Kết quả chụp CT phổi lần hai "bệnh nhân 91" cho thấy phần phổi hồi phục khoảng 20-30%. Trước đó một tuần chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chiều 19/5 cho biết Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế đã hội chẩn, xác định phổi bệnh nhân phi công Anh hồi phục khá hơn. Tuy nhiên phương án ghép phổi vẫn được chuẩn bị nếu quá trình phục hồi phổi không tiến triển thêm.
"Với 20-30% vùng phổi hoạt động, bệnh nhân vẫn phải lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống ECMO", bác sĩ Châu nói. Bệnh nhân đã âm tính nCoV 12 ngày liên tiếp.
Hiện bệnh nhân nằm yên, sử dụng thuốc an thần, thỉnh thoảng có kích thích nhẹ. Siêu âm phổi phải cho thấy xẹp thùy giữa dưới, không tràn khí. Phổi trái hết xẹp.
Bệnh nhân tiếp tục duy trì thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 26, can thiệp ECMO ngày thứ 44, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm.
Lần chụp CT đầu tiên hôm 12/5 thấy tình trạng xơ hóa đông đặc toàn bộ hai phổi, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong nếu rời máy hỗ trợ sự sống. Vì vậy Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù mới 43 tuổi và không bệnh nền. Phổi đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bộ Y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, ngụ ở TP HCM, từng tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.
Trường Cao Đẳng Y Dược Hà Nội tổng hợp