Viêm cơ tim nặng có thể làm tổn thương cơ tim vĩnh viễn và có thể gây đột tử. Vài ngày qua, những thông tin về vi rút lạ gây viêm cơ tim đang lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều người hoảng sợ.
Trước thông tin này, nhiều người muốn biết dấu hiệu của viêm cơ tim và cách phòng ngừa. PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các cộng sự đã điểm mặt triệu chứng của bệnh và hướng dẫn cách phòng ngừa.
Viêm cơ tim như tên gọi là tình trạng viêm của toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim. Nguyên nhân viêm cơ tim thường gặp là virus hoặc bệnh lý tự miễn.
Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công mô cơ tim lành chứ không phải vi khuẩn. Bệnh lý tự miễn có thể là nguyên nhân gây viêm cơ tim hoặc tổn thương cơ quan khác.
Bên cạnh đó, một số thuốc cũng có thể gây nên viêm cơ tim. Viêm cơ tim có thể biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch, nhiều trường hợp tự khỏi, ngược lại nhiều trường hợp viêm cơ tim lại để lại hậu quả nặng nề cho tim thậm chí tử vong.
Triệu chứng của viêm cơ tim
Viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc thể bệnh, nguyên nhân và một số yếu tố khác.
Các triệu chứng bao gồm:
- Suy tim - Tim không đủ khả năng bơm máu, biểu hiện qua các triệu chứng sau:
+ Mệt
+ Hạn chế vận động
+ Phù chân
+ Khó thở - có thể liên tục hoặc khi hoạt động hoặc chỉ khi nằm
- Đau ngực
- Rối loạn nhịp tim: Nhịp nhanh hoặc bỏ nhịp
Viêm cơ tim nguy hiểm như thế nào?
Viêm cơ tim nặng có thể làm tổn thương cơ tim vĩnh viễn, nó có thể gây ra:
- Suy tim: Không được điều trị, viêm cơ tim có thể làm tổn thương cơ tim dẫn đến không thể bơm máu không đủ nuôi cơ thể.
- Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ: Nếu cơ tim bị tổn thương như máu chảy trong tim có thể hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông gây bít tắc một trong các động mạch vành, gây ra nhồi máu cơ tim. Hoặc nếu cục máu đông trong tim di chuyển đến một động mạch dẫn đến não có thể gây ra đột quỵ.
- Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim: Tổn thương cơ tim có thể gây rối loạn nhịp tim.
- Đột tử do tim: Một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập (ngừng tim đột ngột) và gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức. Ở người trẻ tuổi, bệnh viêm cơ tim chiếm tới 20% trong số các nguyên nhân gây đột tử.
Mọi người cũng lưu ý, đến ngay cơ sở y tế nếu có triệu chứng đau ngực và khó thở khi đang có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus.
Cách phòng ngừa
Do đó, PGS.TS. Hoàng Bùi Hải và các cộng sự khuyến cáo người dân nên đến gặp bác sĩ của bạn nếu bạn có một trong các triệu chứng nêu trên. Bệnh nhân lưu ý nếu mắc một đợt cảm cúm, tiêm vắc xin hoặc mới dùng một loại thuốc mới đều phải nói rõ cho bác sĩ.
Khi đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân xét nghiệm máu điện tim - giúp phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim; X-quang tim phổi, siêu âm tim…..
Từ đó các bác sĩ sẽ điều trị viêm cơ tim phụ thuộc vào mức độ nặng và nguyên nhân của bệnh lý này.
Để phòng bệnh, chuyên gia khuyến cáo mọi người không được uống rượu, bia, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu có bệnh, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ hoạt động nào vừa sức với mình.
Mọi người nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giảm thiểu tiếp xúc với côn trùng: Nếu bạn có thời gian ở những vùng tiếp xúc với côn trùng hãy mặc áo sơ mi dài tay và quần dài để che càng nhiều da càng tốt.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh, hạn chế tiếp tiếp xúc với người mắc bệnh giống như virus hoặc cúm cho đến khi họ bình phục, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch, có bệnh lý mạn tính.
Bệnh nhân viêm cơ tim cần đến thăm khám định kỳ, ngay cả khi thấy ổn hơn, có thể bác sĩ phải làm một số thăm dò đánh giá chức năng tim và đánh giá một số di chứng của viêm cơ tim.
Cao Đẳng Y Tế TPHCM sưu tầm