề kháng
Sữa non cũng được chia thành nhiều giai đoạn, tính theo cột mốc 24 giờ, 48 giờ và 72 giờ sau sinh. Vì vậy, bác sĩ thường khuyến cáo các sản phụ nên cho con bú sớm nhất có thể vì hàm lượng kháng thể IgG có trong sữa non 24h là cao nhất, đảm bảo khả năng miễn dịch cho trẻ, hạn chế ốm vặt.
Trường hợp sau tiêm ngừa vaccine Covid-19, bạn vẫn có thể cho con bú mẹ bình thường. Trường hợp bất khả kháng không thể cho con bú, các mẹ có thể chọn sữa non công thức 24 giờ có hàm lượng IgG đúng, đủ, chuẩn khoa học, có chứng nhận lâm sàng và phù hợp với độ tuổi như một sự thay thế.
Bạn nên chọn sữa non nguồn gốc động vật có vú như bò, dê, cừu… Đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng và kháng thể đầy đủ, dù không thể so sánh được với sữa mẹ nhưng cũng là giải pháp chấp nhận được. Cha mẹ cũng cần chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu để tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng.
Lịch sinh hoạt điều độ
Thời gian ở nhà quá lâu có thể dẫn đến việc sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi hay tập luyện thể thao bị ảnh hưởng rất nhiều. Bên cạnh đó, những áp lực từ công việc và bệnh dịch cũng tác động không nhỏ đến tinh thần của cả gia đình. Tất cả điều đó đều ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ.
Do đó, ngoài việc tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ, tuân thủ 5K, các mẹ phải chú ý duy trì lịch sinh hoạt điều độ, cùng con tập luyện thể thao tại nhà, trò chuyện nhiều hơn sẽ giúp tinh thần của trẻ lạc quan.
Cần chuẩn bị gì khi con bạn là F0?
Trường hợp con bạn không may mắc Covid-19. Đầu tiên, bạn hãy xem trẻ có nằm trong nhóm nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 hay không.
Khi có một trong những yếu tố sau: Trẻ ≤ 1 tuổi; trẻ < 2 tuổi có tiền căn sinh non ≤ 37 tuần; béo phì (BMI ≥ 95th); có bệnh lý mạn tính (bệnh thần kinh như động kinh, bại não, bệnh phổi mạn như hen suyễn, bệnh tim bẩm sinh, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận mạn, ung thư, bệnh tự miễn, HIV, bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hoá bẩm sinh, bệnh hồng cầu liềm). Bạn nên liên hệ các bệnh viện nhi để bé được theo dõi tại cơ sở y tế, không nên điều trị tại nhà.
Khi con không nằm trong nhóm nguy cơ trở nặng, bạn có thể cho bé theo dõi, cách ly tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên báo cho y tế phường để có danh sách. Đây là điều quan trọng để các bệnh viện tiếp nhận trẻ khi trở nặng.
Hãy ghi thông tin của bác sĩ đang hỗ trợ theo dõi tại nhà, số cấp cứu bệnh viện nhi gần mình nhất để sử dụng ngay khi cần. Các cha mẹ đừng quá lo lắng, vì phần lớn bé sẽ tự vượt qua sau 1-2 tuần.
Theo Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tổn hợp