Dịch Covid-19 lan nhanh, nhiều F2 ở Hà Nội trở thành F0

02/03/2021 Người đăng : Nhâm PT

"Tình hình lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng ở Hà Nội diễn ra nhanh hơn, từ F1 trở thành F0, F2 cũng trở thành F0", Phó giám đốc Sở Y tế nhận định.

"Xét nghiệm đang bị ùn tắc và sẽ trở thành vấn đề nan giải của Hà Nội trong thời gian tới". "Thành phố đang cố gắng truy vết thật nhanh để đưa tất cả F1 vào khu cách ly tập trung".

Nhiều vấn đề nóng của thành phố trong việc chống dịch đã được thông tin trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và UBND TP. Hà Nội vào chiều 1/2.

Dịch tễ rõ ràng nhưng virus lây rất nhanh

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay từ 27/1, sau khi xuất hiện 2 ổ dịch, Hà Nội hiện có 19 ca dương tính, trong đó, một ca liên quan Quảng Ninh, số còn lại liên quan Hải Dương.

"Tất cả trường hợp này đều rõ về dịch tễ. Đặc biệt, các ca xuất hiện rất nhanh. Từ khi tiếp xúc đến khi khởi phát cũng rất nhanh, tình hình lây thứ phát trong cộng đồng cũng nhanh hơn, từ F1 trở thành F0, F2 cũng trở thành F0", ông Hạnh nhận định.

Để dập dịch, Hà Nội đã truy vết 412 F1, tất cả được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển đi cách ly tập trung. Ngoài ra, 2.508 trường hợp là F2 được theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong số các F1, 368 mẫu âm tính lần 1 và 46 mẫu chưa có kết quả.

Khoanh vùng mức độ nhỏ nhất nhưng an toàn nhất

Về các biện pháp để chống dịch Covid-19, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết có 3 yếu tố quan trọng cần được triển khai đó là truy vết, cách ly và xét nghiệm.

Trong đó, ông Hạnh cho biết thành phố xác định truy vết là vấn đề hàng đầu. Việc truy vết rất phức tạp, đặc biệt là BN1694. Người này có lịch trình di chuyển rất phức tạp khiến việc truy vết F1 khó khăn.

Tuy nhiên, điều thuận lợi là các đơn vị đã phối hợp và thông tin nhanh, kết hợp truy vết thủ công đến tận nhà, gọi điện từ tổ đáp ứng nhanh, quay lại tiếp tục truy vết...

"Hiện Hà Nội cố gắng truy vết thật nhanh, tất cả F1 đều được đưa vào khu cách ly của quân đội", ông Hạnh khẳng định.

Về vấn đề cách ly, ông Hạnh thông tin F1 ở tại khu tập trung của quân đội, F2 tại nhà.

Riêng các học sinh là trường hợp đặc biệt được cách ly tại trường Tiểu học Xuân Phương. UBND quận họp và quyết định thành lập khu cách ly tập trung ngay tại trường vì các cháu nhỏ bắt buộc cần thêm cha mẹ ở cùng. Đến nay, 116 học sinh âm tính với SARS-CoV-2. Riêng F2 cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tất cả khu vực có bệnh nhân dương tính sẽ được cách ly. "Chúng ta sẽ khoanh vùng ở mức độ nhỏ nhất nhưng an toàn nhất, phù hợp tình hình dịch tễ nhưng không khoanh vùng quá rộng", ông nói. Đại diện Sở Y tế kiến nghị bộ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn và xét nghiệm cho thành phố trong thời gian tới.

Xét nghiệm gặp khó khăn

Về việc xét nghiệm, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết từ đầu dịch đến nay, thành phố có khoảng 135.000 mẫu cần xét nghiệm rRT-PCR. Hiện tại, cơ quan chức năng tìm thấy khoảng 15.000 người từ vùng dịch về cần được sàng lọc SARS-CoV-2.

"Số mẫu xét nghiệm rất cao nên khó khăn. Ưu tiên hiện nay là làm xét nghiệm trước cho các trường hợp F1 và có sự ùn tắc ở khâu này. Sắp tới, đây sẽ là vấn đề nan giải", ông Hạnh nhận định.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đề nghị Hà Nội cần nâng cao năng lực xét nghiệm để đảm đương công việc này bởi Bộ Y tế đang phải chia quân nhiều nơi.

Sáng nay (1/2), Bộ Y tế đã chỉ đạo giao 12 đơn vị hỗ trợ Hà Nội làm xét nghiệm như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng.

Về cơ sở chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, Hà Nội hiện có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Số lượng bệnh nhân tại đây bắt đầu tăng dần. Ngoài ra, những người chuyển biến nặng ở các tỉnh, thành khác cũng được chuyển về đây.

Tính đến 12h trưa 1/2, Hà Nội đã ghi nhận 19 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, Hai Bà Trưng (1), Cầu Giấy (2), Nam Từ Liêm (10), Đông Anh (2), Mê Linh (4). Hầu hết bệnh nhân liên quan ổ dịch Hải Dương.

Trong số này, BN1694 (nam, 40 tuổi) là công nhân của nhà máy Z153, Cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, ở thị trấn Đông Anh, có tiền sử dịch tễ phức tạp và đã lây nhiễm cho nhiều người (8 trường hợp). 4 người khác là F1 của các trường hợp này cũng vừa được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Nguồn: Zingnews

Theo Cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp

 

 

tin cùng chuyên mục
Những ai phù hợp học ngành Điều dưỡng? Những ai phù hợp học ngành Điều dưỡng? Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù về công việc khác nhau nhất là những ngành liên quan đến sức khỏe con người. Người học cần xác định rõ ràng xem mình có phù hợp để theo đuổi ngành đó không. Vậy những ai phù hợp học ngành Điều dưỡng? Có phải cứ đau bụng là dùng thuốc Alverin? Có phải cứ đau bụng là dùng thuốc Alverin? Alverin là một loại thuốc được sử dụng mỗi khi người bệnh lên cơn đau thắt dạ dày hay các triệu chứng đau bụng khác. Tuy nhiên sử dụng thuốc Alverin như thế nào mới đúng cách? Cần đề phòng những tác phụ nào khi dùng thuốc? Thuốc Decolsin được sử dụng để điều trị bệnh gì? Thuốc Decolsin được sử dụng để điều trị bệnh gì? Dược sĩ cho biết thuốc Decolsin được sử dụng để điều trị các triệu chứng như ho, sốt, cảm cúm, cảm lạnh, đau vai, đau khớp, chảy nước mắt, nước mũi, dị ứng, sốc phản vệ, đau bụng kinh Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc là gì? Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc là gì? Viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu thường gặp ở tất cả các lứa tuổi. Biểu hiện bằng tình trạng ngứa ngáy, phát ban, nổi mụn nước. Người bệnh cần được điều trị sớm để tránh tình trạng bị nặng khó chữa. Nguyên nhân và triệu chứng của viêm tụy cấp Nguyên nhân và triệu chứng của viêm tụy cấp Viêm tụy cấp là tình trạng dịch tuyến tụy chạy vào trong ổ bụng đột ngột trong một thời gian ngắn dẫn đến tổn thương tế bào nang tuyến thường có liên quan đến các bệnh lý khác nhau. Dưới đây là các nguyên nhân và triệu chứng của viêm tụy cấp.