Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi nguy hiểm như thế nào?


Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xét nghiệm tại Việt Nam lên tiếng về việc các kỹ thuật viên Khoa Vi sinh của BV Xanh Pôn cắt đôi hàng nghìn que thử viêm gan B, HIV.

Sự việc hàng nghìn que thử viêm gan B, HIV bị cắt đôi trước khi xét nghiệm, hàng trăm bệnh nhân bị trộn chung mẫu máu trong quy trình xét nghiệm HIV bán tự động tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) khiến dư luận bức xúc về bệnh viện hàng đầu của thành phố Hà Nội.

Có thể bỏ lọt những trường hợp HIV, viêm gan B dương tính

PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên bộ môn Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xét nghiệm bày tỏ: “Tôi chưa từng nghe ở đâu lại cắt đôi que thử xét nghiệm như BV Xanh Pôn Hà Nội. Khi chẩn đoán dương tính trong xét nghiệm, HIV thì theo quy định xét nghiệm đó phải được thực hiện ở 3 nơi mới có thể kết luận bệnh nhân nhiễm virus. Viêm gan B thì phải có hàng chục xét nghiệm mới đánh giá được”.

Theo vị chuyên gia này, việc cắt xén que thử xét nghiệm khiến sai lệch kết quả có thể xảy ra vì trong việc xét nghiệm kết quả xét nghiệm có chính xác hay không kỹ thuật viên phải tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất. Nhà sản xuất quy định 1 mẫu xét nghiệm sẽ dùng 1 que thử thì phải làm đúng như vậy. Việc những nhân viên y tế cắt đôi que thử ra thì khó đảm bảo độ chính xác được.

Về việc một test nhanh HIV, viêm gan B được cắt làm đôi dùng cho 2 bệnh nhân, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương cho rằng trong trường hợp này dùng từ chính xác phải là chẻ dọc thanh thử test nhanh, không phải cắt.

“Nếu Bệnh viện Xanh pôn thực sự làm như thế chắc chắn là sai. Nguyên tắc không bao giờ được phép làm như vậy”, GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định.

GS.TS Nguyễn Anh Trí phân tích, vì nhà sản xuất khi sản xuất ra dụng cụ test kit nhanh (bộ dụng cụ để xét nghiệm) đã phải tính toán rất kỹ, mẫu mã phải trải qua rất nhiều khâu, qua hàng vạn thử nghiệm, thử nghiệm trên lâm sàng rất nhiều mới có thể đưa ra thị trường. Tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng. Cắt tuỳ tiện là không thể được, giảm đi một phần khả năng phát hiện được, kết quả xét nghiệm không thể chính xác.

“Nếu BV Xanh Pôn làm như vậy thì trong trường hợp người bệnh dương tính cũng có thể đúng với điều kiện lượng kháng nguyên trong mẫu máu phải gấp đôi. Còn nếu nồng độ kháng nguyên thấp thì chắc chắn không thể phát hiện được, gây hiện tượng âm tính giả. Điều đó có nghĩa là đã bỏ lọt những trường hợp dương tính, đã bị nhiễm bệnh, nhưng vẫn trả kết quả là âm tính. Đặc biệt, nếu trộn chung 4 mẫu máu khác nhau cho vào chung một giếng trong xét nghiệm miễn dịch bán tự động thì càng sai nghiêm trọng hơn. Theo đó, nếu kết quả trả ra là âm tính thì cả 4 bệnh nhân đều âm tính, nếu dương tính thì làm lại. Nếu thực sự như vậy thì nguy cơ bỏ sót gấp 4 lần.

Lỗi mang tính hệ thống

GS Trí cho biết, hiện rất nhiều người bày tỏ băn khoăn về tính chính xác của những kết quả xét nghiệm này tại bệnh viện uy tín hàng đầu của thành phố và ông cảm thấy băn khoăn và buồn.

“Tại sao lâu như thế không một ai có trách nhiệm phản ánh sự việc?”, GS Trí đặt câu hỏi.

Về góc độ chuyên môn, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xét nghiệm cho rằng: “Lỗi này mang tính hệ thống do công tác quản lý chất lượng chưa tốt. Lỗi này hay xảy ra tại nhiều phòng xét nghiệm y khoa của nhiều cơ sở y tế. Điều đó cho thấy công tác quản lý chất lượng của các cơ sở còn bị buông lỏng dù đã đạt ISO này, ISO kia… Lấy được chứng nhận đạt ISO hay một chứng chỉ nào đó không có nghĩa là năm sau vẫn làm tốt. Công tác, kiểm tra giám sát vẫn phải tiếp tục”.

Qua sự việc, theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, cán bộ nhân viên y tế của khoa Vi sinh y học chưa ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng. Bởi chỉ cần một người có ý thức nghiêm túc họ kiến nghị với lãnh đạo nói làm thế không được, trưởng khoa không được thì phản ánh lên lãnh đạo Bệnh viện.

Cao Đẳng Dược Chính Quy sưu tầm