Bộ Y tế cảnh báo, cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong và dự báo trong thời gian tới số ca mắc cúm còn tiếp tục tăng.
Đã có 408 907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong.
Tại các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gia tăng số trường hợp cúm nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.
Tại Hội thảo Truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cảnh báo: Hiện nay, thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm dễ dàng phát triển và lan truyền; cùng với ô nhiễm môi trường tăng cao điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới. Vì vậy, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm.
“Dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết nguyên đán, lễ hội tập trung đông người”, ông Khuê lo ngại.
Do đó, mọi người đi ra đường phải có khẩu trang, phải mặc áo ấm.Trước khi ngủ dậy không nên vùng dậy, không được vùng ra khỏi chăn ngay; Che miệng khi hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
Tắm xong nên sấy tóc cho khô, uống đủ nước ấm, giữ đầu, mũi ấm, giữ chân ấm. Thời tiết thế này tất cả các lứa tuổi đều phải phòng bệnh.
Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
“Đừng nghĩ Tamiflu không phải là phương cách số một mà phải phòng, đừng để cúm mà chết. Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh cúm mùa nên mọi người hãy đi tiêm”, ông Khuê nói.
Chưa phát hiện chủng virút cúm mới, chưa có đột biến gen làm tăng độc tính
Tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng vi rút cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người. Các chủng vi rút cúm được ghi nhận chủ yếu là vi rút cúm A(H1N1) và vi rút cúm B.
Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo ông Khuê, cúm là bệnh cảnh thông thường, nhiều người mắc. Biểu hiện thường là hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, đau mỏi người, nếu không có bội nhiễm và biến chứng bất thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày. Đa phần người bệnh mắc cúm ở thể nhẹ, không cần đến bệnh viện.
Tuy nhiên, cúm về mùa đông thường diễn biến nặng hơn. Vì thế, người dân không nên chủ quan.
Một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như: người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mạn tính… Ngoài ra, những người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, sốt quá cao... thì cũng cần phải lưu ý.
Cúm do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, hắt hơi...). Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì không hề có tác dụng, người lại càng mệt mỏi hơn.