Sử dụng thực phẩm chức năng thay vì tập luyện hay ăn uống khoa học, đó là một trong những sai lầm chết người phổ biến nhất mà chúng ta thường mắc phải.
Ung thư có rất nhiều dạng: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư vòm họng,…Từ một tế bào bị ung thư nó bắt đầu di căn sang các bộ phận khác rất nguy hiểm. Đây là loại bệnh lý nghiêm trọng hiện nay chưa có phương pháp nào để điều trị dứt điểm. Vì vậy, con người cần có ý thức trong việc phòng ngừa bệnh tật, đúng như tâm lý “có kiêng có lành”. Tuy nhiên, chúng ta lại mắc những sai lầm không đáng có.
Giám đốc BV K chỉ ra những sai lầm khi phòng bệnh ung thư
Tập luyện không toát mồ hôi thì không có hiệu quả
Rất nhiều người ý thức được tầm quan trọng của việc thể dục thể thao, cũng đeo dày đi bộ như bao người. Thế nhưng, giám đốc bệnh viện K cho rằng nếu cứ đi bộ 30 phút một cách lững thững thì chắc chắn sẽ không có kết quả, tập luyện phải toát được mồ hôi thì mới có tác dụng. Ngay cả khi bạn tập thể dục với mục đích cải thiện làn da cũng cần tập sao để có mồ hôi càng nhiều càng tốt vì lúc đấy da mới thải độc được ra ngoài qua tuyến mồ hôi.
Vị giám đốc nói rằng làm việc gì cũng cần thời gian nhiều thế thì tại sao lại nóng lòng trong việc phòng chống ung thư? Quá trình phòng ngừa bệnh tật phải diễn ra liên tục, không chỉ cho mình mà phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục về nguyên nhân, biện pháp đề phòng,…cho người khác để họ có đầy đủ kiến thức, chủ động trong việc phòng tránh.
“Ví dụ để phòng bệnh ung thư gan thì con người cần tiêm phòng vắc xin kháng viêm gan B càng sớm càng tốt hoặc để phòng bệnh ung thư cổ tử cung thì nên tiêm vắc xin phòng HPV. Tiêm vắc xin phòng bệnh từ bây giờ nhưng phải mất đến 10 hay 20 năm nữa mới thấy được kết quả.
Bên cạnh việc tập luyện, những thói quen xấu có lẽ ai cũng biết có hại nhưng chưa từ bỏ đó là: hút thuốc lá, ăn dưa muối nhiều,… Theo báo cáo, số ca mắc bệnh ung thư do thuốc lá chiếm đến 30%. Còn theo GS Thuấn, trong dưa muối quá chua hoặc quá lâu có chứa nitrosamine gây ung thư vòm họng, ung thư cổ, còn trong gạo mốc thì chứa rất nhiều chất aflatoxin gây ra bệnh ung thư gan...
Vì vậy, việc làm quan trọng trước tiên là phải từ bỏ hút thuốc lá. Điều đó không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn mà là cho người thân và toàn thể cộng đồng. Rất nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ đang mang thai mắc ung thư phổi vì hít phải khói thuốc lá công cộng. Thứ hai là có chế độ ăn uống khoa học, nên ăn chín uống sôi, không được ăn những thực phẩm ôi thiu hay dưa muối quá nhiều; nên giảm lượng đạm, tăng hàm lượng chất xơ và vitamin từ các loại rau xanh.
Bên cạnh đó, hãy lên kế hoạch tập thể dục thường xuyên, đều đặn, đủ cường độ và đúng lộ trình. Bạn có thể tập ngày cách ngày, mỗi ngày tập ít nhất từ 30 phút và cần nhớ phải tập đến khi toát mồ hôi mới đủ cường độ chứ nếu đi lươn khươn thì không có kết quả dù đó là phòng ngừa các bệnh thông thường.
Có một thực tế đáng buồn, rất nhiều người sẵn sàng chi “tiền tỷ” đặt mua những loại thực phẩm chức năng, sâm, nấm,… được quảng cáo có tác dụng bổ dưỡng về sử dụng hằng ngày với mong muốn có thể ngăn chặn được bệnh ung thư. Thế nhưng họ lại không quan tâm đến những phương pháp tự nhiên rất hiệu quả mà hoàn toàn vô hại như bỏ thuốc lá, thể dục thể thao.
Nên khám định kỳ hằng năm
Người Việt thường có thói quen đến lúc ốm “liệt giường” mới đến bệnh viện. Những lúc như thế thì bệnh đã nặng và rất khó chữa trị, nhất là những bệnh nhân bị ung thư càng đến viện muộn thì việc điều trị càng khó khăn. Vì vậy sàng lọc, phát hiện bệnh sớm là điều rất cần thiết.
Tình hình bệnh ung thư ở nước ta so với các nước khác trên thế giới
Vị giám đốc bệnh viện K khẳng định bệnh ung thư thực sự không đáng sợ như mình tưởng vì nó có thể điều trị nếu phát hiện sớm, chữa đúng cách. Tại các nước tiên tiến, cơ quan Y tế khuyến cáo người dân thực hiện việc khám sức khỏe tổng quát định kì từ 1 - 2 lần/ năm để kiểm tra về tình hình bệnh tật. Những trường hợp dễ mắc ung thư thì càng cần tiến hành thường xuyên hơn.
Bệnh ung thư đang là nỗi lo và là gánh nặng của toàn thể nhân loại. Tại các nước phát triển thì tỷ lệ các ca mắc bệnh ung thư, tim mạch,...những bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng. Việt Nam tuy là quốc gia đang phát triển nhưng tỷ lệ này cũng xếp vào top cao so với các nước trên thế giới.
Bằng chứng mà giáo sư Thuấn đưa ra là có đến 68.000 ca mới mắc bệnh ung thư ở Việt Nam vào năm 2000 nhưng đến năm 2012 đã tăng lên đến 116000 ca và đến năm 2018 đã lên đến 165.000 ca; còn số ca tử vong thì lên đến 115.000 ca vào năm 2018, cứ 100000 người dân thì có 154,4 người mắc ung thư.
Việt Nam đứng thứ 99/185 quốc gia có người mắc bệnh ung thư. Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư ở Việt Nam không quá cao nhưng điều đáng nói là tỷ lệ tử vong lớn và có xu hướng ngày càng gia tăng. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này chính là do những sai lầm trong công tác phòng ngừa ung thư.