Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, phương án thi THPT quốc gia từ năm 2021 – 2025 là kết hợp thi trên giấy và máy tính, nhưng sẽ thi trên máy tính nhiều hơn.
Ngày 25/9, Bộ GD&ĐT đã báo cáo đề xuất phương án thi sau năm 2020.
Cụ thể, từ năm 2021 - 2025, học sinh sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GDĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT (hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.
Về phương án thi, Bộ GD&ĐT đề xuất, tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ GDĐT.
Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, qua quá trình đổi mới, phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã tương đối hoàn thiện. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 được ghi nhận và năm 2020 cơ bản vẫn giữ ổn định theo phương án này.
“Để thực hiện thi trên máy cần trước hết là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phải tăng cả về số lượng và chất lượng. Dù công nghệ tốt, nhưng quản lý không tốt có thể lại là kẽ hở cho tiêu cực. Do đó, cần quan tâm chuẩn bị cả đội ngũ khảo thí ”, Bộ trưởng GD & ĐT nói.
Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là tham mưu Chính phủ chuẩn bị phương án thi, tuyển sinh cho năm 2021-2025, chuẩn bị căn cơ, thận trọng, có lộ trình bước đi chắc chắn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận lại quá trình đổi mới thi, các ý kiến thống nhất khẳng định đổi mới là cần thiết và đã có lộ trình thận trọng.
Về xây dựng phương án thi cho giai đoạn sau năm 2020, các ý kiến đều cho rằng, phương án thi hiện nay cơ bản là tốt, nên tiếp tục, nhưng có cải tiến cần thiết để phù hợp với lộ trình tự chủ ĐH, đổi mới dạy học ở phổ thông, đổi mới công tác dạy nghề, phân luồng và xa hơn nữa là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế để làm giảm sự can thiệp không cần thiết của con người.
“Cần làm chắc chắn, nhưng cũng phải rất tích cực. Phải chuẩn bị kĩ trước khi lấy ý kiến góp ý rộng rãi” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Với việc thi trên máy tính, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh; làm thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngân hàng đề thi phải làm tích cực hơn, làm sao huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi; nhưng không vì ngân hàng câu hỏi mà trì hoãn việc tổ chức thi trên máy.
Ông Nguyễn Thanh Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – đồng tình có lộ trình phù hợp áp dụng thi trên máy tính; đồng thời cho rằng cần sớm hoàn chỉnh ngân hàng đề thi và có cập nhật, bổ sung hàng năm. Lộ trình đổi mới, hoàn thiện kỳ thi cần được công bố để người dân hiểu rõ.
Sau năm 2020: Nhiều điều chỉnh trong đó có thay đổi cấu trúc bài thi tổ hợp
Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đặt ra mục tiêu tổ chức kì thi gọn nhẹ, giảm áp lực, đảm bảo tin cậy. Đặc biệt hướng đến đánh giá phẩm chất, năng lực của người học, tác động tích cực trở lại quá trình dạy học ở phổ thông. Kỳ thi vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, GD nghề nghiệp sử dụng tuyển sinh.
Tuy nhiên, không bắt buộc tất cả học sinh hoàn thành chương trình THPT phải thi để công nhận tốt nghiệp. Những học sinh đã học xong chương trình lớp 12 đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT, hoạc giám đốc trung tâm GD thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Học sinh nào có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ đăng kí tham gia kì thi THPT quốc gia.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Phương thức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Thí sinh chọn hình thức thi trên máy tính thì có thể tham dự một số đợt thi trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả thi của đợt nào cao hơn sẽ được chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở GD Đại học, GD Nghề nghiệp tham khảo, sử dụng tuyển sinh- nếu có nhu cầu.
"Đối với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính" - lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Cụ thể, ở giai đoạn 2021-2025, kỳ thi không xáo trộn lớn so với năm 2019 nhưng sẽ điều chỉnh phù hợp với thực tế. Kỳ thi vẫn tổ chức thi trên giấy như hiện nay nhưng đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình. Chủ yếu là đánh giá kiến thức, kĩ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực, giảm số câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp.
Đồng thời sẽ từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm cho ra một đầu điểm, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.