Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Tìm hiểu ngành Dược là gì? Khái niệm chung của ngành Dược học


Ngành Dược là gì? Học xong sẽ làm công việc gì? Bài viết dưới đây sẽ trình bày tổng quan về ngành Dược và giải thích những khái niệm chung về ngành này một cách đơn giản, dễ hiểu nhất cho những ai còn đang thắc mắc. Mời bạn đọc cùng theo dõi!

Ngành Dược học là gìNgành Dược hiểu nôm na là những gì liên quan đến thuốc

>> Xem thêm: Muốn học ngành Dược phải xét tuyển theo tổ hợp môn nào?

Ngành Dược học là gì?

Ngành Dược học là ngành khoa học liên quan đến lĩnh vực thuốc thang, bao gồm việc nghiên cứu mối quan hệ giữa thuốc với cơ thể và cách dùng thuốc để chữa bệnh. Ngành này bao gồm nhiều nhánh nhỏ như nghiên cứu, sản xuất, phân phối, quản lý, hướng dẫn cách dùng và liều lượng nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng. Ngành này dựa trên nhiều ngành khác, nhất là dựa vào Hóa - Sinh học.

Giảng viên dạy ngành Cao đẳng Dược cho biết: Dược theo nghĩa ban đầu là hiệu/ tiệm/ nhà thuốc hay nói cách khác là cửa hàng bán thuốc. Tại các nước như Mỹ hay Canada, cơ sở bán thuốc còn mở rộng ra các mặt hàng khác như mỹ phẩm, bánh kẹo, tạp chí, đồ uống, hoa quả,...y hệt như cửa hàng bách hóa.

Từ “Dược” theo cách hiểu của châu Âu từ thời Hy Lạp có nghĩa là thuốc hoặc Y học, bắt đầu được sử dụng từ Dược vào những năm đầu của thế kỉ 17. Phạm vi hoạt động của nghề Dược khá rộng, từ việc bào chế, cấp thuốc cho đến việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, lựa chọn những thuốc tốt và an toàn.

Những khái niệm chung của ngành Dược học

Ngành Y Dược là gì?

Ngành Y Dược là tên gọi chung của những nhóm ngành sức khỏe. Trong đó Y học thiên về việc chẩn đoán, điều trị bệnh cho con người bằng các biện pháp kỹ thuật cổ truyền hay hiện đại thì Dược học chuyên đi sâu nghiên cứu, phát triển những loại thuốc có ích cho con người.

Dược sĩ là gì?

Dược sĩ là những chuyên gia chuyên điều trị cho bệnh nhân bằng cách cho dùng thuốc, biết cách tối ưu hóa thuốc sử dụng để cung cấp và hướng dẫn chi tiết cho bệnh nhân với mong muốn mang lại những kết quả tích cực nhất. Họ có thể là những người làm việc độc lập tại các cơ sở kinh doanh thuốc tây, trực tiếp kê đơn cho người bệnh đồng thời có thể phối hợp với các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn thuốc nếu họ công tác ở bệnh viện.

Ngành Dược Tiếng anh là gì?

Ngành Dược tiếng anh là Pharmacy. Cũng từ đây, rất nhiều nhà thuốc hiện nay thường đặt tên cho cơ sở mình bằng tên thương hiệu kèm theo từ này giúp tăng độ chuyên nghiệp và tạo ấn tượng tốt cho người dân ngay từ lần đầu nhìn thấy.

Ngành Hóa Dược là gì?

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về ngành này. Theo Wikipedia: “ngành Hóa Dược theo định nghĩa của IUPAC là một ngành khoa học dựa trên nền tảng hóa học để nghiên cứu các vấn đề của các ngành khoa học sinh học, y học và dược học. Hóa dược bao gồm việc khám phá, phát minh, thiết kế, xác định và tổng hợp các chất có tác dụng hoạt tính sinh học, nghiên cứu sự chuyển hóa, giải thích cơ chế tác động của chúng ở mức độ phân tử, xây dựng các mối quan hệ giữa cấu trúc và tác dụng sinh học hay tác dụng dược lý (gọi là SAR) và mối quan hệ định lượng giữa cấu trúc và tác dụng sinh học hay tác dụng dược lý (gọi là QSAR). Hóa Dược là một ngành hoa học thể hiện cao sự kết hợp giữa hóa hữu cơ và sinh hóa, hóa tin học, dược lý, sinh học phân tử, toán thống kê và hóa lý”.

Hiểu theo cách khác theo ban tư vấn Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, Hóa Dược là ngành khoa học giao giữa Hóa học và Dược học, nghiên cứu phát triển thuốc và dược phẩm trên các tính chất vật lý, hóa học và các hoạt tính sinh học để xây dựng mối quan hệ định tính và định lượng chính xác.

ngành dược là gìDược sĩ đôi khi là kỹ thuật viên xét nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc

Thực trạng và tiềm năng của ngành Dược

Thực trạng hiện nay

Trên thế giới và nước ta hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành Dược như Dược sĩ, công nhân Dược cao và không ngừng gia tăng. Cụ thể, theo số liệu do Cục quản lý Dược Việt Nam thống kê, tỷ lệ Dược sĩ của quốc gia mới đạt 1,19/ 10.000 dân trong đó có khoảng hơn 10.000 Dược sĩ đang làm sản xuất tại các cơ sở kinh doanh, bệnh viện hay các cơ quan quản lý nhà nước về ngành Dược.

Ước tính nhân lực còn thiếu trong giai đoạn tới, trước mắt đến năm 2025 là khoảng 9.000 người. Sự thiếu hụt này càng trầm trọng hơn khi nguồn vốn của các công ty, tập đoàn nước ngoài đổ dồn nhiều vào Việt Nam và với chiến lược tạo dựng hình ảnh, thương hiệu lâu dài ngay ở nước mình. Do đó, muốn phát triển, họ phải tuyển chọn và bổ sung nhân sự lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi cho sinh viên theo đuổi đam mê ngành này.

Sản xuất dược phẩm: Riêng lĩnh vực sản xuất dược phẩm, nước ta có gần 200 doanh nghiệp (số liệu năm 2007). Những năm trước,  số công ty đạt chuẩn GMP - WHO còn chiếm tỷ lệ nhỏ, giá trị, doanh thu còn thấp nhưng những năm gần đây, các công ty có tín hiệu tăng trưởng tốt, gia tăng thị phần, doanh thu,...Vai trò, vị trí của đội ngũ nhân lực nước nhà vì thế mà được khẳng định, nâng cao. Các công ty không ngại khi chi một khoản thưởng lớn cho những nhân viên xuất sắc và không ngừng đưa ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhân tài.

Tiềm năng của ngành Dược Việt Nam trong tương lai

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngành Dược được đánh giá có tiềm năng lớn trong tương lai. Bởi lẽ, ngành này luôn trong tình trạng “khát” nhân lực khi:

  • Doanh thu từ ngành Dược dự kiến tăng từ 3,8 lên đến 7,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,1%.
  • Tỷ lệ nhập khẩu trang thiết bị Y tế tại nước ta dự đoán tăng lên đến 90% vào năm 2025.
  • Số lượng các bệnh viện ở Việt Nam tăng lên nhiều trong thời gian tới.
  • Tỷ lệ gia tăng số dân ở nước ta dự kiến tăng lên, trở thành nước có dân số đông trong nhóm các nước Đông Nam Á và trên thế giới.

Vai trò và tố chất cần có của Dược sĩ

Vai trò

Từ những phân tích trên có thể kết luận, ngành Dược ngày càng có vai trò và vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo tạp chí nổi tiếng nước ngoài bình chọn, nó đứng đầu trong 10 công việc kiếm nhiều tiền nhất dành cho nữ giới. Trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, Dược sĩ là người tham gia vào quá trình bào chế, kinh doanh, quản lý, phân phối thuốc. Ở khâu kiểm nghiệm thuốc, họ là những kỹ thuật viên kiểm tra đảm bảo chất lượng của sản phẩm,...Như vậy, công việc cụ thể sau khi ra trường của Dược sĩ có thể là:

  • Làm việc tại khoa Dược của bệnh viện: kê hoặc phối hợp với bác sĩ trong việc chỉ định loại thuốc phù hợp nhất cho bệnh nhân; kiểm kê đầu ra đầu vào, quản lý thuốc tồn, phát hiện, báo cáo nếu phát hiện thuốc kém chất lượng, thuốc giả, nhái,...
  • Làm việc tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc: vai trò của Dược sĩ như những kỹ thuật viên xét nghiệm, kiểm tra các tính chất, thành phần của thuốc nhằm đảm bảo chất lượng trước khi đến tay người dùng.
  • Làm việc tại các cơ sở kinh doanh: là trình dược viên  giới thiệu thuốc đến cho các bác sĩ hoặc các dược sĩ khác tại nhà thuốc. Bạn cũng có thể trở thành nhân viên Marketing Dược với trách nhiệm xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm của công ty mình.
  • Làm giảng viên giảng dạy chuyên ngành: nếu có học lực giỏi, bạn dễ dàng được nhận lại trường làm công tác truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sinh viên sau.
  • Mở nhà thuốc: Nếu có bằng Dược sĩ và những điều kiện mở nhà thuốc khác, bạn hoàn toàn có thể tự lập kế hoạch, chiến lược và kinh doanh tự do miễn tuân theo quy định của pháp luật.

Tố chất

Tương tự như các ngành nghề khác, những người làm nghề Dược cũng cần có những phẩm chất đạo đức nhất định.

Giỏi chuyên môn

Trước hết là phải giỏi kiến thức chuyên môn về ngành Dược cùng những kiến thức chăm sóc sức khỏe cơ bản:

  • Am hiểu về cơ chế tác động của môi trường đến sức khỏe và các biện pháp cải thiện
  • Hiểu biết về các công nghệ Y Dược hiện đại như Dược động học, công nghệ nano, sinh học phân tử,...
  • Tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo về những công nghệ Y học tiên tiến trên thế giới.
  • Am hiểu về các bệnh, quy trình chăm sóc bệnh nhân, chế độ dinh dưỡng cần thiết với từng loại bệnh,...Có như vậy thì sau khi tốt nghiệp mới có thể tự đánh giá được tình trạng sức khỏe, tư vấn cách dùng thuốc đồng thời lập kế hoạch để chăm sóc bệnh nhân một cách an toàn, hiệu quả.

Giàu kỹ năng nghiệp vụ

Bên cạnh sự uyên thâm về kiến thức, Dược sĩ cần trau dồi cho mình những kỹ năng nhất định, chẳng hạn: giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc độc lập, tin học, văn phòng, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ để tự tin làm việc trong môi trường quốc tế năng động và hiện đại.

Trên hết, điều cần có ở một người “thầy” đó là tấm lòng nhân hậu, làm việc với tinh thần trách nhiệm và tình thương người. Mỗi quyết định, hành động của họ đều vì lợi ích của người bệnh, người nhà,...

Vừa rồi là khái quát về ngành Dược và giải thích ngắn ngọn về những khái niệm chung của ngành Dược học. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức bổ ích, phần nào giải đáp được những thắc mắc của mọi người.