Cao Đẳng Y Dược TPHCM - Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Bộ Y tế lý giải vì sao 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đều khỏi bệnh


Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam bước đầu đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19.

Bộ Y tế cho biết, sáng 26/2, bệnh nhân thứ 16 tại Việt Nam nhiễm Covid-19 trị tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần và được ra viện.

Trước thông tin 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đều khỏi bệnh, rất nhiều người đã gửi lời chúc mừng đến ngành y tế và bày tỏ sự thán phục, tri ân đối với các y bác sĩ, đồng thời thắc mắc vì sao tất cả 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đều khỏi bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) cho biết, dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng có thể nói, Việt Nam bước đầu đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19. Phác đồ đó đã được cập nhật và thống nhất ngay trong cuộc họp hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành về truyền nhiễm.

“Sau khi điều trị khỏi từng ca bệnh trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã tổ chức rút kinh nghiệm để cập nhật vào phác đồ điều trị. Đơn cử như bệnh nhân người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy có nhiều bệnh nền và lớn tuổi, thậm chí có những triệu chứng bệnh nặng. Từ kinh nghiệm trong nước, kinh nghiệm của quốc tế, trong đó có cả Trung Quốc, chúng ta đã nhận định, ca bệnh này có nguy cơ tử vong cao nên đã kịp thời chuyển bệnh nhân về Trung tâm Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi có nhiều điều kiện điều trị tốt cho bệnh nhân nặng”, ông Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

bo-y-te-ly-giai-vi-sao-16-benh-nhan-nhiem-covid-19-tai-viet-nam-deu-khoi-benh-viet-kieu

Ông T.H.K (SN 1947; quốc tịch Mỹ), một trong những người nhiễm Covid-19 đã hoàn toàn khỏi bệnh và xuất viện

PGS.TS Lương Ngọc Khuê đưa nguyên tắc trong phòng và điều trị bệnh. Đầu tiên là phát hiện sớm ca bệnh, điều trị kịp thời và đặc biệt hạn chế thấp nhất tử vong.

Ngoài ra, cần tổ chức cách ly. Đây là nguyên tắc rất quan trọng, nếu cách ly tốt từ những khâu đầu tiên như đón tiếp bệnh nhân đến các hoạt động hàng ngày thì sẽ kiểm soát tốt số ca mắc bệnh.

Bên cạnh đó, điều trị phải đảm bảo nguyên tắc thông thoáng khí, người bệnh hoàn toàn tránh nằm phòng, khu vực điều hòa vì đây là tạo môi trường thuận lợi để virus phát triển, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, để tránh lan truyền virus trong bệnh viện.

Tất cả các triệu chứng của bệnh này vẫn còn nhiều bí ẩn vì nó là virus mới, tuy nhiên về nguyên tắc, nó là virus thì đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng của người bệnh như ho, sốt, viêm phổi, suy đa phủ tạng…

“Tất cả các phương án này đều phải được chuẩn bị, thậm chí ngành y tế cũng đã chuẩn bị đến phương án cao nhất là máy lọc máu, máy thở, bơm tiêm điện, máy theo dõi… luôn sẵn sàng điều trị cho người bệnh nếu có ca mắc. Tuy nhiên, các bệnh nhân vừa rồi rất may mắn vì họ chưa phải sử dụng tới máy thở, máy lọc máu nhưng chúng ta vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng”, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai tập huấn ở các cơ sở khám chữa bệnh về hướng dẫn điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn trong điều trị bệnh Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do virus Corona cho rằng, công tác chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đến thời điểm này đã đạt được kết quả đáng mừng, đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đã chủ động thực hiện công việc cần thiết từ rất sớm. Năm nay, nhiều bác sỹ không có Tết ông Công, ông Táo, không có Tết Nguyên đán. Ngày 25/1/2020 (tức ngay sau Giao thừa), Việt Nam thực hiện khai báo y tế bắt buộc và là quốc gia đầu tiên thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Việt Nam thực hiện mức cao hơn mức cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam nằm trong nhóm nước có nguy cơ cao nhất lây nhiễm, nhưng đến nay chỉ có 16 ca dương tính. Bệnh nhân cuối cùng đã cho kết quả âm tính lần 2. Đến giờ phút này có thể nói 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã khỏi hoàn toàn.

“Với tất cả sự khiêm tốn và cầu thị, Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh” – Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Hàn Quốc là quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế thuộc nhóm tốt nhất thế giới, tuy nhiên số người mắc Covid-19 tại nước này đang tăng cao. Từ bài học của Hàn Quốc, ông Đam đề nghị chính quyền các cấp không chủ quan, lơi lỏng.

Cao Đẳng Y Điều Dưỡng Hà Nội sưu tầm