Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Bệnh tim mạch là gì? Có cách nào điều trị và phòng ngừa không?


Hiện nay các ca mắc bệnh lý về tim mạch ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Đây là một căn bệnh nếu không được điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm. Nếu còn chưa nắm rõ các thông tin về bệnh mời các  bạn cùng theo dõi  dưới bài viết.

1. Bệnh Tim mạch là gì?

Tim là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn của con người, với chức năng chủ yếu là bơm máu theo các động mạch và đem dưỡng khí, các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể đồng thời còn giúp loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất.

Bệnh tim mạch là các tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim, sự hoạt động của các mạch máu gây suy yếu khả năng làm việc của tim. Các bệnh tim mạch bao gồm: các bệnh mạch máu như bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim và suy tim.

Bệnh tim mạch có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, đòi hỏi sự điều trị và theo dõi cẩn thận (thậm chí là suốt đời), tốn kém nhiều chi phí.

benh-tim-mach
Nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch là gì?

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tim mạch?

Bệnh tim mạch do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt là liên quan đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày, như:

  • Hút thuốc lá: Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch nguy hiểm. Dù hút với số lượng ít, 1 điếu thuốc sau mỗi bữa ăn cũng đã làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, hẹp động mạch ngoại vi

  • Ít vận động, hoạt động thể dục thể thao.  

  • Thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, đái tháo đường có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

  • Căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.

  • Cholesterol xấu tăng cao khiến động mạch bị xơ cứng, tim khó bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể. 

  • Tăng huyết áp có thể dẫn đến tổn thương, xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

  • Đái tháo đường: Bệnh tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường do lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương tim và các mạch máu.

  • Tuổi tác cao tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch. Càng lớn tuổi hoạt động của tim càng kém hiệu quả. Thành tim dày lên, các động mạch cứng lại khiến quá trình bơm máu trở nên khó khăn, đó là lý do vì sao nguy cơ mắc tim mạch gia tăng theo độ tuổi.

  • Yếu tố di truyền: Chỉ cần trong gia đình đã có tiền sử bệnh tim thì nguy cơ khá cao là bạn sẽ mắc các bệnh về tim mạch do di truyền từ cha, mẹ.

2. Những dấu hiệu nhận biết bệnh tim sớm

Nếu gặp phải một trong các dấu hiệu dưới đây bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh sớm nhất:

  • Bệnh nhân suy tim thường khó thở khi gắng sức, nặng hơn có thể khó thở cả khi nằm nghỉ.

  • Cảm giác bị đè nặng trong ngực, đau tức ngực: là triệu chứng thường gặp của bệnh tim, tuy nhiên cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh. Những cơn đau sẽ tùy thuộc vào mức độ bệnh và sức khỏe kháng cự của người bệnh mà có thể đau trong vài tiếng đồng hồ hoặc đau âm ỉ hằng ngày.

  • Nhịp tim nhanh, mạch không đều: tim đập với tốc độ nhanh hơn, đánh trống ngực hoặc đập dồn dập.

  • Khi cơ tim bắt đầu suy, tim không thể bơm máu hiệu quả. Các tĩnh mạch tắc lại, bơm thêm nhiều dịch vào mô cơ thể, khiến các phần như bàn chân, bụng sưng lên bất thường. 

  • Cảm thấy cơ thể mệt mỏi, kiệt sức: Các hoạt động thường ngày đều được thực hiện với thể trạng cơ thể mệt mỏi. Do lúc này ở não và phổi thiếu máu được bơm lên.

  • Ngất xỉu lại là dấu hiệu của một bệnh tim mạch nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng do người bệnh bị rối loạn nhịp tim, máu đến não bị gián đoạn. 
  • Những cơn ho xuất hiện và kéo dài: Tim đập không đúng cách khiến cho dịch phổi bị ứ đọng lại và gây ra các cơn ho.

  • Người bệnh chán ăn và thấy buồn nôn.

  • Huyết áp tăng cao và có thể dẫn đến trụy tim. Thường chỉ khi huyết áp lên quá cao mọi người mới có thể nhận ra dấu hiệu nguy hiểm này.

benh-tim-mach
Dùng kỹ thuật nào để chẩn đoán và điều trị bệnh tim?

3. Chuẩn đoán và điều trị bệnh tim

Một số xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ có được kết quả xem người bệnh có mắc bệnh tim hay không. Các xét nghiệm có thể kể đến như: 

  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI).

  • Máy theo dõi Holter.

  • Chụp cắt lớp vi tính tim (CT scan).

  • Siêu âm tim - Doppler tim.

  • Đặt ống thông tim.

  • Điện tâm đồ (ECG).

Căn cứ vào tình trạng bệnh tình và sức khỏe, sự đáp ứng điều trị của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp phù hợp nhất cho người bệnh. Bao gồm:

  • Các trường hợp nhiễm trùng tim có thể sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh hay các loại thuốc kiểm soát bệnh tim. Tuy nhiên còn phải phụ thuộc vào người bệnh mắc loại bệnh tim nào thì mới kê thuốc theo đó.

  • Trong quá trình điều trị người bệnh cũng cần lưu ý đến thói quen sinh hoạt, ăn uống: ăn các thực phẩm tốt cho tim mạch tránh xa rượu bia và các chất kích thích. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ.

  • Cũng có những bệnh nhân kháng thuốc, điều trị thuốc không đem lại hiệu quả và phải nhờ sự can thiệp của kỹ thuật y tế, phẫu thuật tim khi đó bác sĩ sẽ có chỉ định cho bệnh nhân làm các kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật tim cho phù hợp với tình trạng bệnh tim.

benh-tim-mach
Có biện pháp nào để phòng ngừa bệnh tim mạch hữu hiệu?

4. Biện pháp hữu ích ngăn ngừa bệnh tim

Phòng ngừa, đẩy lùi bệnh tim là một việc khá quan trọng. Một vài biện pháp để có thể kể đến như:

  • Cần tăng cường bổ sung các loại rau, trái cây nhiều chất xơ (bơ, cam, táo, chà là, chuối…). Các chất dinh duỡng có trong rau xanh vô cùng phong phú nên đây có thể được xem là loại thực phẩm tốt cho tim mạch dễ tìm và dễ hấp thu. Các chất chống oxy hóa trong rau xanh giúp tăng cường sức khoẻ cho hệ tim mạch, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ khả năng chống viêm của chúng đối với các mạch máu. Chế độ ăn uống này có thể giúp bạn sống lâu hơn.

  • Giảm thiểu tiêu thụ mỡ động vật, đặc biệt là các sản phẩm bơ sữa quá nhiều. Thay thế các loại mỡ bão hòa (bơ, phô mai, mỡ động vật…) bằng dầu ôliu sẽ giúp giảm cholesterol xấu trong máu.

  • Nếu bạn muốn làm cho trái tim mình khỏe mạnh hơn hãy từ bỏ thói quen hút thuốc ngay lập tức.

  • Người dân nên kiểm tra sức khỏe một cách thường xuyên (khoảng 6 tháng một lần) có kèm với làm một số xét nghiệm cơ bản nhất như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu…

  • Nên vận động hàng ngày 30-60 phút. Đi bộ nhanh, bơi, tập erobic (với cường độ vừa phải), tập yoga rất tốt cho tim mạch. Lưu ý, nên đi bộ nhanh chứ không phải như đi dạo - hiệu quả mang lại thấp. Khi đi bộ, từ bắp chân, mông đến toàn bộ cơ thể đều được vận động, rất lợi cho hệ tim mạch.

Theo các chuyên gia đang trực tiếp tham gia giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết ngay khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường nên thăm khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt nhằm phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm bệnh tim mạch. Vì đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm, cần chủ động điều trị và phòng ngừa. 

Những thông tin về bệnh tim mạch chia sẻ ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên  khoa để được giải đáp chính xác và rõ ràng hơn.