Israel đang trở thành quốc gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh nhất thế giới, các hoạt động hàng ngày gần như đã trở lại tình trạng trước đại dịch, theo Guardian.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 12/2020, Israel đã hoàn thành việc tiêm cả hai mũi cho hơn một nửa trong tổng số 9 triệu dân, đạt tỷ lệ miễn dịch dân số mà nhiều quốc gia phải mất hàng năm để hoàn thành.
Tại một trung tâm y tế của Israel, vào thời điểm cao điểm của đợt tiêm chủng, mỗi ngày có hơn 3.000 người được tiếp cận với vaccine. Trong nhóm người trưởng thành, chỉ khoảng một triệu người là chưa được tiêm chủng. Nhóm còn lại là người dưới 16 tuổi và người có nguy cơ nhiễm bệnh thấp.
Ông Adi Niv-Yionary, một chuyên gia về chính sách y tế tại Đại học Tel Aviv và là thành viên ban cố vấn Covid-19 của Bộ Y tế, cho biết Israel có thể đã gần đi đến hồi kết của đại dịch.
Bà Shani Luvaton, y tá trưởng tại một trung tâm tiêm chủng, cho biết thời gian chờ đợi để một người được tiêm vaccine Covid-19 là 10 giây. Trung tâm này chỉ cần sử dụng một nửa số quầy sẵn có để tiếp đón khoảng vài trăm người một này.
Trong đợt lây nhiễm virus lần thứ ba vào giữa tháng một, mỗi ngày Israel có 10.000 ca nhiễm mới. Giờ đây, con số trên đã giảm đáng kể. Theo thống kê của Bộ Y tế nước này, trong ngày 28/3 cả nước chỉ ghi nhận chưa tới 130 trường hợp nhiễm mới.
Ông Eran Segal, nhà nghiên cứu tại Viện Weizmann, cho biết tỷ lệ tử vong do virus corona tại Israel đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh điểm trước đây.
Sau khi tiêm chủng, người dân Israel được cấp một tấm “thẻ xanh”. Họ có thể trở lại các phòng gym, khách sạn và những buổi biểu diễn đông người. Tại Tel Aviv, các bãi biển đều đã chật kín du khách trong dịp nghi lễ tôn giáo ở Israel vừa qua.
Bà Sharon Alroy-Preis, phụ trách bộ phận y tế công cộng của Israel, nói rằng chính phủ đang xem xét loại bỏ quy định đeo khẩu trang khi ra ngoài. Dù vậy, Israel vẫn thắt chặt hạn chế đi lại đối với khách du lịch quốc tế, do lo ngại nguy cơ gây bệnh từ các biến thể của virus ở ngoài nước.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Israel đã đồng ý cung cấp vaccine cho những người Palestine sinh sống và làm việc ở vùng đất do quân đội Israel kiểm soát. Trước đó, nước này đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế về quyết định không tiêm vắc xin cho hàng triệu người Palestine đang sống ở đó.
Dù vậy, người Palestine ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza dự kiến mất nhiều thời gian để tiếp cận nguồn vaccine này. Hiện tại, họ được hỗ trợ bởi sáng kiến phân bổ vaccine miễn phí mang tên COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới phát động.
Theo cao đẳng Y dược TPHCM tổng hợp