Dù Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lại khung năm học, lịch thi THPT Quốc gia 2020, song nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng cần giảm bớt môn thi, thậm chí giao hẳn quyền xét tốt nghiệp THPT cho các nhà trường.
Giảm môn thi, giao xét tốt nghiệp cho các trường?
Thời gian tạm nghỉ học vì Covid 19 đã kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến nay khiến không ít học sinh, phụ huynh lo lắng cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới sẽ được tổ chức như thế nào, bởi thời gian nghỉ kéo dài đồng nghĩa với gián đoạn kiến thức, thời gian ôn tập… Trong khi, nhiều địa phương tăng cường dạy online, trên truyền hình song hình thức này chỉ mang tính giải pháp tình thế, bước đầu giúp học sinh củng cố kiến thức và giữ nhịp học, chưa thay thế được việc học như ở nhà trường, nhất là với phạm vi kiến thức mới.
Trong khi Bộ GD&ĐT đã hai lần điều chỉnh lại khung năm học 2019 - 2020 đến giữa tháng 7, lịch thi THPT Quốc gia 2020 được sắp xếp diễn ra từ ngày 8-11/8, nghĩa là lùi lại tới hơn 1 tháng so với năm trước. Tuy nhiên, do thời gian dịch bệnh có diễn biến phức tạp, chưa thể khẳng định lúc nào học sinh quay lại trường học, do đó đã có nhiều phụ huynh, nhà giáo đề xuất cần cắt giảm môn thi THPT Quốc gia, thậm chí giao hẳn xét tốt nghiệp THPT cho các trường. Cụ thể, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie Hà Nội vừa gửi "tâm thư" tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, kiến nghị về việc xem xét cắt bớt môn thi trong hai kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 cho học sinh.
Trong kiến nghị của mình, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, khi nội dung học tập được giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập. Điều này đồng nghĩa nên rút gọn số môn thi THPT Quốc gia 2020. Bộ GD&ĐT xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Nội dung đề thi THPT quốc gia cần điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời Bộ cần ban hành đề thi minh họa cho các môn thi, giúp các nhà trường và học sinh có kênh tham khảo chính thức để yên tâm ôn tập với định hướng ra đề thi.
TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Khoa học-Giáo dục Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD&ĐT chủ động lùi lịch kết thúc năm học và lùi thời gian tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 là tốt. Tuy nhiên, khi thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT cũng phải chỉ đạo ôn tập nội dung, thi cử khác, có trọng tâm để thầy trò tập trung ôn luyện, không như năm ngoái. Bởi đã có biến động rồi, cốt là học sinh học được cái cơ bản nhất, cần thiết nhất, kiến thức có nhiều nguồn. Nên rèn cho học sinh tư duy, phương pháp để vận dụng kiến thức vào cuộc sống là quan trọng. Trong trường hợp học sinh có thể nghỉ kéo dài hơn nữa, quá so với lịch điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, sẽ phải có phương án phù hợp. Trong đó, có thể giao thi xét tốt nghiệp THPT về cho các trường, Bộ quản lý về đề thi chung...
Không nên "làm thay" công tác tuyển sinh
Chia sẻ thêm về phương án có thể giao xét tốt nghiệp THPT cho địa phương, trường THPT, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết: "Khi thực hiện giao việc tổ chức xét tốt nghiệp THPT về cho địa phương, hình thức thi có thể linh hoạt khác nhau, không nhất thiết lập những hội đồng lớn gây tốn kém. Ví dụ, ở một số nước không thi tốt nghiệp THPT, nhưng lại kiểm tra ở các môn học chặt chẽ. Họ có các trung tâm khảo thí uy tín, thí sinh được thi nhiều lần trong năm và dùng kết quả để xét vào đại học, chứ không phải thi theo quy mô lớn như tại Việt Nam. Chúng ta cũng cần xây dựng các cách làm khác nhau, hiệu quả, Bộ GD&ĐT lúc đó đóng vai trò kiểm soát tổ chức thi, chất lượng đề thi, dùng công nghệ giám sát, chấm thi khách quan, công bằng… Đặc biệt là có sự giám sát từ cộng đồng để hạn chế gian lận, tiêu cực".
Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, năm nay Bộ GD&ĐT có thể rút bớt môn thi, hoặc để địa phương tự chủ trong thi, xét tốt nghiệp THPT. Không nên "ôm" phần việc tuyển sinh của các trường đại học. Bởi thực tế, trong những năm gần đây, các trường đại học đã được tự chủ trong tuyển sinh, nhiều trường đã giảm dần chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia bằng cách tổ chức xét tuyển trên kết quả học THPT, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tổ chức phỏng vấn, ưu tiên thí sinh trường THPT chuyên, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, Đường lên đỉnh Olympia… Nếu không tổ chức thi THPT Quốc gia, các trường vẫn có cách để tuyển chọn được thí sinh có chất lượng, đặc biệt là sàng lọc sinh viên theo học tại trường.
Liên quan tới kỳ thi THPT Quốc gia 2020, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GD&ĐT đẩy mạnh học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý công tác thẩm định nội dung, chất lượng các bài giảng trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm hoàn thành xây dựng đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cho tất cả các môn theo hướng tính toán cân đối lượng kiến thức sao cho phù hợp. Cùng với đó là chủ động xây dựng phương án hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 (lần 2). Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 như sau: Kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020. Thi THPT quốc gia từ ngày 8/8 đến 11/8/2020. Theo quy chế thi THPT Quốc gia, kỳ thi sẽ được tổ chức với 5 bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Để xét tốt nghiệp, thí sinh được chọn một trong hai tổ hợp môn, hoặc cả hai (lấy kết quả của tổ hợp môn cao điểm nhất).