Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Trẻ suýt bị mất mạng vì học thắt cổ theo YouTube


Cháu Đ.T.K., 7 tuổi, ngụ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM, bị hôn mê vì làm trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" như trên YouTube. Một bé khác bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính như siêu nhân nhện.

Làm theo hướng dẫn cách thắt cổ

Dì của Đ.T.K. phát hiện cháu mình bỗng dưng treo cổ bằng chiếc khăn quàng của học sinh trên dây phơi đồ của nhà.

Lúc dì cháu phát hiện hai chân cháu đã cách mặt đất 20cm, tím mặt, tím môi, tiểu không tự chủ, hôn mê. Cháu được người nhà đưa đến phòng khám gần nhà, sau đó được sơ cứu, chuyển vào Bệnh viện Pháp Việt.

Tại đây, cháu được đặt nội khí quản, chuyển tiếp đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Các bác sĩ đã cho cháu thở máy, xử trí cấp cứu. Sáng hôm sau cháu K. đã tỉnh lại, được rút nội khí quản, tri giác ổn định.

Dì của cháu - chị M. - kể lại khi chị phát hiện ra cháu mình đang trong tình trạng treo cổ, chị chạy thật nhanh ra bế cháu xuống, đưa cháu đến phòng khám gần nhà. Sau khi cháu được điều trị, tỉnh lại nói chuyện được, chị M. đã hỏi sao cháu lại làm như vậy?

Cháu hồn nhiên trả lời cháu hay xem những trò ma, ảo thuật trên Youtube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng dù thắt cổ xong những nhân vật trên YouTube vẫn thở, vẫn sống được nên cháu làm theo.

Chị M. cũng chia sẻ cháu K. rất thích xem điện thoại nên mẹ cháu thường cho cháu cầm điện thoại chơi nhiều giờ mỗi ngày. Lúc cháu xem điện thoại thường ngoan ngoãn ngồi yên, không quấy rầy người lớn làm việc.

Chị M. cũng thừa nhận gia đình không kiểm soát được những nội dung cháu xem trên điện thoại. Thi thoảng thấy cháu xem các chương trình có tính bạo lực trên YouTube, chị và mẹ cháu cũng nhắc nhở nhưng cháu vẫn tiếp tục xem.

Một điều mà gia đình chị không thể ngờ được là cháu chỉ xem các chương trình trên điện thoại mà cháu có thể làm theo những hành động gây nguy hiểm đến tính mạng. Rất may cháu được phát hiện kịp thời, được cứu sống, chứ không thì gia đình sẽ day dứt mãi.

Bác sĩ Huỳnh Thị Diễm Kiều, phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh viện cũng từng tiếp nhận một cháu bé bắt chước hành động của siêu nhân nhện mà cháu đã xem. Cháu đã đập tay thật mạnh vào kính làm tay bị đứt mạch máu.

Chưa phân biệt được giả hay thật

Theo BS Diễm Kiều, hiện nay rất nhiều trẻ em mê xem nội dung trên các thiết bị điện tử. Trẻ em chưa phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả khi xem các chương trình. Do vậy, các bậc cha mẹ nên kiểm soát các nội dung mà trẻ xem.

Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trẻ 7 tuổi thường không có đủ ý thức để phân biệt những tình huống trẻ đọc hoặc xem được là giả hay thật.

Thậm chí một tỉ lệ nhỏ vẫn còn tin vào sự thần thoại, ví dụ như ông Noel, ông bụt, bà tiên là có thật. Một số trẻ từ 8 tuổi trở lên bắt đầu có sự suy luận logic như người trưởng thành, tuy nhiên hầu hết trẻ muốn đạt được sự suy luận logic này đều từ 11 tuổi trở lên.

Theo khuyến cáo của Viện Nhi khoa Mỹ, trẻ từ 6 đến 10 tuổi, thời gian tiếp xúc màn hình nên ít hơn 2 giờ một ngày nếu không có sự đồng hành của người lớn.

Những trẻ xem nhiều chương trình bạo lực thì có nhiều khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hơn những trẻ ít hoặc không xem chương trình bạo lực. Nguy cơ này càng tăng cao nếu trẻ sống trong môi trường có những người xung quanh sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn.

Trẻ xem những hình ảnh bạo lực có thể gây ám ảnh nhưng không phải trẻ nào cũng mắc. Trẻ chưa đủ nhận thức để nhận biết sự nguy hiểm thật sự của trò chơi đó mà bắt chước những hành động, những trò chơi mà trẻ xem sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Một số trẻ bị ám ảnh nhiều ở mức độ bị cưỡng chế, nghĩa là trẻ không kiểm soát được suy nghĩ phải làm việc đó, từ chuyên môn gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Một số trẻ xem thường xuyên để tự tạo cảm giác hồi hộp cho mình. Sau đó trẻ thích cảm giác hồi hộp đó và muốn thực hiện thật để tăng cảm giác hồi hộp.

Trẻ nhận biết được nguy cơ nhưng chấp nhận để có được cảm giác hồi hộp. Cơ chế giống như cơ chế thường gặp ở những người thích mạo hiểm (nhảy bungee, chạy xe tốc độ cao...).

Bác sĩ Triết khuyên các bậc phụ huynh cần cho trẻ hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình một mình ít hơn 2 giờ/ngày. Các bậc phụ huynh nên sắp xếp để tương tác đồng thời kiểm soát nội dung trẻ đang theo dõi cho phù hợp.

Tùy theo sở thích của trẻ và mục tiêu phát triển mà các bậc phụ huynh mong đợi ở trẻ, các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn, khuyến khích trẻ theo dõi những chương trình phù hợp với trẻ. Phụ huynh có thể cùng xem và cùng trẻ thảo luận những vấn đề được trình chiếu trong lúc theo dõi chương trình.

Các bậc phụ huynh cần học những kỹ năng dạy con tích cực, không sử dụng bạo lực với trẻ mỗi khi trẻ không nghe lời để đạt được hiệu quả dạy trẻ như mong muốn.

Sắp xếp cho trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời như chơi thể thao, đi câu cá... để giảm bớt thời gian tiếp xúc màn hình ở trẻ.

Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch sưu tầm