Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Xuất hiện ổ dịch bệnh Bạch Hầu thứ 2 ở Đắc Nông


Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông vừa ghi nhận trên địa bàn xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long có hai trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có một trẻ 9 tuổi tử vong.

Bệnh nhân tử vong là Sùng Thị H, 9 tuổi, ngụ xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long. Ngày 19/6, bệnh nhân H được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở… Bệnh nhân sau đó tiếp tục chuyển biến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Đến sáng 20/6, bệnh nhân H tử vong. Nguyên nhân được kết luận là “Bạch hầu ác tính biến chứng tim”.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, sau khi nhận thông tin có ca bệnh Bạch hầu tại xã Quảng Hòa, đơn vị đã triển khai ngay lập tức các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Bệnh nhân tử vong đã được thực hiện mai táng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bệnh nhân thứ hai là Ma Văn T., 9 tuổi, là hàng xóm và có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân H. Bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để điều trị và hiện sức khỏe đã tương đối ổn định.

Ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh để lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp tiếp xúc với 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn Bạch hầu để gửi đi xét nghiệm; tiến hành khử khuẩn 100% các hộ gia đình tại đội 2 (xã Quảng Hòa), tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn và Trạm Y tế xã. Đồng thời, ngành y tế tỉnh đã tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiếp nhận, chuẩn bị tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh Bạch hầu cho nhóm đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi.

Đây là ổ dịch bệnh bạch hầu thứ 2 tại tỉnh Đắk Nông được phát hiện. Trước đó, theo báo cáo ngày 14/6/2020 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, 4 trường hợp bệnh nhân tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) cũng đã dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Đến nay, sức khỏe các bệnh nhân đều đã ổn định và dịch bệnh tại đây cơ bản đã được kiểm soát.

Các chuyên gia y tế cho biết bệnh bạch hầu có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, mọi người nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ cần hết sức lưu ý các dấu hiệu nhận biết sớm cũng như cách phòng chống căn bệnh này.

Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh bạch hầu

Khi mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân thường có một số dấu hiệu như sau:

- Sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng, chán ăn.

- Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi.

- Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực.

- Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen.

Tuỳ từng vị trí vi khuẩn phát sinh mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau:

- Bạch hầu mũi: Thường bắt đầu bằng chảy nước mũi nhẹ một hoặc hai bên, kéo dài mấy ngày liền, có khi nước mũi lẫn máu làm loét môi và có mùi hôi. Triệu chứng toàn thân có thể nhẹ nhưng vẫn có thể hình thành một màng ở vách mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn bú.

- Bạch hầu họng: Trẻ đột ngột đau họng, nhức đầu và khó chịu, đồng thời mạch quá nhanh so với tình trạng sốt nhẹ. Khám họng có thể dễ dàng nhìn thấy màng giả màu trắng xám ở họng. Nếu bóc lớp màng này sẽ gây chảy máu (đó chính là một đặc điểm của màng giả bạch hầu).

- Bạch hầu thanh quản: Thường do bạch hầu họng lan xuống, bệnh gặp ở trẻ còn bú. Triệu chứng bắt đầu là tiếng ho khàn, rồi thở rít, co kéo hõm ức, vẻ mặt sợ hãi. Dấu hiệu khó thở ngày càng tăng, nếu không xử lý kịp có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả.

Cách phòng chống bệnh bạch hầu

Những người chưa tiêm phòng vacxin, người có sức đề kháng kém dù đã tiêm phòng vacxin... khi tiếp xúc với mầm bệnh vẫn có thể mắc bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.