Bài viết của một độc giả gửi về Báo Tuổi Trẻ online khiến chúng ta ít nhiều phải suy ngẫm. Bên cạnh những mặt tích cực thì ngành Y vẫn còn đó những tiêu cực. Nói như thế là để mỗi người tự ý thức được trách nhiệm, tự thay đổi để phù hợp, chuẩn mực hơn.
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”
Từ thuở học vỡ lòng, chúng ta đã được văng vẳng bên tay giọng nói ấm áp của thầy cô giáo “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Thế nhưng, do thời gian thay đổi hay do chính con người đổi thay mà ta vô tình quên đi ý nghĩa của việc chào hỏi trong cuộc sống, nhất là với những bệnh nhân. Bởi một cái nhìn cảm thông chia sẻ, một nụ cười tươi tắn,...có thể sẽ trở thành liều thuốc bổ vô cùng quý giá, giúp họ quên đi nỗi đau về thể xác của hiện tại, thêm tin yêu vào cuộc đời giông bão.
“Một sáng cuối tuần, tôi đến một bệnh viện ở Q.5, TP.HCM để hiến máu nhân đạo. Cứ ba tháng/lần tôi tới đây, nhưng hôm ấy tôi thấy kém vui so với những lần trước.
Phòng khám sàng lọc số 1 có hai bác sĩ: một nam, một nữ. Lúc tôi bước vào, cả hai người đều đang chăm chú bấm điện thoại. Tôi nghĩ do vắng bệnh nhân, họ tranh thủ liên lạc với người thân...
Đứng tần ngần giữa phòng hồi lâu vẫn không thấy ai ngước nhìn hoặc lên tiếng hỏi, tôi đến bàn của bác sĩ nữ ở gần hơn. Bác sĩ rất trẻ vẫn mải mê lướt điện thoại, tôi cất lời chào, bác sĩ chỉ tắt điện thoại, không trả lời. Tôi ngồi xuống ghế, và đơn tình nguyện hiến máu nhân đạo trên bàn.
"Xin đừng lặng im" (ảnh minh họa)
Xem đơn xong, bác sĩ cầm dụng cụ đo huyết áp giơ lên, ý nhắc tôi luồn cánh tay vào. Đo huyết áp xong tôi mới được nghe tiếng nói của bác sĩ. Cô hỏi tôi có muốn hiến máu với mức 350ml như những lần trước không? Tôi trả lời đồng ý, cô điền vào đơn của tôi, ký đóng dấu rồi để trên bàn, trước mặt tôi và lại... im lặng. Biết mình phải "tự hiểu", tôi đứng dậy xếp gọn ghế vừa ngồi, bác sĩ lại lấy điện thoại ra.
Tôi rời phòng khám, lòng buồn tênh. Nếu tôi là người đến đây lần đầu, không biết có được bác sĩ hướng dẫn? Đến đây nhiều lần, đương nhiên tôi biết sẽ sang phòng đối diện để hiến máu. Nhưng tôi vẫn muốn được nghe một câu nói thể hiện sự ân cần của bác sĩ.
Vào phòng hiến máu, tôi nhận được sự quan tâm chu đáo, tận tình và lễ phép của các kỹ thuật viên. Lúc nhận quà, tôi cũng được gặp nhân viên nữ vui vẻ, nhiệt tình, giao quà cho tôi bằng hai tay. Sau cùng, người tiễn tôi về với nụ cười thân thiện và lời cảm ơn chính là một chị đảm trách khâu vệ sinh. Điều khiến tôi được an ủi lại đến từ những nhân viên y tế, lao công.
Tôi nghĩ về quy định "4 xin" (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) của Bộ Y tế về quy tắc ứng xử của các nhân viên y tế với bệnh nhân và nghĩ bác sĩ nào cũng biết. Hôm đó tôi không phải là bệnh nhân, tôi đến để hiến máu.
Các y bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM tặng hoa cho các bệnh nhân dịp 8-3
Tôi không mong nhận lời cảm ơn, tôi chỉ muốn góp ý về thái độ khi đón tiếp người dân dù đến cơ sở y tế với bất cứ lý do gì. Điều người hiến máu quý nhất chính là sự niềm nở, nghệ thuật ứng xử của các nhân viên y tế vì nó sẽ có tác dụng khuyến khích nhiều người tìm đến để "Hiến giọt máu đào. Trao đời sự sống". Bởi lẽ ai cũng biết máu là dược phẩm vô giá.
"Người trong cuộc" từng đặt câu hỏi: "Với người đến hiến máu mà lạnh nhạt thì với bệnh nhân sẽ như thế nào?". Có không ít người bệnh thắc mắc về bệnh tình của mình mà không dám mở lời hỏi thêm với bác sĩ.
Có khi vì phòng khám quá đông, còn bao người chờ, nhưng nhiều khi vì thấy bác sĩ không nói, không cười nên không dám hỏi. Lại có khi bác sĩ trả lời ngắn gọn quá, không hiểu cũng không dám hỏi thêm.
Bác sĩ ơi! Đừng quá kiệm lời! Mỗi ánh mắt, lời nói, nụ cười lương y là liều thuốc quý với bệnh nhân, điều này các bác sĩ chắc hiểu hơn ai hết. Tôi mong ai cũng nhận được những nụ cười và lời ân cần của bác sĩ”.
Tất nhiên, hiện có không ít bác sĩ không chỉ thực hiện tốt công tác chuyên môn mà còn nhưng những chuyên gia tâm lý, được nhiều người bệnh yêu mến. Ngoài việc điều trị, họ còn liên hệ lại để hỏi thăm, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để sức khỏe phục hồi nhanh. Có những vị cứu người quên mình, đến lúc nạn nhân khỏi thì bản thân bị ngất xỉu; có những vị không sợ hai từ "trách nhiệm" mà sẵn sàng ra lệnh phẫu thuật cho nạn nhân dù họ không có đủ điều kiện về kinh tế:"cứu người trước đã, tính sau",...Rất nhiều nữa! Khó có thể kể hết!