Số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT của Hà Nội dự kiến là 90.730 học sinh (tăng 5.776 học sinh so với năm học 2019 - 2020). Trong đó, các trường công lập tuyển 66.492 học sinh, tăng so với năm ngoái; trường công lập tự chủ tuyển 2.788 học sinh; trường ngoài công lập tuyển 21.450 học sinh, tăng so với năm ngoái; trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển hơn 8.000 học viên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển 8.473 học sinh.
Nhìn vào chỉ tiêu của các trường năm nay, thấy rằng một số trường hot, thuộc top đầu lấy điểm cao tiếp tục giảm chỉ tiêu so với năm 2019. Năm nay trường THPT Thăng Long được giao 600 chỉ tiêu, thấp hơn so với 675 chỉ tiêu năm ngoái. Một số trường có chỉ tiêu thấp hơn năm ngoái gồm: Phan Đình Phùng (600 so với 720), Phạm Hồng Thái (585 so với 675), Kim Liên (600 so với 765).
Như mọi năm, một số trường có tỷ lệ chọi cao năm 2020 là: Trường THPT Chu Văn An có 929 thí sinh đăng kí nguyện vọng 1, chỉ tiêu là 270 (1 chọi 3,44); THPT Kim Liên có 1.551 thí sinh đăng kí, chỉ tiêu 600 (1 chọi 2,58), THPT Yên Hòa có 1.702 thí sinh đăng kí, chỉ tiêu là 720 (1 chọi 2,36); THPT Phan Đình Phùng có 1.237 thí sinh đăng kí, chỉ tiêu là 600 (1 chọi 2,06), Tỷ lệ chọi cao, phản ánh phần nào cuộc đua vào các trường có hồ sơ đăng ký nhiều sẽ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ chọi về cơ bản là con số tham khảo. Thí sinh nên cân nhắc để không bị tỷ lệ chọi làm ảnh hưởng đến quyết định đăng ký nguyện vọng.
Theo ý kiến từ nhiều chuyên gia và các thầy cô giáo, điều cần thiết khi đăng ký nguyện vọng dự tuyển của học sinh là: Thí sinh phải tìm hiểu thông tin về trường, điểm đỗ trong khoảng 3 năm trở lại đây, đồng thời căn cứ năng lực của bản thân.
Thực tế, những trường vốn có điểm chuẩn “top” đầu, chất lượng các thí sinh rất đồng đều, giỏi đều, thường thì các em có năng lực học tập tốt, ổn định nên mới đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào đó, vì thế cuộc đua sẽ căng thẳng hơn. Như vậy, độ khó, dễ để vào trường căn cứ vào chất lượng thí sinh, chứ ít lệ thuộc vào tỷ lệ chọi.
Thí sinh phải hết sức cân nhắc nguyện vọng, bởi: Học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập ở cùng một khu vực tuyển sinh, nhưng cần lưu ý là 2 trường này phải được xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm.
Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1, không nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 2.
Khi đã trúng tuyển vào trường THPT công lập thì phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Trường hợp đặc biệt phát sinh trong quá trình học tập cần chuyển trường thì phải được GĐ Sở GD&ĐT xem xét, phê duyệt. Vì thế, tỷ lệ chọi chỉ nên dùng làm thông số tham khảo, học sinh lớp 9 nên cân nhắc các yếu tố năng lực, thông tin chỉ tiêu của từng trường để quyết định có thay đổi nguyện vọng hay không?
Theo ông Phạm Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết, để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, Sở sẽ cho phép thay đổi nguyện vọng dự tuyển một lần. Theo đó, học sinh muốn thay đổi nguyện vọng dự tuyển nộp đơn tại các Phòng GD&ĐT trong 2 ngày 24 và 25-6.
Nguồn tổng hợp: Cao Đẳng Dược HN