Đây là những thuốc thiết yếu có thể dành khi đi du lịch xa, đi về quê hay để tại nhà nhất là có con hay ốm.
BS Nguyễn Hồng Phong, nguyên BS Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời tiết đang thay đổi, trẻ em ốm rất nhiều.
“Có bé đêm khó thở, có bé đêm sốt, gọi điện đến cho bác sĩ, mà bác sĩ nhiều khi cũng không làm gì được để giúp vì phụ huynh ở nhà không có thuốc. Do đó, tôi gợi ý về một tủ thuốc gia đình, những thuốc thiết yếu có thể dành khi đi du lịch xa, đi về quê, nhất là có con hay ốm”, BS Phong nói.
Do đó, BS Nguyễn Hồng Phong đã gợi ý một tủ thuốc trong gia đình, đặc biệt các gia đình có con nhỏ cần có.
1. Thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm
Thuốc có thành phần Paracetamol: Tên thương mại hay dùng là Efferangal; Sara; Panadol... hàm lượng đủ cho các lứa tuổi từ 80 mg, 120 mg, 150 mg, 250 mg, 500 mg. Và có các dạng bào chế như viên đặt hậu môn; gói bột; siro.
Ibuprofen: Tên thương mại hay dùng là Ibufen; Sotstop. Thường là dùng dạng siro.
2. Thuốc đường tiêu hóa
Domperidon: Đây là thuốc có tác dụng chống nôn, buồn nôn, các triệu chứng trào ngược. Thường dùng là Motilium dạng viên hoặc siro ( chú ý thuốc này có nằm trong khuyến cáo của BYT về liều lượng, nên đặc biệt cần chú ý khi dùng).
Enterogermina và Bioflora: Đây là hai dạng men vi sinh (gọi quen thì hay bảo men tiêu hóa) nhiều mẹ đã có kinh nghiệm dùng.
Oresol: Đây là loại bù dịch điện giải không thể thiếu. Không được dùng oresol pha sẵn, oresol trong các ống tuyp.
3. Thuốc dị ứng
Aerius dạng siro hoặc viên: Loại này dùng khi con bị các biểu hiện dị ứng ngoài da, hoặc đường hô hấp có thành phần Desloratadine (Chú ý: đây là kháng histamin không phải kháng sinh như nhầm lẫn ).
Promethazine: Tên thương mại là Phenergan dang kem. Bôi ngoài da.
4. Thuốc long đờm, giãn phế quản
Bromhexin hydrochloride: Tên thương mại là Bisolvon dạng siro hoặc viên. Giúp tiêu đờm.
Salbutamol: Dạng xịt hoặc dạng uống hoặc dạng khí dung. Tên thương mại tốt là ventolin. Tác dụng giãn phế quản.
5. Kháng sinh
Không nên lạm dụng kháng sinh. Không phải bệnh nào cũng kháng sinh. Chỉ khi có bằng chứng nhiễm khuẩn rõ ràng mới nên dùng.
Nhóm cơ bản là Penicillin mà dạng phổ biến bây giờ là kết hợp giữa amoxicillin và clavulanate mà đại diện là Augmentin và/hoặc Klavunamox. Nhóm này nhắm đến các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường Hô hấp trên và dưới. Các nhiễm trùng tiết niệu. Nhiễm trùng da và mô mềm. Tác dụng không mong muốn là tiêu chảy.
Nhóm cephalosprin có nhiều thế hệ, nhưng hiện nay quen dùng là thế hệ thứ III đại diện như cefixim. Tác dụng tốt các vi khuẩn Gram âm ; đường hô hấp, đường sinh dục, đường tiêu hóa.
Có rất nhiều loại kháng sinh và quan điểm dùng. Trong khuôn khổ bài viết, và với mong muốn hạn chế lạm dụng kháng sinh, mình chỉ đưa ra 2 nhóm đại diện để dự phòng.
6. Nhóm thuốc tác dụng mũi
Viêm mũi dị ứng, chảy nước mũi kéo dài là "đặc sản" của các con mùa thay đổi thời tiết.
Rửa mũi loại Sterimax bb/ Fysioline: đây là loại nước muối biển, áp lực đã được thiết kế đúng chuẩn.
Kháng viêm tại chỗ có thể là Pivalone ( dược chất: Tixocortol ): giúp cho mũi các con đỡ viêm và đỡ ngạt.
Tuy nhiên, trong bất kể trường hợp nào cũng cần sự tư vấn của bác sĩ. Cha mẹ không được tự ý dùng thuốc cho con.
7. Thuốc trị táo bón
Thuốc làm mềm phân: Dùng cho trường hợp trẻ bị bón đã nhiều ngày, 4-5 ngày chưa đi được, khiến trẻ bị khó chịu, ngủ không yên giấc. Thích hợp cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.
Lưu ý: Không nên dùng quá thường xuyên vì thuốc có gây kích ứng niêm mạc trực tràng làm niêm mạc bị tổn thương và khiến nhu động ruột ở trẻ bị thụ động mất dần phản xạ rặn ị. Tuy nhiên cũng không nên để trẻ bị táo bón lâu quá kéo dài, cứ để con 4-5 ngày hay cả tuần mới đi 1 lần, lâu ngày trẻ sẽ có nguy cơ bị sa dãn trực tràng sẽ nguy hiểm.
Cao Đẳng Phục Hồi Chức Năng sưu tầm