Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Công dụng của B12 là gì?


Vitamin B12 (viết tắt là B12) đã được biết đến từ lâu, là một loại vitamin rất cần thiết cho sức khỏe của mỗi người. Vậy công dụng của B12 là gì?.

Vitamin B12 hay còn được biết dưới tên gọi cobalamin, là một vitamin tan trong nước, cơ thể sử dụng để tạo DNA và tạo ra các tế bào hồng cầu mới, cũng như sản xuất năng lượng. Cơ thể của chúng ta không tự sản xuất được loại vitamin này mà trong các loại thực phẩm từ động vật hoặc trong viên uống tổng hợp. Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng thiết yếu được hấp thụ trong dạ dày với sự trợ giúp của một loại protein gọi là yếu tố nội tại. Vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và trí nhớ, là công cụ giúp não và hệ thần kinh của hoạt động tốt

Những đối tượng dễ bị thiếu vitamin B12

Những đối tượng dễ bị thiếu vitamin đó là:

  • Người lớn tuổi.
  • Chế độ ăn chay trường.
  • Người mắc bệnh tiểu đường có sử dụng metformin.
  • Sử dụng thuốc ức chế tiết axit điều trị trào ngược dạ dày.
  • Mắc bệnh lý đường ruột.
  • Người đã phẫu thuật dạ dày ruột non.

Vitamin B12 chỉ tìm thấy trong thức ăn từ động vật. Các đối tượng thiếu vitamin b12 có thể bổ sung qua thực phẩm. Đồng thời bổ sung qua viên uống hoặc thuốc tiêm khi cần thiết.

vitamin-b12-chi-tim-thay-trong-thuc-an-tu-dong-vat

Vitamin B12 chỉ tìm thấy trong thức ăn từ động vật

Triệu chứng thiếu vitamin B12

Các triệu chứng thiếu vitamin B12 như:

  • Mệt mỏi mãn tính
  • Yếu đuối, mệt mỏi, hay choáng váng
  • Tim đập nhanh và khó thở
  • Mất tập trung, trí nhớ kém, mất phương hướng
  • Ngứa hoặc tê ở tứ chi, thường xuyên thay đổi tâm trạng, mất ngủ.
  • Táo bón, tiêu chảy, chán ăn hoặc đầy hơi
  • Da nhợt nhạt
  • Lưỡi nhợt nhạt
  • Mất thị lực
  • Các vấn đề tâm thần như trầm cảm, mất trí nhớ hoặc thay đổi hành vi.

Thiếu vitamin B12 nguyên nhân do đâu?

Việc thiếu vitamin B12 có thể do một số bệnh như:

  • Viêm teo dạ dày, trong đó niêm mạc dạ dày mỏng dần đi
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như bệnh Graves hoặc lupus
  • Đang dùng một số loại thuốc cản trở sự hấp thụ vitamin B12 bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI) như rabeprazole, omeprazole, esomeprazole, famotidine và ranitidine. Thuốc chẹn H2 như cimetidine và một số loại thuốc trị tiểu đường như metformin.
  • Thiếu máu ác tính khiến cơ thể khó hấp thụ vitamin B12
  • Người thực hiện chế độ ăn chay trường không ăn bất kỳ sản phẩm động vật nào, bao gồm thịt, sữa, phô mai và trứng
  • Các bệnh ảnh hưởng đến ruột non như bệnh Crohn, vi khuẩn có hại phát triển hoặc ký sinh trùng, bệnh celiac.
  • Là người ăn kiêng nhưng không ăn đủ trứng hoặc các sản phẩm từ sữa để đáp ứng nhu cầu vitamin B12.

Tác dụng của B12 với cơ thể con người

Ngăn ngừa thiếu máu

Vitamin B12 rất cần thiết cho sự sản xuất các tế bào máu cho cơ thể. Khi thiếu vitamin khiến cho cơ thể bị thiếu máu. Cơ thể bị thiếu máu sẽ có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, chóng mặt.

Ngăn ngừa loãng xương

Vitamin B12 cũng tham gia vào sự phát triển khỏe mạnh của hệ xương. Đồng thời bổ sung đầy đủ vitamin giúp xương thêm chắc khỏe.

Ngăn ngừa bệnh lý ở mắt

Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng bổ sung đủ vitamin B12 giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng khi về già.Thoái hóa điểm vàng là một tình trạng bệnh lý ở mắt ảnh hưởng đến thị lực. Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi.

Giảm tình trạng trầm cảm

Vitamin B12 giữ vai trò trong kiểm soát tâm trạng và tinh thần. Vitamin kiểm soát tổng hợp và chuyển hóa serotonin giúp điều hòa tâm trạng của cơ thể.

Phát triển não bộ

Thiếu vitamin B12 sẽ tăng nguy cơ giảm trí nhớ khi về già. Vitamin này làm giảm chết các tế bào thần kinh của não bộ. Nhờ vậy, não bộ của chúng ta được bảo vệ và duy trì phát triển khỏe mạnh.

Hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh

Cung cấp đủ vitamin B12 khi mang thai giúp thai kỳ được phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra thiếu vitamin còn làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.

Giúp da, tóc và móng khỏe đẹp

Vitamin B12 giữ vai trò trong kiểm soát các tế bào sinh sản và phát triển. Bổ sung đầy đủ vitamin sẽ giúp da, tóc hay móng được khỏe mạnh. Bổ sung đầy đủ vitamin giúp da, tóc và móng được khỏe đẹp hơn.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Các nghiên cứu cho thấy rằng vitamin B12 giúp làm giảm nồng độ homocysteine trong máu. Nhờ vậy sẽ làm giảm các bệnh lý tim mạch khi bổ sung đủ vitamin.

Tác hại khi thừa vitamin B12

Vitamin B12 tan trong nước nên ít gây độc tính cho cơ thể. Tuy nhiên nếu bổ sung vitamin B12 liều cao, kéo dài sẽ gây ra các tác dụng phụ cho cơ thể:

  • Nhức đầu, phát ban, ngứa ngáy
  • Sốc phản vệ do dị ứng với vitamin B12 thì có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, cần thận trọng khi bổ sung vitamin B12
  • Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như ăn không ngon, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy.
  • Gây tê hay liệt yếu ở tay, chân, cơ mặt.
  • Tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt
  • Thừa vitamin B12 còn có thể gây hoạt hóa hệ đông máu làm tăng đông, gây tắc mạch
  • Gây các biến chứng trên tim mạch như tăng nhịp tim, khó thở, cao huyết áp, suy tim.
  • Gây tổn thương thần kinh thị giác cho người mắc bệnh Leber

Theo Cao đẳng y dược Phạm Ngọc Thạch tổng hợp