Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Trung Quốc đang đẩy nhanh các nỗ lực nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị Covid-19


Trung Quốc đang đẩy nhanh các nỗ lực nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị Covid-19 trong khi đã có gần 87% dân số được tiêm vaccine.

Trước những đợt bùng phát liên tiếp của dịch Covid-19, việc phát triển các loại vaccine đi kèm với thuốc điều trị đang trở thành biện pháp quan trọng để kiểm soát dịch lâu dài và đảm bảo những điều kiện tiên quyết để mở cửa với thế giới ở Trung Quốc.

Hiện việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc đặc trị Covid-19 ở nước này đang được thực hiện theo 3 lộ trình kỹ thuật, gồm ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào, ức chế sự nhân lên của virus và điều chỉnh hệ thống miễn dịch của con người. Đến nay, Trung Quốc đã có 6 loại thuốc đang được phát triển, hai trong số đó đã được dùng để điều trị cho bệnh nhân. Một số đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở trong và ngoài nước.

Trong số đó, liệu pháp kết hợp kháng thể đơn dòng trung hòa BRII-196/BRII-198 đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở nước ngoài và được Trung Quốc sử dụng khẩn cấp để điều trị lâm sàng cho hơn 800 trường hợp nhiễm bệnh ở trong nước. Liệu pháp này cũng đã đăng ký để được sử dụng trên thị trường có điều kiện hồi tháng 10 và dự kiến ​​sẽ được phê duyệt vào cuối tháng 12.

Một loại thuốc khác có tên JS016 do Viện Vi sinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) phát triển hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III và cũng đã được đưa vào sử dụng khẩn cấp cả ở Trung Quốc và nước ngoài. 

JS016 là một kháng thể đơn dòng nhằm vào protein đột biến của SARS-CoV-2 và ngăn chặn sự liên kết của virus với các tế bào chủ:

Bà Nghiêm Cảnh Hoa, nghiên cứu viên của viện này cho biết, JS016 đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở 15 quốc gia trên thế giới. “Đầu năm nay, Bộ Khoa học Công nghệ đã hai lần liền trưng dụng 3.000 liều thuốc này để sử dụng khẩn cấp cho bệnh nhân Covid-19 trong nước. Trên phạm vi quốc tế, JS016 cũng đã phân bổ 500.000 liều dùng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân”.

Trong khi đẩy nhanh phát triển thuốc, tính đến 19/11, Trung Quốc đã hoàn thành tiêm hơn 2,4 tỷ liều vaccine Covid-19 với 1,225 tỷ người đã được tiêm, trong đó 1,076 tỷ người đã tiêm đủ liều, đạt tỷ lệ bao phủ dân số lên tới 86,9% và 76,3%. 65,73 triệu người trong số đó đã được tiêm mũi tăng cường.

Một phương pháp điều trị thử nghiệm khác đó là phương pháp điều trị DXP-604 được thực hiện bằng tiêm truyền tĩnh mạch, dựa trên kháng thể do Giáo sư Sunney Xie, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gene tại Đại học Bắc Kinh cùng nhóm nghiên cứu xác định.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu được tiến hành ở nhóm bệnh nhân có độ tuổi trung bình 35, mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình. Kết quả cho thấy DXP-604 làm giảm đáng kể tải lượng virus ở bệnh nhân và giảm các triệu chứng khó thở, mất khứu giác và vị giác. Một số bệnh nhân sau khi điều trị bằng phương pháp này đã xuất viện.

Theo Giáo sư Sunney Xie, trong khi các phương pháp điều trị khác tìm cách kết hợp hai kháng thể để ngăn chặn biến chủng của nCoV, DXP-604 có thể đối phó mọi loại đột biến bằng một kháng thể, giúp giảm một phần ba chi phí sản xuất.

Ông cho biết thêm ông và các cộng sự đang nghiên cứu để giảm một nửa liều lượng để tiếp tục giảm bớt chi phí. Hiện các thử nghiệm giữa giai đoạn đang được tiến hành ở Trung Quốc và nước ngoài.

Trong khi đó, Giáo sư Zhong Deyin tại Đại học Sun Yat-sen cho biết các nhà nghiên cứu đang phát triển ít nhất 5 loại thuốc tại Trung Quốc, trong đó có Proxalutamide - một loại thuốc kháng androgen do nhà sản xuất dược phẩm Kintor Pharmaceutical ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô phát triển – và thuốc chống virus dạng uống VV116.

VV116 là một loại thuốc chống virus dạng uống do nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc phối hợp phát triển, trong đó có Viện Dược phẩm Thượng Hải, Viện virus Vũ Hán, Viện Vật lý và Hóa học Tân Cương Các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, VV116 có tác dụng ức chế đáng kể các chủng virus gốc và các dạng biến thể của SARS-CoV-2 như Delta. Theo đánh giá của các nhà khoa học, VV116 có độ an toàn cao và không có độc tính di truyền.

Theo Cao đẳng Y Dược TPHCM tổng hợp