Mùa đông năm nay ấm, nhưng diễn biến bất thường ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, nhất là người già. Thầy thuốc ưu tú, Đại tá – Bác sĩ Quách Tuấn Vinh tư vấn về vấn đề này.
Thời tiết bất thường, ô nhiễm không khí, người già dễ có biến chứng tim mạch
Hàng năm vào tháng 12 và tháng 1 tiết trời lạnh giá, nhiều người già đột ngột "ra đi" do bệnh tim mạch biến chứng.
Nguyên nhân do thời tiết, môi trường thay đổi, cơ thể người già nhạy cảm, lại suy yếu bởi lão hóa, thành tim dày hơn, mạch máu xơ cứng, kém đàn hồi khiến tim giảm co bóp, giảm khả năng thích ứng của hệ tim mạch, lưu lượng máu qua não thấp hơn… dẫn tới các nguy cơ biến chứng các bệnh về tim mạch và dễ bị đột tử.
Giá lạnh làm các mạch máu trong cơ thể người bị co thắt lại, huyết áp tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi tắm rửa... trong khi rất nhiều người dân chưa kiểm soát được huyết áp làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
Gió mùa đông bắc kèm theo nhiệt độ thấp cũng làm không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm khó phát tán lên cao. Người già có bệnh tim mạch dù tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn thì cũng có thể bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim…
Trời lạnh cũng khiến người già ngại tập thể dục thường xuyên (dù biết tập thể dục rất quan trọng bởi không duy trì đều đặn thì nguy cơ biến chứng tim mạch tăng cao). 90% các biến cố bệnh tim mạch thường xảy ra trong khi nghỉ ngơi, chứ không phải lúc đang vận động.
Tháng 12, tháng 1 cũng là mùa lễ hội liên tiếp, là dịp đoàn tụ gia đình (như Giáng sinh, tất niên, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán...) nên nhiều người ăn uống quá độ, cộng với ồn ào náo nhiệt, không khí lo lắng, căng thẳng… đã góp phần làm cho tỷ lệ đau tim tăng nhanh vào mùa đông. Nếu phát hiện và cho dùng thuốc đúng kịp thời sẽ hồi phục, đi lại được.
Cần đi cấp cứu ngay khi có dấu hiện cảnh báo
Theo Thầy thuốc ưu tú, Đại tá – Bác sĩ Quách Tuấn Vinh (Giám đốc Trung tâm Cấy chỉ PHCN Minh Quang, phố Lý Nam Đế, Hà Nội), khi có những dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch sau đây cần đưa đi cấp cứu ngay:
1. Đau thắt ngực (đau ngực dữ dội phía sau xương ức, đau lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc lan ra sau lưng…) - là nguy cơ nhồi máu cơ tim - cần gọi ngay cấp cứu 115 càng sớm càng tốt.
2. Nếu người già đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng xung quanh, gọi không biết, ngừng thở, tím tái toàn thân, đôi khi co giật hoặc mềm nhũn, có thể xuất hiện đại tiểu tiện không tự chủ - là các biểu hiện ngừng tuần hoàn - cần gọi người hỗ trợ và cấp cứu 115 ngay. Nếu thành thạo cách ép tim – thổi ngạt có thể sơ cứu bệnh nhân ngay.
3. Nếu người già đột ngột khó thở dữ dội, vã mồ hôi cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115, trong lúc chờ đợi để người bệnh nằm đầu cao, thở oxy (nếu có).
4. Nếu người già đau đột ngột chân hoặc tay dữ dội (chân hoặc tay đau lạnh, nhợt hơn so với bên đối diện) – là biểu hiện tắc động mạch cấp tính của chân, hoặc tay – cần gọi 115 đưa đi cấp cứu ngay lập tức để phẫu thuật lấy cục huyết khối.
5. Nếu xuất hiện một trong những dấu hiệu đột quỵ (đột ngột tê hoặc yếu nửa người hay 1 bên tay/ chân, ngất hoặc hôn mê, rối loạn khả năng nói, rối loạn thị giác, đột ngột mất thăng bằng và phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân… cần khẩn cấp đưa người bệnh tới ngay bệnh viện.
Cách phòng ngừa các bệnh tim mạch khi trời rét
Thầy thuốc ưu tú, Đại tá – Bác sĩ Quách Tuấn Vinh khuyên người già và con cháu cần học cách kiểm soát tốt huyết áp để phòng ngừa bệnh tim mạch. Theo đó:
- Số đo huyết áp ở người già thường không quá 140/90mmHg.
- Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là rất đáng ngại, và thời tiết này có thể tăng đến 200mmHg. Do đó - cần phát hiện và dùng thuốc kịp thời kẻo vỡ mạch máu não và tử vong, đặc biệt là người bị bệnh đái tháo đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát.
Người già cần tập thể dục đều 30 - 60 phút/ngày sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, kiểm soát được nguy cơ. Nhưng người già không nên đi tập thể dục vào sáng sớm, vì mạch máu ngoại biên có thể bị co lại để dồn máu cho tim, thận, não... gây tăng kháng lực mạch máu, không ổn với người tăng huyết áp, làm huyết áp tăng lên. Cũng chỉ nên tập đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập thái cực quyền, dưỡng sinh, yoga, khiêu vũ… tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp co cơ, vận động tứ chi.
Dù tập gì cũng nên hỏi bác sĩ để được tư vấn về môn tập và mức độ tập luyện. Khi đang tập nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường (như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, ngất, đau nhức cơ xương, buồn nôn, khó thở, nói ngắt quãng…) thì cần ngừng tập để tránh nguy hiểm và đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Ngoài ra người già cần tránh ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Cần luôn giữ ấm (đầy đủ mũ, khăn tránh bị gió thổi lạnh nguy hiểm đến tính mạng, nhất là người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành).
Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Nếu có bệnh động mạch vành nên được khám theo dõi định kỳ (chú ý khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi) để phòng ngừa và điều trị kịp thời.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nhất là trường hợp bị tăng huyết áp (và phải uống liên tục suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và có theo dõi của bác sĩ).
Cao Đẳng Điều Dưỡng Hà Nội sưu tầm