Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Chuyên gia cảnh báo thuốc điều trị COVID-19 không thể thay thế vaccine


Các chuyên gia nhấn mạnh không nên quá tin tưởng vào loại thuốc mới điều trị COVID-19, chúng phải được sử dụng cho bệnh nhân đủ sớm bởi căn bệnh này có các giai đoạn tiến triển khác nhau.

Những loại thuốc uống kháng virus để điều trị COVID-19 của các hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) đã được chứng minh có thể làm giảm đáng kể nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc COVID-19 nếu được dùng đủ sớm.

Tuy nhiên, các bác sỹ cảnh báo những người có tâm lý do dự tiêm vaccine ngừa COVID-19 không nên nhầm lẫn giữa lợi ích của các phương pháp điều trị với việc phòng ngừa bằng tiêm chủng.

Trước đó, hãng dược phẩm Pfizer, nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu, cho biết thuốc kháng virus Paxlovid đang thử nghiệm của hãng này đã giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19 ở người trưởng thành có nguy cơ cao.

Hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics thông báo thuốc kháng virus dạng viên Molnupiravir đã giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong. Thuốc này đã chính thức được cấp phép có điều kiện tại Anh.

Theo một cuộc thăm dò do Tổ chức Kaiser Family Foundation thực hiện mới đây, với 72% người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19, tốc độ tiêm chủng đã chậm lại.

Ngoài nguyên nhân các đảng phái chính trị ở Mỹ chia rẽ quan điểm về giá trị và sự an toàn của vaccine ngừa COVID-19, một số chuyên gia về dịch bệnh lo ngại sự xuất hiện của phương pháp điều trị COVID-19 bằng đường uống có thể gây cản trở các chiến dịch tiêm chủng.

Theo đó, cứ 8 người được khảo sát lại có 1 người nói rằng họ thà được điều trị bằng thuốc viên hơn là tiêm vaccine.

Sáu chuyên gia về bệnh truyền nhiễm được hãng tin Reuters phỏng vấn mới đây đã bày tỏ hào hứng về triển vọng của các loại thuốc mới điều trị COVID-19 song đều khẳng định những loại thuốc kháng virus này không thể thay thế vaccine.

Theo một nghiên cứu của Chính phủ Mỹ, ngay cả khi đối mặt với biến thể Delta có khả năng lây lan cao, vaccine của Pfizer/BioNTech vẫn có hiệu quả, giúp giảm tới 86,8% nguy cơ nhập viện.

Tiến sỹ Leana Wen, bác sỹ cấp cứu kiêm Giáo sư y tế công tại Đại học George Washington cho rằng thông tin về thuốc kháng virus của Pfizer là khả quan, song cần song hành với việc tiêm chủng.

Các chuyên gia nhấn mạnh lý do chính để không nên quá tin tưởng vào loại thuốc mới điều trị COVID-19 là chúng phải được sử dụng cho bệnh nhân mắc COVID-19 đủ sớm bởi căn bệnh này có các giai đoạn tiến triển khác nhau.

Tiến sỹ Celine Gounder, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết trong giai đoạn đầu, virus nhân lên nhanh chóng trong cơ thể. Tuy nhiên, rất nhiều tác động tồi tệ nhất của COVID-19 xảy ra trong giai đoạn thứ hai, phát sinh từ phản ứng miễn dịch bị “lỗi” khi virus nhân lên trong cơ thể.

Một khi bệnh nhân bị khó thở hoặc mắc các triệu chứng nghiêm trọng khác buộc phải nhập viện, điều này đồng nghĩa bệnh nhân đang trong giai đoạn rối loạn chức năng miễn dịch, khi đó thuốc kháng virus thực sự không mang lại nhiều lợi ích.

Cùng chung quan điểm, ông Baylor Hotez - chuyên gia về vaccine và là giáo sư về virus học phân tử và vi sinh vật học tại Đại học Y - cho rằng việc điều trị đúng lúc, đúng thời điểm là một thách thức do quá trình virus chuyển từ giai đoạn sao chép sang giai đoạn viêm ở mỗi người không giống nhau.

Nhiều người trong giai đoạn đầu của bệnh cảm thấy khỏe mạnh một cách đáng ngạc nhiên mà có thể không biết rằng nồng độ oxy của họ đang giảm xuống - một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy giai đoạn viêm của bệnh đã bắt đầu.

Ông cảnh báo thông thường các bệnh nhân không nhận ra rằng mình bị mắc bệnh cho đến khi quá muộn.

Theo Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp