Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Cần biết: Biểu hiện lâm sàng của người bệnh nhiễm SARS-CoV-2


Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thống kê trong số 820 bệnh nhân của đợt dịch thứ 3 cho thấy có đến hơn 83% không có biểu hiện lâm sàng. Chỉ có 14% có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Trong đó số bệnh nhân nặng chiếm khoảng 2%.

Về vấn đề này,  PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin: Tình hình dịch tễ học lâm sàng cho thấy 80% các ca bệnh hiện nay là bệnh nhẹ, rất khó phát hiện trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Vì thế, chúng tôi điều chỉnh lại hướng dẫn về phân luồng, cách ly, biện pháp phát hiện bệnh ở trong khu vực khám bệnh, chữa bệnh. Các bệnh viện đẩy mạnh xét nghiệm trong bệnh viện, sàng lọc sớm các ca bệnh. 

"Bệnh viện phải cảnh giác các trường hợp ho, sốt, khó thở có hoặc không có yếu tố dịch tễ, cần xét nghiệm ngay. Đồng thời, xét nghiệm cho cả người bệnh điều trị nội trú dài ngày, nhân viên y tế"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý.

Dẫn chứng lại trường hợp BN1965 ở Hải Dương hiện đang điều trị tại BV dã chiến số 2 - Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết bệnh nhân ở nhà 7 ngày, khi vào viện thì đã rất nặng. 

Tại cuộc họp gần đây, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương- Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương cũng đã nêu ra những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng vô cùng nguy hiểm tại Hải Dương. 

Trong 1 tuần đã có 6 trường hợp sốt, ho, đau họng, những dấu hiệu điển hình nhất của COVID-19 nhưng không được phát hiện. Đến khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân đến cơ sở y tế mới phát hiện khiến cái giá phải trả là rất lớn

Theo Quyết định về “Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV- 2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” do Bộ Y tế vừa ban hành, người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.

Thời gian ủ bệnh 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày. Triệu chứng hay gặp khi khởi phát là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.

Hầu hết bệnh nhân (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

Khoảng 14% số bệnh nhân diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7- 8 ngày.

Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có hội chứng hô hấp cấp tiến triển, bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.

Ở trẻ em, đa số trẻ mắc COVID-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi. 

Một số trẻ mắc COVID-19 có tổn thương viêm đa cơ quan: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.

Chủng SARS-CoV-2 ngoài lây truyền từ động vật sang người, còn lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền qua đường không khí qua khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế và những nơi đông người và ở không gian kín.

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh. Việc sử dụng vắc xin phòng bệnh mới được tiến hành bắt đầu tại một số nước và còn nhiều khó khăn nên các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chủ động như mang khẩu trang, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đúng tình huống,  vệ sinh bề mặt môi trường, giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người… là các biện pháp tối quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2. 

Đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 2.412 ca bệnh, trong đó 1.814 ca đã khỏi bệnh, hiện còn 598 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 62 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 57 ca, số ca âm tính lần 3 là 77 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có đến 82,5% không có biểu hiện lâm sàng; số biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất, thậm chí nặng hơn BN91- nam phi công người Anh. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay, bệnh nhân đã được chỉ định ECMO (tim phổi ngoài màng cơ thể) từ nhiều ngày nay.

Bệnh nhân đã được hội chẩn quốc gia 6 lần, Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng hội chẩn thường xuyên trên điện thoại và được BV Đa khoa Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp, song bệnh nhân vẫn có diễn biến rất nặng do cao tuổi (79 tuổi), nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường đi kèm nhiều năm. Tất cả các trang thiết bị hiện đại, thuốc hiếm, các xét nghiệm chuyên sâu, dinh dưỡng…. tốt nhất đều được huy động điều trị cho người bệnh.

Trường hợp nặng khác là BN1823 đang chạy ECMO ở BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 vẫn còn nhưng hy vọng tăng lên so với trước. Hôm nay khi cán bộ y tế gọi, bệnh nhân đã biết, làm theo lệnh. BN1823 đã có xét nghiệm PCR virus SARS- CoV-2 mẫu dịch phế quản 1 lần âm tính.

Theo cao đẳng Y dược TPHCM tổng hợp