Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân như thế nào hiệu quả?


Quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân rất phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì và chuẩn xác đến tuyệt đối. Chỉ cần một chút sơ suất nhỏ, cũng có thể khiến đôi chân của bệnh nhân khó có thể khôi phục được khả năng vận động như mong muốn.

Gãy xương cẳng chân là một chấn thương nghiêm trọng, thường xuất phát từ nguyên nhân tai nạn giao thông, va chạm khi chơi thể thao hoặc tai nạn lao động… Sau khi áp dụng các biện pháp can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật nẹp đinh kết hợp xương, bó bột, đa số bệnh nhân sẽ phải chịu ảnh hưởng về khả năng vận động ở các mức độ khác nhau. Để sớm có thể trở lại sinh hoạt bình thường, đồng thời tránh các biến chứng nghiêm trọng về sau, người bệnh cần nghiêm túc thực hiện quy trình phục hồi chức năng.

Thận trọng khi bị gãy xương cẳng chân

Chân là một bộ phận quan trọng trên cơ thể người. Gãy xương cẳng chân gây nên những tổn thương rất đa dạng và phức tạp. Không chỉ xương mà các cơ, gân, dây chằng và phần mềm… cũng bị tổn thương theo. Tùy mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân mổ kết hợp xương bằng nẹp, đinh trong xương rồi khâu lại phần mềm bị rách, dập hoặc bó bột bên ngoài.

phuc-hoi-chuc-nang-sau-gay-xuong-cang-chan1
Bệnh nhân gãy xương cẳng chân sẽ được bó bột hoặc phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp, đinh

Khi bị gãy xương cẳng chân, nếu không được điều trị tốt, bệnh nhân có thể bị suy giảm, thậm chí mất hoàn toàn khả năng vận động, đi lại. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh. Có những trường hợp bệnh nhân do quá đau đớn nên càng lười vận động, dẫn tới tình trạng loét khu vực tổn thương do tì đè lâu ngày. Nghiêm trọng hơn còn có những ca bị nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm trùng, đe dọa tới cả tính mạng.

Do đó, khi không may bị gãy xương cẳng chân (cũng như xương ở mọi bộ phận khác), cần nhanh chóng thực hiện sơ cứu đúng kỹ thuật và đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Sau khi đã bó bột hoặc phẫu thuật xong, bệnh nhân cần tiếp tục kiên trì tập luyện phục hồi chức năng để khôi phục và bảo vệ tốt nhất khả năng vận động.

Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân và những điều cần biết

1. Mục đích thực hiện phục hồi chức năng cho người bị gãy xương cẳng chân

- Tạo điều kiện thuật lợi nhất cho tiến trình liền xương cũng như các tổ chức phần mềm xung quanh khu vực bị tổn thương.

- Giảm đau, hạn chế sưng tấy, ổn định tuần hoàn máu đến chi, chống dính khớp và ngăn ngừa hội chứng Sudeck.

- Ngừa teo cơ và duy trì tầm vận động khớp cho chân.

- Khôi phục chức năng hoạt động cho chân của bệnh nhân sau một thời gian bất động để điều trị.

2. Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân bằng phương pháp nào?

Mỗi trường hợp khác nhau sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau, tùy vào mức độ chấn thương của từng bệnh nhân. Đa số đều cần kết hợp nhiều liệu pháp để tối đa hóa hiệu quả điều trị.

- Phương pháp phục hồi chức năng bằng tác động nhiệt:

Gồm có chườm lạnh và chườm nóng. Trong đó, chườm lạnh áp dụng cho chấn thường vừa xảy ra và chấn thương vẫn còn sưng, nóng. Mục đích của việc chườm lạnh là giảm đau, giảm sưng nề, hạn chế tình trạng co cứng cơ, gây khó chịu cho người bệnh. Chườm nóng trước và trong quá trình tập luyện nhằm làm mềm các tổ chức mô, đẩy mạnh tuần hoàn máu đến các chi, giúp thúc đẩy sự hồi phục khả năng vận động.

- Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân bằng cách tập đi:

phuc-hoi-chuc-nang-sau-gay-xuong-cang-chan3
Bệnh nhân gãy chân cần tập luyện để khôi phục khả năng đi lại

Những bệnh nhân bị gãy chân sẽ phải nằm yên một chỗ suốt thời gian dài, khiến khả năng hoạt động của chân bị suy giảm hoặc mất tạm thời.

Do đó, sau khi đã hoàn thành bước điều trị đầu tiên (bó bột hoặc phẫu thuật), xương đã bắt đầu liền lại thì bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập đi lại hàng ngày với cường độ tăng dần. Trong quá trình tập luyện có thể sử dụng công cụ hỗ trợ như nạng, máy tập đi, hoặc có người dìu, đỡ…

- Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân bằng cách tập vận động khớp:

Bất động quá lâu sẽ khiến khớp bị cứng do, bao khớp co rút, sụn mỏng đi và bao hoạt dịch tăng sản mỡ. Do đó, bệnh nhân cần chú ý thực hiện các bài tập cử động khớp, nhằm kích thích tiết dịch, tăng cường nuôi dưỡng khớp để làm dày lớp sụn, giúp giảm đau đơn khi đi lại.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được kết hợp nhiều phương pháp khác như massage, châm cứu, bấm huyệt, tập các bài duy trì sức cơ và tập luyện các động tác sinh hoạt thường ngày, như đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang…

Những điều cần đặc biệt lưu ý khi phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Để tối ưu hóa hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Đồng thời lưu ý một số vấn đề sau:

- Thời gian đầu mới tập luyện sẽ rất đau đớn. Hãy cố gắng vượt qua giai đoạn này, cảm giác đau sẽ giảm dần và cần thiết cho quá trình hồi phục của bạn.

- Bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, thời gian ngắn để cơ thể co thời gian thích nghi, làm quen. Không nên vội vàng mà gây nên hiện tượng quá tải cho chân và các khớp.

- Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, lạnh mạnh. Không uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích khác.

- Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, không nản chí. Bởi phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân là một chặng đường dài. Bệnh nhân có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm để lấy lại khả năng vận động bình thường của đôi chân.

Trên thực tế, không chỉ gãy xương cẳng chân mà con người còn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ gây mất hoặc giảm chức năng vận động khác. Bất kể nguyên nhân là gì thì phục hồi chức năng vẫn là giải pháp tốt nhất giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Đó cũng là lý do mà nhân sự ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng ngày càng được quan tâm hơn trên thị trường tuyển dụng lao động.

Các thí sinh quan tâm đến ngành này có thể nộp hồ sơ xét tuyển Cao đẳng Kỹ thuật phục hồi chức năng của trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngay từ hôm nay nhé.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch:

Hotline: 096.153.9898 - 093.156.9898

Email: [email protected]./.