Bé gái 9 tuổi, học lớp 3 ở huyện Vĩnh Linh, dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Đây là ca bạch hầu đầu tiên ở Quảng Trị.
Chiều 21/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị ghi nhận ca bạch hầu đầu tiên, chưa tìm ra nguồn lây truyền bệnh. Bé học lớp 3, trú xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh, khởi bệnh ngày 10/7 với các triệu chứng sốt, tiêu chảy, ho, được người nhà đưa đến phòng khám tư. Ngày 15/7, bé được đưa vào Trung tâm y tế huyện Vĩnh Linh do sốt, ho, đau rát họng, họng có nhiều giả mạc trắng và dính ở hai hóc amidan.
Ngày 20/7, bệnh nhân không còn sốt, ho nhẹ, họng có giả mạc.
Điều tra dịch tễ cho thấy một tháng trước khi khởi bệnh, bệnh nhân không đi khỏi địa phương, gia đình và khu vực sống không có người mắc bạch hầu. Khoảng 20 ngày trước đó, mẹ bé đến xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nhưng tại đây không ghi nhận dịch bạch hầu.
26 người tiếp xúc với bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc bạch hầu, theo dõi sức khỏe. Những người này cũng được hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu bạch hầu, cách phòng chống. Nhân viên y tế phun thuốc clo 0,5% tại nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh để khử khuẩn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị nhận định bệnh nhi tiếp xúc với nhiều người nên có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Ngoài ra phong tục người thiểu số sinh hoạt cùng nhau, các biện pháp vệ sinh còn hạn chế nên bệnh dễ lây lan rộng. Trung tâm lên kế hoạch tiêm chủng vacxin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em từ hai tháng đến 48 tháng tuổi ở xã Vĩnh Hà.
Ngoài Quảng Trị, bốn tỉnh Tây Nguyên từ đầu năm đến nay ghi nhận 98 ca dương tính bạch hầu, trong đó 3 người tử vong. Hiện Gia Lai ghi nhận 24 ca, Kon Tum 27, Đăk Lăk 17, Đăk Nông 30 ca. Trước đó TP HCM xuất hiện một ca. Quảng Trị là tỉnh thành thứ 6 ghi nhận bạch hầu, trong năm nay, và là tỉnh đầu tiên ở miền Trung xuất hiện ca nhiễm.
Cao đẳng Y Hà Nội tổng hợp