Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

"Món ăn nên thuộc" trong mùa dịch


Các loại nguyên liệu này thường thấy trong cuộc sống, trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình.

Hiện nay, phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đang là vấn đề cấp thiết, trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tăng sức đề kháng bằng gia vị

Hệ miễn dịch có thể hiểu nôm na là những người lính canh cửa, giúp cơ thể chống lại những tác nhân lạ, các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập. Trong mùa dịch, ngoài các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh đến nơi đông người… như khuyến cáo thì việc quan tâm nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng.

TS-DS Nguyễn Thành Triết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (cơ sở 3), cho biết trong dân gian có nhiều vị thuốc, bài thuốc đã được sử dụng trong điều trị cảm cúm, nhất là những minh chứng về tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Đây là những vị thuốc tương đối dễ tìm, một số được sử dụng hằng ngày làm gia vị trong các bữa ăn, các vị thuốc này hoàn toàn có thể tăng cường sử dụng để hỗ trợ thêm cho sức đề kháng của cơ thể trong mùa dịch.

Cụ thể như tiêu lốt có chứa thành phần chính là tinh dầu, được sử dụng làm gia vị, cũng là một loại dược liệu sử dụng phổ biến ở Ấn Độ và một số nước châu Á. Tiêu lốt có tác dụng điều trị một số bệnh thông thường như: ho, long đờm, dị ứng, kháng viêm, kích thích ăn ngon và đặc biệt được sử dụng cho một số trường hợp suy giảm miễn dịch.

Liều dùng ở người lớn là 1-3 g và ở trẻ em là 125-250 mg bột quả khô, sử dụng 2-3 lần/ngày, trộn chung với mật ong hoặc nước ấm. Cũng có thể sử dụng phối hợp tiêu lốt với tiêu đen (hồ tiêu) và gừng khô, mỗi thứ 50 g, xay thành bột, mỗi lần uống 2 g bột đối với người lớn hoặc 125-500 mg bột đối với trẻ em cùng với nước ấm hoặc mật ong, ngày 3 lần.

Gừng được sử dụng từ cổ xưa như là một gia vị phổ biến và cũng là một vị thuốc quý. Ngoài tác dụng chữa cảm sốt, chống nôn và kháng dị ứng, gừng còn góp phần vào việc điều hòa hệ miễn dịch.

Có thể sử dụng thân, rễ gừng khô với liều 1-3 g/ngày, chia làm 2 lần uống hoặc hãm khoảng 4-6 lát gừng tươi trong nước sôi 30 phút để uống như trà.

Tỏi được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền để làm ấm, điều trị cảm lạnh, chữa đau dạ dày và hạ mỡ máu. Allicin (chất chuyển hóa từ alliin) là hoạt chất được cho là có tác dụng kháng khuẩn chính của tỏi.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng tác dụng kháng khuẩn của tỏi liên quan đến việc làm tăng cường chức năng của đại thực bào và lympho bào T của hệ miễn dịch (nghiên cứu cũng ghi nhận tỏi có tác dụng ức chế các loại virus: cúm mùa (A và B), rhinovirus, herpes… ). Tỏi có thể sử dụng ở nhiều dạng khác nhau: tỏi tươi 2-5 g/ngày, bột tỏi khô 0,4-1,2 g/ngày, dầu tỏi 2-5 mg/ngày.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, nên uống trà thường xuyên (một ly trà vào mỗi buổi sáng) sẽ rất tốt cho cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho biết mật ong - chanh - sả, nhóm kết hợp 3 thứ này sẽ giúp bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe, có tính sát trùng, chống viêm tốt, rất hiệu quả trong giảm ho; sả là một vị thuốc hay dùng để xông cảm cúm, dùng tinh dầu sả khuếch tán trong phòng trong mùa dịch cúm cũng rất tốt.

Hành không những giúp ngon miệng mà còn giúp nâng cao sức đề kháng tốt vì tính sát khuẩn. Những bệnh nhân bị vết thương hoặc vết loét khó lành, dùng hành giã nhỏ trộn với mật ong đạt hiệu quả rất tốt.

mon-an-nen-thuoc-trong-mua-dich
Nên thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng dịch tốt nhất

Phòng dịch bằng món ăn

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trong thời điểm này, cần tăng cường dinh dưỡng, khi cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng đồng nghĩa có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh (trong đó có virus corona).

Trong thành phần bữa ăn hằng ngày cần có chất bột đường để cung cấp năng lượng, chất đạm, chất béo để xây dựng nên các thành phần của một hệ miễn dịch. Nên ăn đa dạng, cân bằng tất cả loại thực phẩm ở các nhóm thực phẩm giàu chất bột đường (cơm, bún, phở, bánh mì…); nhóm thực phẩm giàu chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, chất béo từ dầu hoặc các loại hạt…). Đặc biệt tăng cường gấp đôi rau xanh, trái cây trong khẩu phần.

Tăng cường những thực phẩm có nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin β-carotene, kẽm, polyphenol… đây là những chất chống ôxy hóa, có vai trò kháng khuẩn và hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.

Các loại trái cây như sơ-ri, cam, bưởi, các loại ớt chuông, ổi, các loại rau có màu xanh đậm… có rất nhiều vitamin C, vitamin E sẽ tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Các loại thực phẩm như sữa tách béo, trứng, hải sản có nhiều vitamin D giúp phòng ngừa và hạn chế nhiễm khuẩn đường hô hấp. Theo một số nghiên cứu, nếu cơ thể thiếu vitamin D sẽ làm cho mức độ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn.

Các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt óc chó, sữa chua, chuối, khoai lang… là những thực phẩm có nhiều kẽm, polyphenol, chất chống ôxy hóa sẽ cung cấp nguồn bổ dưỡng cho lợi khuẩn đường ruột, qua đó giúp cơ thể gia tăng khả năng chống lại những tác nhân gây bệnh từ virus. 

Cao Đẳng Điều Dưỡng TPHCM sưu tầm