Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Người phụ nữ 61 tuổi tử vong sau 2 tháng ăn thực dưỡng để chữa bệnh


Sau 2 tháng ăn thực dưỡng, bệnh của bà M. ở Hà Nội không thuyên giảm, sụt 7kg, đau bụng tăng lên đến lúc không chịu nổi mới vào viện.

Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ ở Hà Nội sau 4 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã không thể qua khỏi và gia đình đã đưa về lo hậu sự.

BS. Ngô Đức Hùng, khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, bệnh phát hiện bệnh tiểu đường cách đây 2 năm đang điều trị thuốc tiều đường thì dừng lại chuyển sang ăn thực dưỡng chữa bệnh.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân bỏ thuốc không điều trị và chuyển qua ăn thực dưỡng với gạo lứt, muối mè và sữa hạt. Hậu quả là sau 2 tháng ăn thực dưỡng, bệnh không thuyên giảm mà bệnh nhân sụt 7kg, đau bụng tăng lên đến lúc không chịu nổi mới vào viện.

Khi đến bệnh viện, các bác sĩ siêu âm tại chỗ phát hiện bệnh nhân có thêm nhiều khối trong gan, tăng tín hiệu mạch, bụng có dịch.

Trước đó ở nhà bệnh nhân không có biểu hiện gì. Có thể đây là khối u gan bị vỡ.  Bác sĩ tạm kết luận, do ăn uống thiếu chất, cơ thể suy kiệt làm khối u âm thầm to lên nhanh chóng đến độ vỡ vào ổ bụng.

Khi nhập viện bệnh nhân ở trong tình trạng suy kiệt, nhiễm toan chuyển hoá nặng. Bệnh nhân được cho thở máy và lọc máu liên tục. Tổn thương gan nặng nề. Men gan cao đến hàng nghìn đơn vị.

Sau 4 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã không thể qua khỏi và gia đình đã đưa về lo hậu sự.

Trước đó, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, cũng vì ăn chay với gạo lứt, muối vừng đến ngày thứ 41, người phụ nữ 61 tuổi ở Gia Lâm Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu do ngừng tuần hoàn, rối loạn natri, kali.

Ngay lập tức được cấp cứu ngừng tuần hoàn, bồi phụ điện giải. Sau đó bác sĩ phát hiện thêm biến chứng suy thận cấp, tiêu cơ vân.

Sau 15 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được xuất viện. Sau chỉ 1 ngày, gia đình tiếp tục đưa bà quay lại cấp cứu vì bị đau tim dữ dội. Lần này bà được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành, chỉ định đặt stent.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia chia sẻ đây là một trong rất nhiều trường hợp tự chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng gây hậu quả nặng nề. Bản thân bệnh nhân bị bệnh mạch vành, nên chế độ ăn chay sẽ làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim.

GS.TS. Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong mấy chục năm qua, ông chưa chưa ghi nhận trường hợp nào chữa khỏi bệnh ung thư chỉ bằng chế độ thực dưỡng.

GS.TS. Mai Trọng Khoa cho biết, ông không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh một số người bệnh sau khi nhận được thông báo kết quả của bệnh viện thì bỏ mọi phác đồ điều trị do bác sĩ tư vấn, bỏ bệnh viện để về ăn theo chế độ “bỏ đói tế bào ung thư”, ăn theo chế độ thực dưỡng rồi tu luyện theo một pháp môn nào đó.

Kết quả, khi trở lại bệnh viện, người bệnh đó rơi vào tình trạng suy kiệt nặng, nhiều bệnh nhân lúc phát hiện mới ở giai đoạn rất sớm có nhiều cơ hội điều trị thì giờ đã vào giai đoạn 3, giai đoạn 4, thậm chí giai đoạn cuối trên một thân thể suy kiệt.

Theo các chuyên gia, gạo lứt thực chất là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong nên vẫn giữ được chất xơ và các dưỡng chất quan trọng khác như: Các loại vitamin, canxi, sắt, kẽm và đạm.

Gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, vẫn rất cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như các nhóm thức ăn giàu protit, lipit, rau, củ, quả khác để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Ngay cả với những người khỏe mạnh bình thường, việc chỉ sử dụng mỗi gạo lứt hằng ngày cũng có thể khiến cơ thể suy nhược trầm trọng vì thiếu những chất mà trong gạo lứt không có. Chưa kể đến người đang mắc bệnh, khi cơ thể yếu đi lại là cơ hội cho mầm bệnh bùng phát.

Bác sĩ khuyến cáo, để có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh thì cần một cơ thể đủ khỏe. Muốn vậy người bệnh cần một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học đủ chất…

Cao Đẳng Điều Dưỡng Hà Nội sưu tầm