Ngày hôm nay 14/12, ô nhiễm không khí ở Hà Nội phổ biến ở ngưỡng tím- ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người. Cá biệt nhiều điểm đo lên ngưỡng nâu- ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm không khí với khuyến cáo tất cả mọi người nên ở trong nhà.
Sáng nay 14/12, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí miền Bắc của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, Quảng Ninh và Việt Trì, ô nhiễm không khí lần lượt ở ngưỡng tím (rất xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người) và ngưỡng đỏ (ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi người).
Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng nguy hại tại điểm đo Phú Thượng (Tây Hồ) trong sáng nay và điểm đo Láng Hạ (Ba Đình) xấp xỉ ngưỡng nguy hại.
Đặc biệt, hệ thống quan trắc PAMAir, với mạng lưới quan trắc dày đặc tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ghi nhận mức độ ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng khi màu tím bao phủ sáng nay, một số điểm lên ngưỡng nâu như điểm đo tại Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên 340 lúc 8h30 sáng nay, điểm đo Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) lên 303 (AQI từ 300 là ngưỡng nguy hiểm), điểm đo Hàng Quạt lên tới 345.
Tại các tỉnh miền Bắc, hai điểm đo ở Từ Sơn, Bắc Ninh lên ngưỡng nâu trong sáng nay. Hầu hết các điểm đo khác ở ngưỡng đỏ và tím.
Theo bảng phân loại chất lượng không khí mới nhất của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm lên ngưỡng tím, để giảm thiểu ô nhiễm với sức khỏe thì nhóm nhạy cảm là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, những người khác nên hạn chế ra đường, với nhóm nâu- tất cả mọi người nên ở trong nhà. Ngoài ra cần đóng cửa, sử dụng kính mắt, khẩu trang chống bụi mịn khi ra đường, hạn chế tập thể dục ngoài trời trong ngày ô nhiễm.
Để giảm thiểu mức độ ô nhiễm, người dân hạn chế dùng phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện công cộng, tăng cường trồng cây xanh, không hút thuốc lá, không đốt rác, đốt rơm rạ, đốt than tổ ong.
Tổ chức xã hội CHANGE, dưới sự tài trợ của Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM mới đây phát động phong trào “Ở nhà ngày ô nhiễm” nhằm hướng đến việc doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc ở nhà trong những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
“Ở nhà ngày ô nhiễm” là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch “Không khí sạch, Bầu trời xanh” do CHANGE thực hiện xuyên suốt năm 2019. Chiến dịch mong muốn thúc đẩy những cuộc thảo luận mạnh mẽ trên mạng xã hội, hướng sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân trong những ngày chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức báo động tím (201-300).
Tổ chức CHANGE lấy dẫn chứng, tại Thái Lan, hơn 400 trường học đóng cửa trong bối cảnh ô nhiễm nghiêm trọng. Họ cũng tiến hành các chiến dịch phun nước trong thành phố lẫn vùng lân cận nhằm giảm thiểu nồng độ bụi mịn quanh trường học và những tuyến đường chính. Ấn Độ trong đợt ô nhiễm trầm trọng vào tháng 10 vừa rồi, đã thông báo đóng cửa toàn bộ trường học trong khu vực. Chưa hết, chính phủ còn đưa ra chính sách hạn chế cả phương tiện cá nhân trong thành phố và cung cấp khẩu trang miễn phí cho ai buộc phải ra đường.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, trong bối cảnh ô nhiễm như hiện nay, một số thành phố khác trên thế giới thường áp dụng các giải pháp như ra thông báo khẩn và đề nghị mọi người theo dõi thường xuyên. Thông báo nghỉ học đối với một số trường học ở vùng ô nhiễm cao, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm ít hơn. Đình chỉ một số cơ sở sản xuất và công trình xây dựng trong ít ngày, phạt nặng và công khai tên những người đốt rác, đốt rơm rạ. Hà Nội có thể tham khảo và cân nhắc.
Cao Đẳng Điều Dưỡng TPHCM sưu tầm