Thuốc nhuộm tóc là một hỗn hợp các loại hóa chất khác nhau, trong đó một số chất bị coi là có thể gây ung thư.
Theo tiến sĩ Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia: Tác hại cụ thể của thuốc nhuộm tóc đến nay vẫn khá khó xác định cụ thể. Để tóc mềm ra, thuốc nhuộm tóc có các thành phần làm sợi protein, sau đó đưa thuốc vào tẩy màu rồi thêm thuốc màu nhuộm vào. Lượng thuốc cùng loại thuốc dùng càng nhiều, thành phần hóa học càng phức tạp sẽ tăng nguy cơ dị ứng. Tiến sĩ Côn cũng bổ sung, các loại thuốc nhuộm tóc được phép sử dụng hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc ra đời hàng loạt loại thuốc nhuộm tóc mới khiến các hoạt chất không còn tinh khiết 100%, ít nhất cũng chứa 2-3% các loại tạp chất. Thuốc nhuộm tóc thường gây mẫn cảm chéo, bởi vậy nhiều người dị ứng với thuốc nhuộm này nhưng khi đổi sang loại khác vẫn bị như vậy. Lần đầu nhuộm tóc, sau 1-2 đến 3 ngày sẽ xảy ra dị ứng; đến những lần sau Dị ứng có thể xuất hiện chỉ sau vài giờ nhuộm.
Những biểu hiện ban đầu khi bị dị ứng thuốc nhuộm gồm: Ngứa ngáy dữ dội, da đầu nổi mụn nước hoặc chảy nước, đóng vảy, rụng tóc. Kinh khủng hơn, không ít người triệu chứng còn lan ra cả mặt, để lại sẹo và kéo dài cả tháng, tái phát nhiều lần. Có người còn bị nhiễm trùng, chủ yếu là nam giới. Thuốc nhuộm tóc có thể ảnh hưởng đến mắt và da đầu khi chứa các thành phần gây kích ứng. Những người có da đầu yếu, nhạy cảm chỉ cần nhuộm tóc cũng sẽ bị ngứa ngáy, lở loét, đau rát da đầu. Bên cạnh đó, một số loại thuốc nhuộm tóc chứa Alkylphenol ethoxylate (APE) – loại chất thường có trong thuốc trừ sâu – khi hấp thụ vào cơ thể gây rối loạn nội tiết; isopropyl alcohol trong thuốc nhuộm cũng góp phần gây ra nhức đầu, trầm cảm.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, những người nhuộm tóc nhiều tăng nguy cơ mắc ung thư hạch. Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc còn chứa para-phenylenediamine (PPED) có thể gây bệnh ung thư vú hoặc ung thư bàng quang. Phụ nữ mang bầu nhuộm tóc còn gây nguy hiểm cho thai nhi, khiến trẻ đối mặt với nguy cơ ung thư cao hơn 10 lần bình thường. Nếu rơi vào một trong các trường hợp sau, bạn tuyệt đối không nên nhuộm tóc: Vùng da cổ, đầu, mặt bị thương hay sưng đau; phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ “đèn đỏ”; trước và sau khi uốn tóc 1 tuần. Khi pha thuốc, nên tránh các dụng cụ chứa bằng kim loại, cũng không dùng lược chải kim loại khi nhuộm tóc.
Cao Đẳng Dược Chính Quy Hà Nội sưu tầm