Mơ ước trở thành nhà giáo từ nhỏ, ra trường với bao khát khao cống hiến, nhiệt huyết luôn tràn trề nhưng rồi nhiều giáo viên trẻ không thể “bám trụ” mãi vì đồng lương quá bèo bọt, không thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.
Đồng lương thấp, nhiều giáo viên trẻ gặp thách thức khi bám trụ với nghề giáo. (Ảnh minh họa)
Từ bỏ nghề dẫu rất đam mê
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh từ năm ngoái, cô giáo N. T. H về xin việc ở một trường tiểu học trên địa bàn. Ngày mới về, cô đầy năng động, sáng tạo, tìm tòi nhiều ý tưởng mới giúp học trò đạt kết quả tốt hơn. Những tiết dạy sôi nổi, có sự tương tác giữa đôi bên, được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội phần nào minh chứng cho lòng nhiệt huyết, đam mê với nghề của cô giáo trẻ.
Vậy mà chỉ chưa đầy một học kỳ, không đợi hết năm, cô H đã phải từ bỏ công việc, rời xa mái trường, “người thương” vì thu nhập không đủ để trang trải những khoản phí tối thiểu hàng ngày. Tổng tất cả các khoản lương, phụ cấp một tháng cô chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng nên thường xuyên phải đi vay mượn gia đình, hàng xóm, bạn bè để chi tiêu. Sau gần 7 tháng đứng lớp, tổng số tiền cô nợ lên đến hơn chục triệu đồng.
“Trong những tháng đi dạy, tiền chi tiêu, sinh hoạt tôi vay bạn bè, còn cưới hỏi hay thăm viếng, phát sinh thì… xin bố mẹ. Không thể duy trì việc này nên tôi quyết định nghỉ dạy, tìm việc khác dù rằng tôi đam mê sư phạm từ nhỏ”, cô H tâm sự. Hiện nay, cô đã đi làm nhân viên cho một công ty chuyên về giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ.
Theo nghề được lâu hơn cô H nhưng sang đến năm thứ 3 thầy giáo trẻ V cũng phải tạm biệt công việc sau một thời gian háo hức vui mừng vì trúng tuyển. Thầy giáo trẻ từng xác định sẽ kiên trì lâu dài với nghề nhưng thực tế không như mình tưởng tượng.
“Trong những tháng đi dạy, tiền chi tiêu, sinh hoạt tôi vay bạn bè, còn cưới hỏi hay thăm viếng, phát sinh thì tôi phải xin thêm bố mẹ” – cô N. T. H.
Với 3 triệu đồng/ tháng, suốt ngày giáo viên phải nghĩ, tính toán chi li may ra mới đủ. Những tháng có nhiều khoản phát sinh khác là phải ăn mì tôm, nhắn tin gọi điện tìm nguồn tài trợ.
“Nhà tôi có 4 anh em và những anh em còn lại thay nhau hùn tiền nuôi một ông em làm thầy giáo. Bố mẹ ốm đau hay đóng góp gì trong nhà, tôi cũng được miễn hết”, thầy V. chua chát cho hay.
Thầy V cũng cho nghẹn ngào tâm sự bản thân phải nhiều lần từ chối những bữa tiệc nhỏ cùng đồng nghiệp, đôi khi muốn mua quà bánh hay sách vở để tặng học sinh nghèo nhưng chịu thì ví rỗng. Thầy V khẳng định nếu không được sự giúp đỡ từ phía gia đình thì rất có để tiếp tục với nghề nhà giáo. Như thầy, cuối cùng cũng gác giấc mơ còn dang dở để đi tìm công việc mới mà mục đích đơn thuần trước hết cũng chỉ để tự nuôi sống bản thân mình.
Việc trả lương theo năng lực trong nghề giáo sẽ là động lực cho đội ngũ trẻ (ảnh minh họa)
Mức lương cơ bản của giáo viên thấp
Thu nhập của một giáo viên bao gồm lương cơ bản theo hệ số, phụ cấp, tiền dạy thêm giờ,...Nhưng đa số giáo viên mới ra trường chưa có lương thâm niên cũng chưa được dạy thêm nhiều nên đồng tiền eo hẹp là điều dễ hiểu. Thậm chí có những giáo viên kỳ cựu vẫn kêu than. Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên trường tiểu học An Phú 2, Củ Chi, TPHCM cho biết, sau 15 năm đi dạy, tổng tiền hàng tháng cô nhận được, đã bao gồm phụ cấp tiền vùng sâu vùng xa là 6 triệu đồng. Đối với những giáo viên mới ra trường thì hợp đồng nhân hệ số lương 1,86 không có gì thêm. Cô chứng kiến nhiều giáo viên trẻ, ra trường đi dạy đã phải bỏ nghề vì không thể sống nổi với đồng lương “khởi đầu” đó.
Báo cáo mức thu nhập thấp nhất của giáo viên có 1 - 5 năm kinh nghiệm trong năm học 2017 - 2018 là 2.253.000 đồng. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến các cơ sở giáo dục hiện nay khó để giữ chân những giáo viên mới ra trường. Ở những bậc như tiểu học hay mầm non, vừa áp lực, lương lại thấp, không đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày nên cuối cùng phải bỏ việc. Ông Đặng Hoàng Đức, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 chia sẻ.
Nhiều hiệu trưởng cũng cho biết nỗi khó khăn khi tuyển dụng giáo viên. Họ cũng hiểu và đồng cảm với ứng viên, bởi lẽ không phải ai cũng có hộ khẩu thường trú tại thành phố và không phải môn nào cũng có nhiều tiết. Do đó những người ở xa lại dạy các môn mỹ, thể, tin lại rất khó khăn; phải kết hợp nhiều công việc cùng lúc để trang trải.
Trong đó có một Hiệu trưởng cũng chỉ ra nghịch lý rằng trong khi tuổi trẻ nhiệt huyết thì lương thấp nên rất khó để giữ các em còn nhiều giáo viên nhiều tuổi hệ số lương cao nhưng sa sút trên nhiều mặt. Vì vậy việc trả lương theo năng lực của mỗi người là điều cần thiết.
Cũng theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong các cấp thì lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học đang thấp hơn mức tối thiểu. Giáo viên thâm niên trên 25 năm lương 10,5 triệu đồng/tháng. Phụ cấp lại dựa vào mức lương cơ sở nhân với hệ số lương và chưa được hưởng lương thâm niên. Cụ thể, tiểu học, mầm non nhận hệ số lương 1,86 và nếu có phụ cấp ưu đãi thì tổng lương cũng chưa đến 3.265.000 đồng. Đây cũng là hai bậc học thiếu giáo viên nhiều nhất đang diễn ra ở các thành phố lớn.
Nguồn tin: Báo Dân trí