Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe của người dân khi dùng nước nhiễm Styren cao


Ngoài gây ung thư, dùng nước sinh hoạt chứa styren còn ảnh hưởng đến hàng loạt cơ quan trong cơ thể như tổn thương gan, thận, sảy thai, điếc...

Những ngày qua, sự việc hệ thống nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải đã khiến hàng triệu người dân thủ đô Hà Nội bức xúc.

Theo kết quả công bố của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất styren với mức vượt ngưỡng từ 1,3 – 3,6 lần so với bình thường.

Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, mức giới hạn theo QCVN 01:2009/BYT là 20 mg/lít.

Theo ông Phùng Chí Sỹ - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết nếu nước ăn uống chứa hàm lượng styren vượt quy chuẩn cho phép của Bộ Y tế, tùy theo hàm lượng và thời gian tiếp xúc mà có mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Ông Sỹ cho hay Styren là hợp chất hữu cơ độc hại, tồn tại dưới dạng chất lỏng, dễ bay hơi, không tan trong nước hoặc tan rất ít, vị hơi ngọt và có mùi hôi tương tự như xăng dầu.

Việc người dân ngửi được nước dùng có mùi xăng dầu thì có thể lượng dầu đổ vào nước tương đối nhiều, khi đó một phần lượng dầu này đã được pha trộn trong nước gây mùi khó chịu.

Kết quả nghiên cứu trên người và động vật chỉ ra rằng nếu hàm lượng styren quá cao có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh với những biểu hiện đặc trưng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…

nuoc-nhiem-styren-gay-nguy-hai-den-suc-khoe
Người dân có biện pháp nào để bảo vệ sức khỏe?

Nếu tiếp xúc lâu dài ở mức độ nào đó thì có thể ảnh hưởng đến hệ sinh sản, thậm chí làm chuyển hóa tế bào, gây ung thư.

Ông Sỹ cho biết thêm, với ghi nhận nước sạch sông Đà (Hà Nội) xuất hiện nhiều váng dầu thì kết quả không chỉ dừng lại hàm lượng styren cao mà có thể còn tồn tại trong nước một số hợp chất hydrocarbon khác.

Bởi lẽ dầu là hỗn hợp của nhiều hóa chất hữu cơ, phần lớn là những hợp chất của hydrocacbon, trong đó có những chất có vòng thơm như như styren, toluen, benzen, etylbenzen, xylen…

"Tôi không biết lượng dầu trên kênh dẫn vào nhà máy nước có nguồn gốc từ đâu nhưng rõ ràng trong nước còn chứa một số hợp chất hydrocacbon khác nhau nữa, không chỉ riêng styren.

Tôi không hiểu cơ quan phân tích như thế nào mà chỉ phát hiện styren vì thực tế dầu là hỗn hợp nhiều hợp chất hydrocacbon khác nhau", ông Sỹ đặt vấn đề.

Người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Trong sự việc lần này, việc styren có trong nước máy tại Hà Nội gây hại như thế nào với sức khỏe người dùng vẫn phải chờ nghiên cứu và đánh giá cụ thể từ phía chuyên gia. 

Tuy nhiên, bước đầu, ông Lê Văn Dục Giám đốc Sở Xây dựng thành phố đã khuyến cáo tạm thời người dân không sử dụng nước sạch từ nhà máy này để nấu ăn, uống. 

Theo đại diện UBND TP Hà Nội, thời gian trước mắt, khi Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà chưa thay được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp thì người dân đang sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Việc nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.

Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân mình, người dân nên tuân thủ theo lời khuyến cáo của chuyên gia, nếu nước có bất cứ dấu hiệu bất thường nào nên báo cáo lại cơ quan chức năng để kịp thời xét nghiệm và xử lý.