Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ khi chưa được tiêm vaccine


Chế độ dinh dưỡng đa dạng, ngủ đủ giấc, đeo khẩu trang khi ra ngoài..., là những biện pháp giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt và phòng dịch hiệu quả.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Minh Tân, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ, trẻ em thuộc nhóm chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Vì vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cha mẹ nên tăng sức đề kháng cho trẻ kết hợp các biện pháp phòng dịch đang được Bộ Y tế khuyến cáo.

Bác sĩ Tân cho hay sức đề kháng của cơ thể là khả năng phòng vệ và chống lại các tác nhân xâm nhập gây bệnh. Hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện, vì vậy sức đề kháng còn kém. Trẻ hay bị ốm vặt, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa..., là biểu hiện của hệ thống miễn dịch yếu và chế độ dinh dưỡng chưa tốt.

Vì vậy, cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, đặc biệt là thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh.

Chế độ dinh dưỡng

Đối với các bé sơ sinh:

Bé cần bú thật nhiều sữa mẹ. Sữa mẹ cũng chứa một nguồn kháng thể dồi dào giúp bé có thể tránh được nhiều loại bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sữa mẹ có thể ngăn ngừa dị ứng và bệnh tật, bảo vệ khỏi vi khuẩn, virus gây hại, hỗ trợ hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện của trẻ sơ sinh. Những dưỡng chất trong sữa mẹ có thể chống lại sự nhiễm trùng và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ hiệu quả.

Trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng (nếu có thể) giúp tăng sức đề kháng cho bé một cách tốt nhất.

Đối với trẻ lớn hơn:

Cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước, ăn đầy dủ 4 nhóm thực phẩm. Các nhóm này bao gồm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), vitamin, khoáng chất và các chất xơ (các loại rau, củ, trái cây).

Đặc biệt, phụ huynh có thể tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, ngũ cốc,... Đây là chất đóng vai trò tác động đến hầu hết quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Tình trạng thiếu kẽm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ. Do đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung kịp thời nguồn vitamin quan trọng này.

Ngoài ra, việc bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ. Trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh..., là nguồn rất giàu vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.

Biện pháp bảo vệ sức khỏe

Bác sĩ Minh Tân cho hay tiêm chủng vaccine đầy đủ và đúng lịch là biện pháp khoa học và hữu hiệu nhất để giúp tăng sức đề kháng cho bé. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần giữ môi trường sống sạch sẽ để loại trừ mầm bệnh. Hãy mở cửa sổ vào ban ngày để đón gió và nắng ấm cho bé.

Người lớn tuyệt đối không hút thuốc lá để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm khói thuốc, gây hại sức khỏe.

Ngoài ra, các bạn nên dạy cho bé thói quen vệ sinh thân thể, tắm gội thường xuyên, đánh răng sạch sẽ để phòng chống vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến trẻ dễ bị mắc bệnh.

Cho bé đạp xe, bơi lội, đá bóng…, sẽ giúp con ăn được nhiều hơn, năng động, hòa động và nhất là tăng cường kháng thể tự nhiên hiệu quả.

Giấc ngủ có tầm quan trọng rất lớn trong việc củng cố, cải thiện sức đề kháng của trẻ. Việc thiếu ngủ khiến em bé dễ mắc bệnh hơn do giảm các tế bào miễn dịch tự nhiên và còn khiến cho trẻ khó chịu, tinh thần không tỉnh táo.

Bác sĩ Tân cũng khuyến cáo trong giai đoạn hiện nay, phụ huynh cần cân nhắc khi đưa trẻ đến các khu vực công cộng tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc không cần thiết. Khi cần ra ngoài, khẩu trang là biện pháp bảo vệ tốt nhất và quan trọng để phòng bệnh cho trẻ em.

Liên quan việc đi lại của trẻ em khi một số thành phố mở cửa trở lại, đại diện Bộ Y tế cho hay nếu bắt buộc phải ra đường, trẻ dưới 18 tuổi cần tuân thủ nguyên tắc 5K. Về chủ trương tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng hướng dẫn liên quan việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khi nào toàn bộ người lớn tuổi và người có nguy cơ cao được tiêm chủng, trẻ em cũng phần nào được cộng đồng bảo vệ. Trong thời gian chờ, không nên đưa trẻ đến khu vực có nguy cơ cao và luôn cho bé đeo khẩu trang khi ra đường.

Theo Cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp