“Tình trạng nhân viên y tế bị kì thị trong cộng đồng xảy ra ở nhiều nơi, khiến các y, bác sỹ không yên tâm điều trị”, ông Khuê nói.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, đến nay có tất cả 7.264 mẫu xét nghiệm được lấy từ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân, người phục vụ trong Bệnh viện Bạch Mai. Trong số này, đã có 6.631 mẫu cho kết quả âm tính và đang chuẩn bị xét nghiệm lần 2.
Theo GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khi tiếp xúc với nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai trong dịp này, nhiều người vẫn có thái độ e dè.
“Trước đây, chúng tôi biết có nhiều người rất quý mến các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trân trọng bác sĩ Bạch Mai. Nhưng bây giờ, qua nhiều kênh truyền thông không chính xác, họ xem y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây, là người mang Covid-19 đến, vì thế họ né tránh”, GS Tuấn nói.
Về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay bên cạnh việc xử lý ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, các nhân viên của Bệnh viện này cũng đang bị kỳ thị. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc điều trị cho các bệnh nhân khác.
“Đến thời điểm hiện tại, tất cả xét nghiệm được triển khai nhanh tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy không có bác sỹ nào, nhân viên nào dương tính. Nếu có trường hợp nào dương tính thì sẽ công bố, cách ly ngay. Tuy nhiên, tình trạng nhân viên y tế bị kì thị trong cộng đồng xảy ra ở nhiều nơi, khiến các y, bác sỹ không yên tâm điều trị. Trong bệnh viện, việc đánh giá F1, F2, F3, F4 khác với trong cộng đồng. Nếu y, bác sỹ bị cách ly, bệnh nhân không có người chăm sóc sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của những bệnh nhân khác”, ông Khuê nói.
Trước câu hỏi, hiện một số lượng lớn các bệnh nhân đã từng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và người nhà bệnh nhân đã về các tỉnh, thành phố trên cả nước, vậy có nguy cơ nào với đối tượng này, ông Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, các bệnh nhân đã khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai chuyển về các tỉnh thực hiện theo quy trình: Những bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã khỏi bệnh, đã về địa phương, phải được cách ly tại nhà, tiếp tục theo dõi, khi có các biểu hiện phải kịp thời phát hiện.
Các bệnh nhân được chuyển về điều trị tại cơ sở y tế địa phương từ Bệnh viện Bạch Mai, các sở y tế phải chỉ đạo cho cách ly ngay tại cơ sở y tế, lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách người tiếp xúc và thông báo cho ban chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo để theo dõi.
Với nhiệm vụ khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế số cổng ra, vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí đo thân nhiệt cho tất cả người vào cổng bệnh viện.
Các bệnh viện cũng cần chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế. Có phương án cách ly đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và kiểm soát các đơn vị, cá nhân thực hiện các dịch vụ từ bên ngoài như giặt là, bảo vệ, dọn vệ sinh… các quầy bán hàng trong bệnh viện.
Các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển về tất cả các nhân viên y tế phải khai báo y tế. Các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định Covid-19 (F1) và tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) phải khai báo trung thực và đầy đủ (mục đích khai báo chỉ để phục vụ cho điều tra dịch tễ học). Trường hợp khai báo không trung thực hoặc không đầy đủ sẽ bị xử lý kỷ luật, mức cao nhất có thể bị buộc thôi việc.
Cũng theo ông Khuê, tất cả cơ sở y tế cần tập trung cao độ, dốc toàn lực để giải quyết vấn đề là phát hiện ca nhiễm, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng và điều trị thành công cho các ca bệnh đã mắc.