Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Khai gian dối để né tránh cách ly phòng dịch Covid-19 sẽ bị xử lý ra sao?


Người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trước tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đề nghị tất cả các trường hợp người Việt Nam từ vùng dịch của Hàn Quốc về nước cần tiến hành cách ly y tế.

Tuy nhiên, vào ngày 25/2, một nữ hành khách trở về Việt Nam từ Daegu (Hàn Quốc) đã livestream trên mạng xã hội bày cách "trốn" cách ly.

Theo đó, cô này đã livetream để chia sẻ “bí quyết” bằng cách, khi nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất, cô khai điểm xuất phát hành trình của mình là Busan mà không nhắc tới Daegu. Nhờ hành vi “gian dối” này cô đã được phép nhập cảnh.

Hành động của N.T.T. nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng vì việc đi qua vùng dịch rồi tránh né cách ly có thể gây lây lan dịch bệnh.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, N.T.T. sống tại Daegu, đã đi qua thành phố Busan để đáp máy bay đi TP.HCM. Chiều 26/2, N.T. T. đã bị Sở Y tế Bình Dương buộc phải cách ly tập trung.

Trao đổi với PV về những trường hợp trốn khai báo/khai báo y tế không trung thực như trường hợp N.T.T, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) nhấn mạnh, đã có quy định về xử phạt hành vi “lách” khai báo y tế và cưỡng chế cách ly.

Trả lời câu hỏi, hiện chúng ta chỉ mới căn cứ vào tờ khai y tế để quyết định việc thực hiện cách ly, nếu người  khai không trung thực, giống như trường hợp N.T.T  thì làm cách nào để phát hiện và hướng xử lý ra sao?

PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an (lực lượng xuất nhập cảnh) phối hợp với các bộ ngành như Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội (lực lượng quản lý lao động  ngoài nước), … để phối hợp và phát hiện.

khai-gian-doi-de-ne-tranh-cach-ly-phong-dich-covid-19-se-bi-xu-ly-ra-sao
Trường hợp người phụ nữ tránh né cách ly bị dân mạng lên án gay gắt

“Kể cả về đến địa phương rồi, chính quyền cấp phường xã cũng phải tham gia cùng phát hiện, thậm chí cả người dân cũng tham gia phát hiện những trường hợp như thế”, ông Phu nói.

Ông khẳng định “nhiều chỗ có khả năng phát hiện” những trường hợp gian dối trong khai man tờ khai y tế.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, cá nhân bị phát hiện hành vi khai man tờ khai y tế sẽ phải thực hiện cưỡng chế cách ly. Kèm theo đó, người này sẽ chịu xử phạt về việc khai báo dịch bệnh truyền nhiễm (được quy định trong Luật Truyền nhiễm, NĐ 176 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

“Cụ thể, tại Điều 12, NĐ 176 Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định rõ, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi này”, ông Phu nói.

Cụ thể, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì tại điều 10 quy định sẽ phạt tiền từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng đối với hành vi nêu trên.

Cũng liên quan đến việc khai báo tờ khai y tế không trung thực, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho rằng, vì một cộng đồng khỏe mạnh, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch Covid-19, mọi người nên thực hiện đúng theo các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng bệnh, ý thức và trung thực trong việc khai báo y tế, cách ly nghiêm túc và cần lên án những hành vi thiếu trách nhiệm, trốn tránh cách ly như vừa rồi.

Theo các bác sĩ, chuyên gia y tế, tự giác, trung thực và nghiêm túc khai báo y tế và thực hiện cách ly của người có nguy cơ nhiễm bệnh, đến từ hay có qua vùng dịch là tránh nhiệm bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh Covid-19 cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tại cuộc họp sáng 26/2, đối với các trường hợp từ Hàn Quốc đã nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid- 19 đã đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ sở chỉ đạo cảnh sát khu vực, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố,… tổ chức theo dõi sức khỏe, giám sát y tế theo quy định.

Đồng thời Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với người đến từ Hàn Quốc, trong đó cần triển khai thực hiện khai báo điện tử, cũng như thông tin, phổ biến về nghĩa vụ, trách nhiệm cho các hành khách khi đến Việt Nam ngay tại các sân bay của Hàn Quốc.

Cao Đẳng Phục Hồi Chức Năng Hà Nội  sưu tầm