Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản vừa công bố báo cáo khoa học về 2 trường hợp bé trai mắc ung thư phổi do lây truyền từ mẹ sang con. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y học New England.
2 bệnh nhi 23 tháng và 6 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư phổi do hấp thụ tế bào ung thư cổ từ cung từ nước ối của mẹ trong quá trình sinh nở. Sau đó các tế bào ung thư sinh sôi, di chuyển gây ung thư phổi.
Kết quả phân tích gene di truyền của 2 bệnh nhi phát hiện DNA tế bào ung thư với các đột biến có vị trí sắp xếp giống hệt cơ thể mẹ.
Bệnh nhi 23 tháng tuổi được đưa đến viện do ho kéo dài suốt 2 tuần không đỡ. Hình ảnh chụp CT phát hiện một khối u dọc phế quản ở cả 2 phổi. Kết quả sinh thiết khẳng định, bé trai mắc ung thư không phải tế bào nhỏ.
Cậu bé chào đời ở tuần thứ 39 của thai kỳ. Mẹ cậu bé vốn có sức khoẻ tốt, từng có kết quả xét nghiệm âm tính với ung thư cổ từ cung trước khi sinh 7 tháng. Tuy nhiên 3 tháng sau sinh, cô được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung biểu mô tế bào vảy.
Do còn quá nhỏ, bệnh nhi chỉ được theo dõi thường xuyên, không can thiệp gì. Cho đến khi 3 tuổi, bác sĩ phát hiện chỉ có một số khối u thoái triển, một số khác tiếp tục lan rộng theo phế quản nên đã chỉ định dùng hoá trị. Dù vậy, trẻ không đáp ứng, bệnh tiếp tục tiến triển thêm.
Cuối cùng, các bác sĩ cho bệnh nhi thử nghiệm liệu pháp miễn dịch nivolumab. Sau 2 tuần, tất cả khối u co nhỏ lại và sau 14 chu kỳ điều trị kết hợp cắt bỏ tiểu thùy, cậu bé không bị tái phát bệnh.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi 6 tuổi, đến viện với biểu hiện đau tức ngực. Các bác sĩ phát hiện bên phổi trái có một khối u, chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến nhầy, một dạng của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Khi đang mang bầu, mẹ cậu bé được phát hiện có polyp ở cổ tử cong, song kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung âm tính và khối u có vẻ ổn định. Nghĩ u lành tính, người mẹ quyết định sinh thường bé trai ở tuần thai thứ 38.
Trường hợp bệnh nhi 6 tuổi đã trải qua nhiều đợt hoá trị nhưng ung thư không thoái lui. Sau đó, cậu bé được phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái. 15 tháng sau, kết quả xét nghiệm không phát hiện tế bào ung thư.
Sau khi sinh, cả 2 bà mẹ đã đã lần lượt qua đời do không chống đỡ nổi ung thư cổ tử cung.
BS Ayumu Arakawa thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản cho biết, đây có thể là nghiên cứu đầu tiên báo cáo về hiện tượng lây truyền ung thư từ mẹ sang con khi sinh qua đường âm đạo. Do vây, nhóm nghiên cứu khuyến cáo, những thai phụ bị ung thư cổ tử cung nên sinh mổ.
Theo các báo cáo, việc lây truyền ung thư từ mẹ sang con cực kỳ hiếm, với tỉ lệ 1/500.000 trường hợp mẹ bị ung thư. Trước đây đã có 18 trường hợp được báo cáo song tất cả đều cho rằng lây truyền qua nhau thai.
Vì vậy, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản được xem là bước ngoặt lớn, làm thay đổi nhận thức của các bác sĩ về đường lây truyền của ung thư.
Theo Cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp