Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Hưng Yên: Ngộ độc thuốc chuột nặng vì tưởng nhầm là ngũ cốc


Tưởng thuốc chuột là ngũ cốc dạng bột, người đàn ông 59 tuổi ở Hưng Yên sử dụng rồi nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới, biểu hiện bệnh khác hoàn toàn so với ngộ độc thuốc diệt chuột trước đây.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam 59 tuổi, ở Hưng Yên. Người nhà cho biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân uống 6 gói thuốc diệt chuột dạng bột do nhầm tưởng là ngũ cốc. Tại bệnh viện, người đàn ông được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột kháng vitamin K, nhập viện trong tình trạng rất nặng, rối loạn đông máu và tiếp tục được sử dụng thuốc giải độc.

Trước đó, người này đã điều trị 3 ngày ở tuyến dưới nhưng không tiến triển.

Trường hợp thứ hai cũng là bệnh nhân nam, 39 tuổi, ở Hà Nội, có tiền sử rối loạn tâm thần. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nôn khan, vẫn tỉnh táo, không co giật.

Người nhà cho hay, trước đó bệnh nhân đã uống 4 viên thuốc diệt chuột Storm (giống viên kẹo màu xanh nước biển).

Theo bác sĩ Nguyên, các thuốc diệt chuột thế hệ cũ cách đây 10-20 năm, hầu hết nhập lậu từ Trung Quốc, gây co giật, hôn mê, loạn nhịp tim, đã bị cấm và ít xuất hiện trở lại. Ngày nay xuất hiện các loại thuốc thế hệ mới gây chảy máu do kháng vitamin K.

Khi vào cơ thể, chất độc diễn biến âm thầm trong 3 ngày đầu, bên ngoài biểu hiện bình thường nhưng sau thời điểm này xuất hiện các dấu hiệu chảy máu ở răng, mũi, da, tiêu hóa... Có những người chỉ chảy máu nặng khi sau chấn thương, va chạm, sau các thủ thuật tác động qua da khi đi khám chữa bệnh (tiêm, chọc, tán sỏi...). Bệnh nhân vì nhiều lý do không khai thật đã uống thuốc diệt chuột nên bác sĩ dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác.

Các thuốc diệt chuột thế hệ mới rất phong phú, đa dạng về hình thức, chủng loại, màu sắc. Có dạng viên giống viên kẹo màu xanh, hồng, đỏ, trắng, có dạng dung dịch giống siro hay dạng bột... Việc sử dụng không an toàn, tràn lan, lạm dụng để nghĩ quẩn... rất dễ gây ngộ độc và tử vong.

Cao đẳng Dược HN tổng hợp