Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Lương bác sĩ cực kì thấp, tiền đâu mua được nhà lầu xe hơi?


Mức lương thực lãnh của các bác sĩ thấp nhưng thu nhập của họ có thể không giới hạn, đủ để mua sắm nhà lầu, xe hơi? Vậy nguồn thu này là từ đâu? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Lương bác sĩ thấp, đãi ngộ chưa xứng đáng

Nếu làm tại các bệnh viện nhà nước thì mức lương của bác sĩ được nhận theo quy định chung, theo trình độ và theo số năm thâm niên. Con số này mang tính bình quân, cào bằng, không theo năng suất và hiệu quả công việc; nghĩa là làm tốt, khám nhiều bệnh nhân cũng bằng những bác sĩ thiếu chuyên môn, khám ít người. Ngành Y đứng thứ 17 trong tổng 18 ngành áp dụng trả lương theo hệ số cứng nhắc.

Lương bác sĩ

Nhìn vào bảng lương bác sĩ, suy ngẫm về nghề Y

Một bác sĩ tiết lộ, mặc dù đã có 18 năm kinh nghiệm nhưng lương của mình chỉ được 6 triệu đồng/ tháng sau khi cộng tất cả các khoản phụ cấp, tiền trực,…Quả thực mức lương của họ thậm chí chưa bằng công nhân, bình quân khoảng từ 8 – 9 triệu đồng. Nói đến đây chắc có lẽ không ít người sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao vẫn có bác sĩ giàu, tại sao bác sĩ có thể mua nhà lầu xe hơi và…tại sao số lượng thí sinh đăng kí vào ngành này ngày một gia tăng?

Thu nhập “không giới hạn” của bác sĩ từ đâu?

Mức lương đó chưa đủ cho bản thân chứ đừng nói đến gia đình. Nếu chỉ trông chờ vào đồng tiền hạn hẹp đó thì có lẽ đi hết đời cũng không mua nổi một căn nhà bình thường chứ đừng nói đến những căn hộ hay xe hơi hạng sang.

Rõ ràng ai mà chẳng muốn mình có một cuộc sống an nhàn, sung túc nhưng điều đó mãi mãi chỉ là giấc mơ với bác sĩ khi “lương chưa về mà tiền tiêu đã hết”. Đa số các nhân viên Y tế đều không biết làm gì còn một số ít bác sĩ có năng lực thực sự thì sẵn sàng lăn xả, hy sinh tất cả để có cuộc sống đủ đầy hơn, đó là đi trực, làm thêm ngoài giờ. Rời cơ quan, họ lao vào khám bệnh tại các phòng tư đến 9 – 10h đêm mới về, lịch trình kín mít cả ngày thứ bảy, chủ nhật, thậm chí cả các ngày lễ tết. Một tuần làm việc lên đến 90 giờ trong khi khuyến cáo là 40 giờ. Ngôi nhà của mình dường như chỉ là chốn để ngủ qua đêm, con cái thì phó mặc cho nhà trường, xã hội, người giúp việc,...Làm nhiều cùng với kỹ năng chuyên môn tốt nên một số bác sĩ có thu nhập cao hơn hẳn, sống thoải mái hơn là chuyện bình thường, họ xứng đáng được nhận như thế.

lương bác sĩBác sĩ phải vắt kiệt sức lao động để nuôi sống bản thân, gia đình

Mặc dù những gì các bác sĩ làm đều được cho phép, được khuyến khích nhưng họ phải trả giá rất đắt. Liệu gia đình họ có bền vững, con cái họ có nên người, sức khỏe của họ sẽ thế nào khi mà họ vắt kiệt sức, tự bóc lột sức mình để đánh đổi với vật chất dẫu họ biết thừa tiền không thể mua được sức khỏe cũng chẳng thể mua được hạnh phúc? Chưa kể, một khi không có thời gian để cập nhật kiến thức thì chuyên môn ắt sẽ tụt hậu,…

Một số bác sĩ có thể có thêm nguồn thu từ những chiếc phong bì, ở nông thôn vài chục, ở thành phố vài trăm, hiếm lắm thì có tiền triệu. Tuy nhiên, con số này rất ít, nhất là những bệnh nhân không phải phẫu thuật thì càng không có. Và không phải ai cũng nhận phong bì của bệnh nhân, kể cả những phong bì cảm ơn được phép nhận sau điều trị. Vì đa phần các bác sĩ đều ý thức được rằng bệnh nhân đến viện đã là khốn cùng và một phần vì lòng tự trọng của họ đang bị xúc phạm, đang bị xã hội và truyền thông làm tổn thương ghê gớm. Những ai làm lợi cho riêng mình thì đến lúc nào đó sẽ tự đào thải khỏi môi trường làm việc. Y học liên quan đến tính mạng nên có những quy tắc nghề nghiệp chặt chẽ, không cho phép những nhân tố xấu hiên ngang tồn tại và làm mất danh dự của toàn ngành.

Chúng ta chỉ nhìn vào bề nổi mà không nhìn vào phần “chìm”, có bao giờ chúng ta thấu hiểu hoàn cảnh các bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ vì bệnh nhân và vì no cơm ấm áo hay chưa? Hay cũng chỉ là những “anh hùng phàn phím” hay theo phong trào để rồi làm vấy bẩn thanh danh của ngành Y.

Nguồn: caodangykhoaphamngocthach