Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Bạn nên hỏi bác sĩ những gì khi nhận được một toa thuốc?


Để quá trình điều trị bệnh có hiệu quả và an toàn nhất, bạn nên tìm hiểu về những loại thuốc được sử dụng cũng như đừng ngần ngại hỏi bác sĩ tất cả những thông tin còn chưa rõ để hiểu tường tận về toa thuốc.

Thuốc là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và kiểm soát bệnh. Hiểu tường tận về thuốc được sử dụng sẽ giúp bạn nhận thức được tình trạng bệnh và kế hoạch điều trị của bản thân. Thế nhưng, điều đơn giản nhất có thể làm để biết thêm về chất lượng, cách sử dụng, tác dụng phụ hay tương tác tiềm ẩn của thuốc mà mọi người thường xem nhẹ đó là hỏi bác sĩ về các thuốc trong đơn. Luyện tập thói quen đặt câu hỏi khi nhận được một toa thuốc sẽ góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Thực tế, bác sĩ không thể nhớ hết được các thông tin cần nói với người bệnh trong lúc kê đơn như cách sử dụng, thời gian uống thuốc… Vậy nên, khi bạn nhận được một toa thuốc mới, hãy đặt vài câu hỏi cho bác sĩ trước khi đồng ý sử dụng. Việc này không những giúp bạn hiểu rõ hơn loại thuốc điều trị sắp tới mà còn biết cách sử dụng sao cho hiệu quả nhất, hạn chế tối đa những tác dụng phụ hay tương tác không đáng có xảy ra.

hoi-bac-si-gi-khi-nhan-duoc-don-thuoc
Khi bạn nhận được một toa thuốc mới, hãy đặt vài câu hỏi cho bác sĩ trước khi đồng ý sử dụng

Tại sao phải uống thuốc này, nó hoạt động như thế nào?

Trong một toa thuốc, thường sẽ có nhiều loại thuốc khác nhau và bác sĩ thường không giải thích chi tiết thuốc nào dùng để điều trị triệu chứng nào. Bạn nên hỏi về mục đích điều trị của từng loại thuốc mà bạn chưa từng thấy trước đây để hiểu rõ hơn về liệu trình chữa bệnh. Ví dụ như bác sĩ có thể kê thêm cho bạn thuốc phòng ngừa loét dạ dày khi dùng một số thuốc giảm đau, kháng viêm NSAID hoặc có những loại thuốc phải dùng đồng thời với nhau để mang lại tác dụng.

Mặc dù không có kiến thức quá chuyên môn nhưng bạn cũng nên hỏi bác sĩ qua về cơ chế tác động của thuốc để được giải thích một cách đơn giản. Từ đó, bạn hiểu được nguyên lý hoạt động và ý thức hơn về cách sử dụng thuốc sao cho hiệu quả. Một số thuốc nên uống trước ăn hoặc sau ăn vì thức ăn có thể làm giảm sự hấp thu qua niêm mạc dạ dày/ruột. Có những thuốc nên uống buổi sáng vào một giờ cố định để phù hợp với thời gian sinh lý hay vài loại thuốc không nên uống trước khi đi ngủ vì có thể khiến bạn mất ngủ…

Thuốc này có những tác dụng phụ nào cần lưu ý không?

Tất cả các loại thuốc đều có thể mang đến những tác dụng không mong muốn nhưng nếu tìm hiểu trước, bạn có khả năng hạn chế được những tác dụng phụ này. Hãy hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ thường xảy ra khi dùng thuốc cũng như thông báo về tình trạng sức khỏe bản thân để giảm thiểu rủi ro gặp phải.

Việc này cũng giúp bác sĩ nhớ ra những cảnh báo liên quan khác và dặn dò bạn cách sử dụng thuốc sao cho an toàn, hiệu quả. Một số nhóm thuốc khi dùng thời gian dài có thể gây ra những biến chứng không hồi phục, để lại di chứng suốt đời. Vậy nên, bạn cần chủ động hỏi cho quyền lợi sức khỏe của chính mình.

Thuốc có tương tác với thuốc khác hay thực phẩm nào không? Có cần kiêng cữ gì khi uống thuốc không?

Có những loại thuốc khi uống cùng lúc với nhau sẽ gây ra những tương tác về mặt dược lý khiến thuốc bị mất tác dụng hay làm giảm thời gian đào thải ra ngoài khiến thuốc tích tụ trong cơ thể gây độc. Do đó, nếu có nhiều tình trạng bệnh khác nhau, bạn cần hỏi bác sĩ rằng liệu có tương tác nào xảy ra giữa các thuốc trong toa với sản phẩm mà bạn đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng hay thảo dược.

Ngoài ra, thức ăn cũng có thể tác động đến quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa hay thải trừ thuốc. Điển hình như là bạn cần tránh uống thuốc với nước trái cây, đặc biệt là nước cam hay bưởi vì có thể làm tăng nồng độ thuốc trong máu, gây nguy hiểm. Vậy nên, bạn cần kiêng dùng một số thực phẩm chung với thuốc theo lời khuyên của bác sĩ.

Những loại thuốc này sẽ sử dụng trong bao lâu?

Khi bạn mắc phải bệnh mạn tính, việc sử dụng thuốc trong thời gian dài thậm chí cả đời là điều không thể tránh khỏi. Lúc đó, tìm hiểu về những tác dụng phụ lâu dài do thuốc gây ra vô cùng cần thiết. Bác sĩ sẽ đưa cho bạn những giải pháp hữu hiệu để hạn chế hậu quả tối đa.

Bên cạnh việc dùng thuốc, lối sống và chế độ ăn uống cũng góp phần vào quá trình kiểm soát bệnh, sau đó có thể không cần dùng thuốc nữa. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về những thay đổi bạn muốn thực hiện để xem chúng liệu có phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại hay không.

Thời gian sử dụng của mỗi loại thuốc sẽ khác nhau nhưng bạn phải nhớ uống đúng và đủ liều. Không nên vì sợ những tác dụng không mong muốn mà ngừng sử dụng thuốc giữa chừng, điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường trong tương lai. Ngược lại, khi hết thời gian điều trị nếu triệu chứng bệnh vẫn chưa thuyên giảm, bạn cần đến gặp bác sĩ để tái khám chứ không nên tự ý tiếp tục sử dụng đơn thuốc cũ.

Liệu có thể thay thế thuốc trong đơn bằng loại thuốc khác không?

Nếu bạn từng nghe nói về những loại thuốc có chất lượng cao hơn có khả năng điều trị bệnh tình của mình, đừng ngần ngại mà hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ sẽ đánh giá, so sánh những lợi ích và rủi ro, sau đó giải thích cho bạn loại thuốc nào tốt hơn để sử dụng. Đương nhiên, nếu bạn đủ điều kiện về kinh tế thì chẳng có lý do gì mà bác sĩ không kê cho bạn những loại thuốc chất lượng cao từ các công ty dược đa quốc gia với tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt.

Cao Đẳng Y Dược Hà Nội  sưu tầm